14:36 22/10/2024

9 tháng năm 2024: Vận tải tăng trưởng khả quan

Huỳnh Dũng

9 tháng năm 2024, vận tải hành khách và vận tải hàng hóa đều tăng trưởng khả quan. Với dự báo nhu cầu vận tải những tháng cuối năm tăng cao, khả năng hoàn thành mục tiêu vận tải cả năm là hoàn toàn khả thi...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu khối lượng vận tải hàng hóa tăng 7% (khoảng 2.500 triệu tấn), trong khi vận tải hành khách tăng 8% (khoảng 5.000 triệu lượt hành khách) so với năm 2023. Ngoài ra, khối lượng luân chuyển hàng hóa tăng 8,5% (khoảng 905 tỷ tấn.km) và luân chuyển hành khách tăng 9% (khoảng 269 tỷ hành khách.km) so với cùng kỳ năm 2023. Qua 9 tháng đầu năm, báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, con số thực hiện đã tiến sát tới con số mục tiêu đề ra hồi đầu năm.

Số liệu thống kê cho thấy, so với cùng kỳ năm trước, vận tải hành khách tăng 9,0% về vận chuyển và tăng 18,0% về luân chuyển. Trong khi đó, vận tải hàng hóa tăng 12,6% về vận chuyển và tăng 7,3% về luân chuyển.

VẬN TẢI HÀNH KHÁCH TĂNG ỔN ĐỊNH

 Xét riêng với vận tải hành khách, trong tháng 9/2024, vận tải hành khách ước đạt 435,4 triệu lượt và luân chuyển đạt 23,5 tỷ lượt khách.km. So với tháng 8/2024, khối lượng vận tải hành khách tăng 0,6% trong khi luân chuyển hành khách tăng 0,9%.

Tính riêng trong quý 3/2024, ghi nhận 1.301,7 triệu lượt hành khách di chuyển, tương ứng với mức tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Về phía luân chuyển, ước đạt 70,9 tỷ lượt khách.km, tăng 12,6%.

Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2024, vận tải hành khách ước đạt 3.660,2 triệu lượt khách, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước (so với mức tăng 13,2% của cùng kỳ năm 2023). Khối lượng luân chuyển hành khách trong giai đoạn này đạt 204,6 tỷ lượt khách.km, tăng 12,2% (trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 26,7%).

Biểu đồ vận tải hành khách trong 9 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Tuấn Dũng
Biểu đồ vận tải hành khách trong 9 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Tuấn Dũng

Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2024, vận tải hành khách trong nước ước đạt 3.646,8 triệu lượt khách, tăng 7,4% và luân chuyển đạt 161,4 tỷ lượt khách.km, tăng 8,1%. Song song đó, vận tải hành khách quốc tế cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng với 13,4 triệu lượt, tăng 19,2%, và khối lượng luân chuyển đạt 43,2 tỷ lượt khách.km, tăng 31,1%.

Đi sâu vào từng phương thức vận tải hành khách, trong 9 tháng đầu năm, vận chuyển hành khách bằng đường sắt có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước với mức tăng 17,8%. Tiếp sau đó là đường thuỷ nội địa (9,3%), đường biển (7,6%).

Mặc dù đường bộ có số lượng vận chuyển hành khách đạt 3.337,5 triệu lượt, chiếm 91,18% tổng số lượt vận tải hành khách, nhưng chỉ có mức tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trái lại, ngành hàng không ước đạt 40,7 triệu lượt nhưng lại giảm 5,9% so với cùng thời điểm của năm 2023 (44,7 triệu hành khách). Kết quả này phần nào phản ánh sự khó khăn của ngành hàng không trong thời gian qua. Nguyên nhân do trong thời gian qua, chi phí nhiên liệu tăng cao khiến giá vé máy bay tăng đã làm giảm nhu cầu đi lại của người dân bằng phương tiện này.  

VẬN TẢI HÀNG HÓA BẰNG ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG TĂNG MẠNH  

Đối với vận tải hàng hóa, trong tháng 9/2024 vận tải hàng hoá ước đạt 218,8 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 0,6% so với tháng trước. Trong khi luân chuyển hàng hoá trong tháng 9/2024 đạt 44,9 tỷ tấn.km, giảm 1,7%. Xét riêng quý 3/2024 ước đạt 659,0 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 136,5 tỷ tấn.km, tăng 9,3%.

Tính chung 9 tháng năm 2024, vận tải hàng hóa ước đạt 1.917,9 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 14,6%) và luân chuyển 393,4 tỷ tấn.km, tăng 10,5% (cùng kỳ năm trước tăng 11,3%).

Trong đó, hoạt động vận tải trong nước ước đạt 1.883,4 triệu tấn vận chuyển, tăng 13,9% và 238,8 tỷ tấn.km luân chuyển, tăng 6,6%. Vận tải hàng hoá ra nước ngoài ước đạt 34,5 triệu tấn vận chuyển, tăng 4,3% và 154,6 tỷ tấn.km luân chuyển, tăng 17,2%.

Biểu đồ vận tải hàng hoá 9 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Tuấn Dũng
Biểu đồ vận tải hàng hoá 9 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Tuấn Dũng

Số liệu thống kê cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, vận tải hàng hoá bằng hàng không có mức tăng 40,9% so với cùng kỳ năm trước (0,3 triệu tấn). Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm kể từ năm 2021 tới nay. Điều này cho thấy xu hướng phục hồi của vận tải hàng hóa bằng đường hàng không sau giai đoạn Covid-19 ngày càng rõ nét. Theo Tổng cục Thống kê, một trong những lý do khiến vận tải hàng hóa bằng đường hàng không tăng mạnh trong 9 tháng là do nhu xuất khẩu linh kiện điện tử, hàng có giá trị… của Việt Nam trong những tháng đầu tăng mạnh.  

