06:00 15/11/2022

“Ấn Độ, Mexico và Đông Nam Á sẽ hưởng lợi nhiều từ xu hướng đa dạng hoá địa điểm sản xuất toàn cầu”

Bình Minh

Sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng với những gián đoạn do Covid-19 gây ra, đã nâng tầm quan trọng của việc đa dạng hoá đối với doanh nghiệp toàn cầu...

Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd - Ảnh: CNBC.
Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd - Ảnh: CNBC.

Đối với các doanh nghiệp đang muốn đa dạng hoá vào các thị trường mới, nhất là vì rủi ro địa chính trị liên quan đến Trung Quốc, thì Ấn Độ, Đông Nam Á và Mexico là những “ứng cử viên” hàng đầu - cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd nhận định hôm 13/11.

“Khi tôi nhìn quanh thế giới, tôi nhận thấy có ba khu vực đang hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hoá”, hãng tin CNBC dẫn lời ông Rudd phát biểu tại Hội thảo Doanh nghiệp Đức ở châu Á-Thái Bình Dương diễn ra tại Singapore. “Một là Đông Nam Á, hai là Ấn Độ, và ba là Mexico”.

Ông Rudd nhận định rằng Ấn Độ đang có một sự dịch chuyển quan trọng trong chính sách kinh tế để có thể trở thành một thị trường mới và một trung tâm sản xuất cho các công ty đa quốc gia.

“Là một người đã làm việc với Ấn Độ suốt 20 năm qua, lần đầu tiên tôi cảm thấy bị thuyết phục rằng họ đang cố gắng để tạo ra một sự dịch chuyển lớn về mặt chính sách”, ông Rudd phát biểu. “Nếu họ làm được điều đó, họ có thể biến Ấn Độ thành Trung Quốc tiếp theo trên phương diện một thị trường tiêu dùng quy mô lớn, và cũng là một công xưởng toàn cầu đáng tin cậy”.

“Liệu Ấn Độ có biến điều đó trở thành hiện thực hay không? Đây là một câu hỏi mở”, ông Rudd nói.

Đặc biệt, Ấn Độ có thể mang lại cho các công ty xuất khẩu không chỉ cơ hội để đa dạng hoá chuỗi cung ứng mà còn một thị trường tiêu dùng đầu cuối mới.

Sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng với những gián đoạn do Covid gây ra, đã nâng tầm quan trọng của việc đa dạng hoá đối với doanh nghiệp toàn cầu. Những yếu tố này cùng thúc đẩy các liên minh thương mại mới và thiết lập các mạng lưới chuỗi cung ứng giữa các quốc gia đồng minh và có quan hệ thân thiện.

Ông Rudd cho rằng Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - sẽ giữ một vai trò quan trọng trong việc định hình “cuộc tranh luận về Trung Quốc” ở châu lục này.

Đức có nhiều khoản đầu tư lớn ở Trung Quốc và bị chỉ trích vì mối quan hệ thương mại và kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc. Chuyến thăm chính thức Trung Quốc mới đây của Thủ tướng Đức Olaf Scholz một lần nữa khiến châu Âu lo lắng, trong bối cảnh sức ép gia tăng đòi Đức giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trước chuyến thăm Bắc Kinh, ông Scholz đã có một bài viết đăng trên tờ Frankfurter Allgemein, trong đó nói rằng ông sẽ không tìm cách phân ly khỏi Trung Quốc mà thay vào đó sẽ theo đuổi sự đa dạng hoá và củng cố sự vững vàng kinh tế của Đức.

Ông Rudd nói điều quan trọng là các quốc gia không nên né tránh công việc khó khăn là cân bằng lợi ích an ninh quốc gia, mối quan hệ với đồng minh, và mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

CEO Gunther Kegelk của công ty sản xuất đa quốc gia Đức Pepperl and Fuchs nói rằng doanh nghiệp Đức không hề “ngây thơ” khi thiết lập chuỗi cung ứng và các mối kinh doanh ở Trung Quốc và các nơi khác. Tuy nhiên, ông Kegelk cũng nói rằng các doanh nghiệp Đức có lẽ đã đến lúc cần đa dạng hoá để phù hợp với tình hình địa chính trị mới.

“30 năm trước, chúng tôi đã đúng… Nhưng giờ đây, đột nhiên mọi thứ thay đổi. Chúng tôi bị gọi là ngây thơ khi đưa mình vào những mối quan hệ như vậy. Nhưng chúng tôi đã kiếm được nhiều tiền trong những năm qua. Không chỉ chúng tôi mà cả nền kinh tế Đức và châu Âu”, vị CEO phát biểu.

Cũng theo ông Kegelk, nhiều công ty giờ đang chật vật thích nghi, nhất là trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt và hạn chế thương mại mà Mỹ áp lên Trung Quốc và một số quốc gia khác.