Ẩn số tỷ giá Nhân dân tệ có thể “thêm dầu vào lửa” chiến tranh thương mại
Đồng Nhân dân tệ đang trượt dần về ngưỡng 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD, đúng vào thời điểm nhạy cảm của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
Đợt giảm giá gần đây của đồng Nhân dân tệ có nguy cơ thổi bùng một trong chỉ trích mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vốn thường nhằm vào Trung Quốc, rằng nước này cố tình làm suy yếu đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu.
Nhiều nhà phân tích nói rằng biến động tỷ giá gần đây của Nhân dân tệ là do tâm lý thị trường xấu đi trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc và chính quyền Tổng thống Donald Trump tăng thuế quan. Tuy nhiên, việc Nhân dân tệ trượt dần về ngưỡng 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD lại diễn ra đúng thời điểm nhạy cảm khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang và cuộc đàm phán giữa hai nước có nguy cơ đình trệ.
Mốc 7 Nhân dân tệ/USD đang rất gần
Theo hãng tin Bloomberg, trong tháng 5 này, Nhân dân tệ đã giảm giá khoảng 3%, trở thành đồng tiền giảm giá mạnh nhất ở khu vực châu Á. Hôm thứ Sáu, đồng Nhân dân tệ giảm quá ngưỡng 6,9 tệ đổi 1 USD lần đầu tiên trong năm nay.
"Điều này sẽ gia tăng cơ hội cho các nhân vật ‘diều hâu’ ở Washington", nhà nghiên cứu cấp cao Hui Feng thuộc viện nghiên cứu Griffith Asia, nhận định.
Đó là một trong những lý do vì sao Trung Quốc có thể sẽ triển khai các biện pháp hỗ trợ tỷ giá. Trong một bài trả lời phỏng vấn đăng hôm Chủ nhật, ông Pan Gongsheng, người đứng đầu Cơ quan Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) nói rằng Bắc Kinh có đầy đủ công cụ chính sách để ứng phó với biến động trên thị trường tiền tệ.
Trong một bài viết đăng trên tờ China Business News, tác giả Sheng Songcheng, một cựu quan chức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC), nói rằng sẽ hại nhiều hơn lợi nếu Nhân dân tệ giảm giá quá mức 7 tệ đổi 1 USD - một ngưỡng tỷ giá có thể gây tổn hại niềm tin và gia tăng áp lực thoái vốn khỏi Trung Quốc.
Ngày thứ Hai, PBoC đưa ra mức tỷ giá tham chiếu hàng ngày Nhân dân tệ ở mức cao hơn dự báo. Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách ngăn đà trượt giá của đồng nội tệ. Nhờ vậy, tỷ giá Nhân dân tệ tại thị trường Trung Quốc đại lục tăng trở lại sau 4 ngày giảm liên tiếp, với mức tăng hơn 0,2% trong phiên sáng đầu tuần, đạt 6,9034 Nhân dân tệ đổi 1 USD.
Các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ và kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới của Trung Quốc là một "tấm nệm" quan trọng mà nước này sở hữu để ứng phó với sự sụt giảm tỷ giá đồng nội tệ. Tuy nhiên, đợt giảm giá này của Nhân dân tệ sẽ là một "bài kiểm tra" đối với Bắc Kinh sau những tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc rằng nước này sẽ không phá giá đồng tiên gây thiệt hại lợi ích của các quốc gia khác.
Tác hại đối với Trung Quốc
Đồng tiền mất giá đặt ra nguy cơ gây sức ép chuyển vốn ra nước ngoài đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp ở Trung Quốc, đồng thời sẽ buộc Chính phủ nước này phải rút dự trữ ngoại hối quốc gia để bảo vệ tỷ giá.
Một đợt bán tháo Nhân dân tệ cũng có thể gây hoảng loạn đối với nhà đầu tư, như những gì đã diễn ra sau cú sốc phá giá đồng tiền hồi năm 2015 của Trung Quốc. Trong năm đó, đồng Nhân dân tệ rớt giá mạnh đã kéo theo một đợt sụt giảm chóng mặt trên thị trường chứng khoán Trung Quốc và thổi bùng mối lo nền kinh tế hạ cánh cứng.
Chưa kể, đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh cũng có thể khiến các nước đối tác thương mại của Trung Quốc giảm giá đồng tiền để tránh sự suy giảm khả năng cạnh tranh.
Theo các chiến lược gia của ngân hàng Citigroup, các nhà đầu tư nước ngoài có thể bán tháo cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc nếu Nhân dân tệ giảm giá quá mốc 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Các nhà cung cấp chỉ số chứng khoán toàn cầu sẽ trì hoãn việc đưa tài sản Trung Quốc vào các chỉ số của họ, dẫn tới việc các quỹ đầu tư trì hoãn kế hoạch rót vốn vào Trung Quốc.
"Mọi chuyện sẽ tùy thuộc và tốc độ và phạm vi giảm giá của Nhân dân tệ", chiến lược gia Viraj Patel thuộc Arkera phát biểu. "Nếu sự giảm giá diễn ra mạnh và khiến thị trường bất ngờ, thì ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu sẽ là rất lớn".
Đối với các công ty sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ giảm giá giúp họ tăng khả năng cạnh tranh. Giảm giá Nhân dân tệ vốn được xem là một "vũ khí" mà Trung Quốc có thể sử dụng để bù đắp lại ảnh hưởng của thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hóa nước này.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng Louis Kuijs thuộc Oxford Economics ở Hồng Kông, chắc chắc Nhà Trắng dành sự chú ý cho những diễn biến tỷ giá gần đây của Nhân dân tệ.
"Tôi tin chắc rằng ông Trump sẽ không thích sự giảm giá này của Nhân dân tệ, và ông ấy có thể xem đây là một hành động chính trị", ông Kuijs nói.