Xếp sau ngành hàng không về tốc độ tăng trưởng là ngành đường biển. Cụ thể, vận tải hàng hoá bằng đường biển trong 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 101,2 triệu tấn, tương ứng với mức tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, vận tải hàng hoá bằng đường bộ ước đạt 1.422,3 triệu tấn, chiếm tỉ lệ 74,16% tổng số lượt vận chuyển trong 9 tháng đầu năm 2024. So với cùng kỳ năm trước, đường bộ có mức tăng trưởng 14,7%.

Xếp cuối về tốc độ tăng trưởng vận chuyển hàng hoá trong 9 tháng đầu năm 2024 là hai ngành đường thuỷ nội địa và đường sắt. Mức độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước của hai loại hình này lần lượt là 9,4% và 5,9%, tương ứng với khối lượng vận chuyển lần lượt là 390,5 triệu tấn và 3,6 triệu tấn. 

ĐẢM BẢO NHU CẦU ĐI LẠI CUỐI NĂM 

Bước vào quý 4/2024, ngành vận tải Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề để hoàn thành mục tiêu đề ra. Các chuyên gia dự báo nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách sẽ tăng đột biến vào giai đoạn cuối năm bởi đây là thời điểm mà các hoạt động sản xuất, thương mại, xuất khẩu và tiêu dùng diễn ra sôi động, đặc biệt khi cận kề các kỳ lễ và Tết.

Nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách gia tăng trong giai đoạn cuối năm, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức vận tải, điều hoà các phương thức vận tải, tăng cường quản lý hoạt động vận tải, giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến, quản lý nghiêm việc điều phối, sử dụng slot, giá vé máy bay, đảm bảo số lượng phương tiện phục vụ, bình ổn giá vé, tạo thuận lợi cho người dân.

Mới đây, các hãng hàng không Việt Nam đã mở bán dịch vụ mua vé máy bay sớm cho dịp Tết. Đồng thời, đồng thời chuẩn bị bổ sung thêm nhiều tàu bay mới phục vụ nhu cầu vận tải gia tăng. Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất cũng điều chỉnh tăng lượt cất, hạ cánh nhằm giúp các hãng hàng không chủ động, sớm triển khai xây dựng kế hoạch khai thác, phục vụ nhu cầu đi lại dịp cuối năm cũng như Tết Nguyên đán năm 2025. Tương tự, ngành đường sắt cũng đang mở bán cho khách hàng đặt vé tàu Tết sớm và đã bán được hơn 63 nghìn lượt chỉ sau 2 tuần mở bán.

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải hướng tới việc tái cơ cấu lại thị trường vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường thuỷ, hàng hải, hàng không và đường sắt. Ảnh minh hoạ
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải hướng tới việc tái cơ cấu lại thị trường vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường thuỷ, hàng hải, hàng không và đường sắt. Ảnh minh hoạ

Trong lĩnh vực vận tải hàng hoá, sự phát triển của thương mại điện tử ở thị trường trong nước, kết hợp sự hồi phục của nền kinh tế thế giới hậu Covid-19, đã đem tới những cơ hội tích cực trong lĩnh vực logistics. Nhiều doanh nghiệp lớn kinh doanh vận tải trên biển đã nhập thêm nhiều tàu tải trọng lớn để tăng khả năng vận chuyển. Ví dụ như Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans) dự kiến đầu tư 2 – 4 tàu chuyên dụng. Ngoài ra, Công ty cổ phần Vận tải Sản phẩm khí Quốc tế (Gas Shipping) trong tháng 8, đã ký hợp đồng tín dụng trị giá hơn 240 tỷ đồng với Ngân hàng Shinhan Việt Nam để đầu tư mua tàu vận chuyển LPG có sức chứa khoảng 5.000 CBM (4.000 - 6.000 CBM).

Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, song song với mục tiêu tăng trưởng về số lượng vận tải thì một thách thức lớn cần quan tâm đó là tái cơ cấu thị phần của các loại hình vận tải hiện nay ở Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, hiện đang xảy ra tình trạng mất cân đối giữa các loại hình vận tải, dùng “dao mổ trâu để mổ ruồi” khi các hãng hàng không đang phải vận tải hành khách trên những tuyến bay có cự ly ngắn, khiến doanh thu của những tuyến này không đủ để bù đắp chi phí. Ngoài ra, cũng diễn ra tình trạng dọc trục Bắc – Nam vẫn có những tuyến xe khách chạy liên tục, vừa mất nhiều thời gian di chuyển vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Báo cáo từ Tổng cục thống kê cho thấy trong 9 tháng năm 2024, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 17.629 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.045 người, bị thương 13.167 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 7,2%; số người chết giảm 9,7%; số người bị thương tăng 17,4%.

Vì vậy, mục tiêu của ngành Giao thông Vận tải trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành vận tải nhằm giảm sự mất cân đối giữa các loại hình vận tải, tạo thuận lợi và chất lượng cho các chuyến xe, đầu tư hạ tầng đồng bộ, giảm thiểu chi phí logistics trong vận tải hàng hóa.