12:00 24/09/2015

ADB: Việt Nam 2016 sẽ tăng trưởng cao nhất ASEAN

Minh Tuấn

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đang nhìn nhận thế nào về kinh tế Việt Nam hiện tại?

Lãi suất cho vay giảm, niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư đều hồi phục đã làm cho tăng trưởng tín dụng ước tính tại thời điểm giữa năm 2015 đạt 17,1% so với cùng kỳ.<br>
Lãi suất cho vay giảm, niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư đều hồi phục đã làm cho tăng trưởng tín dụng ước tính tại thời điểm giữa năm 2015 đạt 17,1% so với cùng kỳ.<br>
Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2015 của Việt Nam đã đạt 6,3%  - tốc độ cao nhất kể từ năm 2010.

Kết quả này, theo báo cáo do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố mới đây, có được nhờ ngành công nghiệp Việt Nam đã có mức tăng trưởng 9,1% trong 6 tháng đầu năm, đóng góp gần một nửa vào kết quả tăng trưởng.

ADB cũng đánh giá, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến sẽ tăng tốc trong 6 tháng cuối năm 2015, trên cơ sở tiêu dùng cá nhân, sản xuất định hướng xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng.

Cao nhất Đông Nam Á

Báo cáo của ADB đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2015 lên mức 6,5% từ mức 6,1% trước đó. Đối với năm 2016, tăng trưởng GDP của Việt Nam theo dự báo mới là 6,6%, cao hơn dự báo trước đó là 6,2%.

Mức tăng trưởng này cũng cao hơn tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Tiêu dùng cá nhân sẽ cải thiện nhờ lạm phát thấp, niềm tin của người tiêu dùng hồi phục và tiền lương trong khu vực phi nông nghiệp tăng lên. Một khảo sát thị trường lao động năm 2014 cho biết mỗi năm có 800.000 lao động rời khỏi ngành nông nghiệp có năng suất thấp để chuyển sang làm việc cho các doanh nghiệp có tiền lương cao hơn hoặc làm việc cho các ngành khác.

Báo cáo của ADB cho biết, sản lượng khu vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam đang đặc biệt khởi sắc, tăng 9,9% nhờ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng cường sản xuất hàng hóa cho xuất khẩu.

Các dự án đầu tư mới trong ngành khai khoáng đã giúp cho ngành này đạt mức tăng trưởng 8,2%, phục hồi từ tình trạng sụt giảm trong nửa đầu năm 2014. Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng đạt 6,6% nhờ có sự phục hồi nhẹ trên thị trường bất động sản và đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng.

Tăng trưởng khu vực dịch vụ hầu như giữ nguyên ở mức 5,9% trong sáu tháng đầu năm. Khu vực bán buôn và bán lẻ đều tăng trưởng cao hơn, nhưng ngành du lịch lại sụt giảm do số lượng khách du lịch giảm 11,3%.

Tuy vậy, nông, lâm và ngư nghiệp tăng trưởng khiêm tốn ở mức 2,4%, giảm một nửa điểm phần trăm so với năm trước do thời tiết xấu và giá cả hàng hóa giảm.

Sẽ không có giảm phát

Về phía cầu, lạm phát thấp là động cơ thúc đẩy tiêu dùng tư nhân đạt mức tăng trưởng 8,9%. Tốc độ tăng trưởng đầu tư cũng được cải thiện với tổng số vốn hình thành tăng 6,9%, nhờ có sự tăng tốc trong tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tuy nhiên, cán cân thương mại ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng GDP do khối lượng hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu gia tăng với tốc độ nhanh hơn xuất khẩu, phản ánh đầu tư và tiêu dùng đều mạnh hơn.

Tỷ lệ lạm phát trong tháng 8 giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm mạnh từ mức kỷ lục 23,0% hồi tháng 8/2011. Trong 8 tháng đầu năm nay, tỉ lệ lạm phát trung bình là 0,8%.

Tuy lạm phát Việt Nam ở mức thấp, nhưng ADB khẳng định yếu tố khiến lạm phát thấp là do giá hàng hóa thế giới giảm mạnh so với cùng kỳ chứ không phải do tiêu dùng nội địa yếu. ADB cũng loại bỏ khả năng Việt Nam sẽ đối đầu với giảm phát.

Lạm phát thấp cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam duy trì chính sách tiền tệ thích ứng. Trong năm nay, cơ quan quản lý chính sách tiền tệ đã duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 6,5% và lãi suất chiết khấu 4,5%. Lãi suất cho vay trung bình các ngân hàng thương mại đã giảm từ mức rất cao 17% năm 2012 xuống còn 9,5% trong 6tháng đầu năm 2015.

