“Ẩn số” tỷ giá Nhân dân tệ trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
Tỷ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đang trượt dần về ngưỡng nhạy cảm 7 tệ đổi 1 USD
Đối mặt với tình trạng giảm giá mạnh của đồng Nhân dân tệ trong tháng 5 này, giới chức Trung Quốc đang đứng trước câu hỏi nên bảo vệ mốc tỷ giá 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD tới mức độ nào?
Theo hãng tin Bloomberg, Nhân dân tệ đã giảm giá khoảng 2,5% trong tháng 5, tiến tới hoàn tất tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 7 năm ngoái. Với mức giảm này, Nhân dân tệ cũng là đồng tiền mất giá mạnh nhất tại khu vực châu Á trong tháng 5. Tuần trước, có lúc đồng tiền này chạm đáy 5 tháng ở 6,9217 Nhân dân tệ đổi 1 USD.
Nhân dân tệ giảm giá gây hậu quả gì?
Một số chiến lược gia về tiền tệ nhận định rằng nếu chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang, thì tỷ giá Nhân dân tệ có thể giảm quá mốc 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ.
Tuy nhiên, điều mà giới chuyên gia còn bất đồng là hệ quả của sự giảm giá Nhân dân tệ như vậy.
Ngân hàng Citigroup cho rằng nếu Nhân dân tệ giảm quá ngưỡng trên, một đợt bán tháo mới sẽ xảy ra trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, cùng với đó Nhân dân tệ giảm giá sâu hơn và mang lại lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Trung Quốc, đồng thời có thể gây ra bất ổn trong hệ thống tài chính nước này.
Trong khi đó, Bank of America Merrill Lynch lại cho rằng sự giảm giá quá mốc 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD là phù hợp với tình trạng giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, và sẽ không xảy ra tình trạng thoái vốn ồ ạt khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Mặc dù vậy, có một điều rõ ràng hơn là nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ can thiệp khi tỷ giá đồng nội tệ trượt dần về mốc 7. Trong những năm gần đây, mỗi khi Nhân dân tệ giảm giá mạnh, Chính phủ Trung Quốc thường sử dụng những biện pháp như bán ra USD, hút bớt thanh khoản nội tệ, và có những tuyên bố hỗ trợ tỷ giá.
Từ vụ phá giá đồng tiền gây sốc của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) vào năm 2015 đến nay, đây là lần thứ ba Nhân dân tệ thử thách mốc 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD.
"Điểm khác của lần này là sự gia tăng căng thẳng thương mại", ông Claudio Piron, trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ và tỷ giá châu Á thuộc Bank of America Merrill Lynch, nhận xét. "Khi nhìn vào tất cả những công cụ mà Trung Quốc có thể sử dụng để đáp trả Mỹ, thì điều chỉnh tỷ giá Nhân dân tệ chính là lựa chọn dễ dàng nhất. Vấn đề là làm thế nào để đạt được mục đích mà không khiến phần còn lại của châu Á hoảng sợ".
Theo ông Piron, Nhân dân tệ có thể giảm giá về 7,13 Nhân dân tệ đổi 1 USD nếu Mỹ áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc. Trong phiên sáng ngày thứ Năm tại thị trường Hồng Kông, 1 USD đổi gần 6,93 Nhân dân tệ.
Đồng Nhân dân tệ giảm giá có thể là điều phù hợp với các yếu tố nền tảng của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay. Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đã mất đà hồi phục trong tháng 4, khi xuất khẩu giảm, sản lượng công nghiệp và doanh thu bán lẻ đều yếu hơn dự báo.
Mặc dù vậy, Nhân dân tệ mất giá cũng có thể khiến giới đầu tư rút vốn mạnh khỏi Trung Quốc, như đã từng xảy ra mấy năm trước sau vụ phá giá đồng tiền hồi năm 2015 và trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc.
Bởi vậy mà dù có muốn Nhân dân tệ giảm giá để tăng sức cạnh tranh với Mỹ, Bắc Kinh chắc chắn không muốn đồng nội tệ giảm giá quá sâu.
Chứng khoán Trung Quốc bị bán mạnh
Vào cuối tháng 6 tới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ có cuộc gặp bên lề thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản. Trong bối cảnh như vậy, Bắc Kinh đã có những nỗ lực nhằm hạn chế sự sụt giảm tỷ giá Nhân dân tệ.
Mới đây, người đứng đầu cơ quan giám sát ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc đã cảnh báo giới giao dịch tiền tệ rằng họ sẽ "lỗ nặng" nếu bán khống Nhân dân tệ. Thống đốc PBoC cũng cam kết ổn định tỷ giá.
Tuy nhiên, sự trấn an này dường như chưa đủ đối với các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tài sản Trung Quốc. Trong tháng 5 này, khối ngoại đã bán ròng hơn 50 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 7,2 tỷ USD, cổ phiếu Trung Quốc, phá vỡ kỷ lục bán ròng 18 tỷ Nhân dân tệ mới thiết lập vào tháng trước.
Vì lý do này, chỉ số Shanghai Composite Index của chứng khoán Trung Quốc đã giảm 5,3% trong tháng 5, tiến tới hoàn tất tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Chi Lo thuộc BNP Paribas nói rằng nếu Nhân dân tệ giảm giá quá 7 tệ đổi 1 USD, thì Bắc Kinh và Washington có thể sẽ phải quay trở lại bàn đàm phán. Bởi vì ngưỡng tỷ giá như vậy sẽ dẫn tới sự giảm giá đồng tiền tại các quốc gia khác trong khu vực và gây tổn hại đến thị trường chứng khoán Mỹ, đặt ra sức ép buộc ông Trump phải đi đến một thỏa thuận.
"Tôi không cho là PBoC đặt ra một giới hạn ở ngưỡng 7", ông Lo nói. "PBoC có thể sẽ để cho tỷ giá được quyết định nhiều hơn bởi các yếu tố thị trường".