Lãi suất cho vay giảm, niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư đều hồi phục đã làm cho tăng trưởng tín dụng ước tính tại thời điểm giữa năm 2015 đạt 17,1% so với cùng kỳ.

Chính sách tài khóa tiếp tục mở rộng. Chi tiêu ngân sách tăng 10,5% trong sáu tháng đầu năm, thâm hụt ngân sách tăng lên 3,7% GDP so với 3.0% của năm trước. Thu ngân sách chính phủ tăng 8,0%. Thu nhập từ thuế tài nguyên giảm mạnh, song được bù đắp tốt hơn nhờ số thu cao hơn từ hoạt động xuất khẩu, thu nhập cá nhân và doanh số bán lẻ.

ADB nhận xét, trước tình trạng giá dầu thế giới xuống thấp hơn so với ước tính, Chính phủ Việt Nam đã tìm cách bù đắp cho phần thu nhập mất đi bằng cách tăng thuế hải quan đối với sản phẩm xăng dầu và tăng cường đốc thu. Mặc dù vậy, nhìn chung nhiệm vụ kiểm soát bội chi ngân sách trong giới hạn 5% GDP trong năm 2015 có thể khó đạt được khi giá dầu thế giới tiếp tục giảm.

Sau nhiều năm có thặng dư đáng kể, cán cân vãng lai năm nay đã chịu áp lực do nhập khẩu tăng mạnh. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong nửa đầu năm nay ước tăng đến 16,7%, trên cơ sở cán cân thanh toán và USD, so với xuất khẩu hàng hóa tăng 9,3%.

Xuất khẩu vẫn tăng trưởng với tốc độ tích cực, chủ yếu là nhờ khối lượng xuất khẩu hàng hóa chế tạo tăng gần 25%, bao gồm các mặt hàng điện tử, may mặc, giầy dép, theo số liệu của hải quan.

Thặng dư thương mại trong 6 tháng đầu năm giảm, làm cho thặng dư cán cân vãng lai ước tính chỉ còn khoảng 0,3% GDP, so với 6,2% nửa đầu năm 2014. Nếu tính cả cán cân vốn thặng dư đáng kể nhờ số vốn giải ngân FDI ròng tăng 15,6%, thì thặng dư cán cân thương mại đạt ước đạt 3,9% GDP.

Lĩnh vực tài chính đã ổn định

Phản ứng trước xu hướng mất giá của các đồng tiền châu Á khác, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh tỷ giá của đồng Việt Nam so với USD ba lần trong 8 tháng đầu năm 2015, mỗi lần điều chỉnh tỷ giá tham chiếu 1%.

Trong tháng 8/2015, Ngân hàng Nhà nước đã tăng biên độ giao dịch ngoại hối từ 1% lên 3% cả hai chiều tỷ giá tham chiếu. Cộng với kỳ vọng đồng tiền tiếp tục giảm giá ở các nền kinh tế châu Á khác, động thái này góp phần làm cho tỷ giá đồng Việt Nam so với USD trên thị trường tự do giảm 3,4% trong tháng 8/2015.

Dự trữ ngoại hối tăng, ước đạt 2,8 tháng nhập khẩu tại thời điểm cuối tháng 6/2015 so với 2,7 tháng nhập khẩu vào cuối năm 2014.

ADB khẳng định sau khoảng thời gian khó khăn vào năm 2011, lĩnh vực tài chính của Việt Nam đã ổn định hơn.

Tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại năm nay đã giảm, nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh hơn và thị trường bất động sản đã có sự hồi phục. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của các ngân hàng giảm từ 8,4% hồi tháng 12/2014 xuống 3,7% trong tháng 6/2015.

Việc triển khai đầy đủ các quy định nâng cao về phân loại tài sản và trích lập dự phòng trong tháng 4/2015 đã thu hẹp khoảng cách giữa con số nợ xấu theo báo cáo và con số ước tính cao hơn theo tiêu chuẩn quốc tế. Những quy định mới này cũng giúp tăng cường công tác thanh tra giám sát an toàn trong hệ thống tài chính.

Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) - được Chính phủ thành lập năm 2013 với nhiệm vụ mua, tái cấu trúc và bán nợ xấu - tính đến tháng 8/2015 đã mua khoảng 9 tỷ USD nợ xấu. Kể từ tháng 3/2015, những nỗ lực của VAMC được hỗ trợ bởi các quy định cho phép công ty được tăng vốn, mở rộng việc thu mua nợ xấu và bán các tài sản mua được cho người nước ngoài.