09:36 29/01/2009

An toàn hàng không: Chuyện ở ta

Thông Lê

Đảm bảo an ninh - an toàn hàng không là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của bất kỳ nhà chức trách hàng không nào

Nhiều hãng hàng không vẫn cho rằng vấn đề “đau đầu” nhất trong bảo đảm an toàn, an ninh hàng không lại xuất phát từ... ý thức của hành khách.
Nhiều hãng hàng không vẫn cho rằng vấn đề “đau đầu” nhất trong bảo đảm an toàn, an ninh hàng không lại xuất phát từ... ý thức của hành khách.
Đảm bảo an ninh - an toàn hàng không là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của bất kỳ nhà chức trách hàng không nào.

Công tác này lại đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan chức năng, từ nhà sản xuất tàu bay, nhà vận chuyển đến các cơ quan chỉ huy điều hành bay ở mặt đất, các cụm cảng hàng không cũng như hành khách đi máy bay...

Quên “vợ”... vui vẻ nộp tiền!

Trước ngày 11/9/2001 là ngày xảy ra vụ khủng bố bằng máy bay ở Mỹ thì việc vào, ra sân bay quốc tế Nội Bài để đón khách cũng không đến nỗi căng thẳng lắm, miễn quen nhân viên an ninh sân bay hoặc là nhân viên làm việc ở sân bay. Nhiều lúc còn vào được cả khu vực cách ly để mua một vài thứ ở cửa hàng miễn thuế.

Rồi thủ tục cấp thẻ kiểm soát an ninh ra, vào sân bay cũng dễ dàng hơn nhất là đối với các đơn vị trong ngành hàng không hoặc các đơn vị ngoài ngành nhưng đang thực hiện nhiệm vụ ở sân bay. Đi làm mà quên thẻ kiểm soát an ninh vẫn vào nơi làm việc bình thường, nhân viên an ninh cầm thẻ kiểm tra cũng rất ngại, chưa nói đến việc yêu cầu người vào, ra phải mở hết túi sách, cặp mang theo để kiểm tra. Ngược lại, người bị kiểm tra cũng rất bực bội vì cho rằng làm như vậy là hành vi không tin tưởng nhau, xúc phạm nhau, hàng ngày tiếp xúc chan chát với nhau mà cũng kiểm tra... vẽ chuyện.

Nhưng mấy năm gần đây thì công việc này đã dần dần đi vào nề nếp. Kiểm tra giám sát an ninh đối với nội bộ những người đang công tác tại sân bay dù ở bất cứ cương vị nào, ngành nào, đơn vị nào cũng đã được coi trọng như nhau trong mọi tình huống. Thẻ kiểm soát an ninh quy định cho vào khu vực nào thì người mang thẻ chỉ được vào khu vực đó, nếu phát hiện sai thì nhân viên an ninh bị phạt, thậm chí phải thôi việc.

Đi làm xa bằng xe tuyến cơ quan mà đến nơi quên thẻ thì chỉ có... ra ga ngồi uống cà phê, hoặc phải đến cơ quan an ninh đăng ký làm thẻ an ninh tạm thời trong ngày, đòi hỏi người đó có chứng minh thư nhân dân... và vui vẻ nộp 20.000 đồng lệ phí!

Thế cho nên mới có câu dễ nhớ là cho “vợ” (cái thẻ), vào túi rồi đi làm. Đó là quên “vợ”, còn làm mất “vợ” thì tệ hơn, không những bị kiểm điểm phê bình mà mất thêm hàng trăm nghìn đồng để làm thẻ mới.

Cũng kể từ khi Nghị định 91/2007-NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng có hiệu lực, từ tháng 7/2007 đến tháng 8/2008, các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không đã thụ lý và ra quyết định xử phạt đối với 35 tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không, trong đó có 2 quyết định xử phạt một công ty cổ phần hàng không, số còn lại là hành khách và nhân viên hàng không.

Phạm vi điều chỉnh của nghị định này ghi rõ: vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng là những hành vi vi phạm quy định về tàu bay; về cảng hàng không, sân bay; về nhân viên hàng không; về hoạt động bay; về hoạt động vận chuyển hàng không và hàng không chung; về an ninh hàng không... Hình thức xử phạt có thể là cảnh cáo hoặc phạt tiền, ngoài ra còn có thể bị phạt bổ sung như tạm thu hồi giấy phép hành nghề, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

Các lỗi của phi công có thể là không thực hiện đúng phương thức tiếp cận, hạ cánh, không báo cáo sự cố tàu bay, vi phạm phương thức và quy tắc bay, còn kiểm soát viên không lưu có thể vi phạm quy định về liên lạc, điều hành, kiểm soát với tàu bay đang bay... Thông thường lỗi của nhân viên phục vụ tại sân bay là không thực hiện đúng nhiệm vụ của nhân viên hàng không, lái xe vô ý làm hỏng tàu bay, điều hành phương tiện không đúng quy định, không mang giấy phép khi làm nhiệm vụ, thuê hoặc mượn thẻ kiểm soát an ninh của người khác... Còn các hãng hàng không có thể là không tuân thủ giấy phép cấp cho tàu bay, không báo cáo sự cố tàu bay.

“Đau đầu” vì ý thức hành khách

Đối với các nước phát triển thì người dân sử dụng đường hàng không để đi lại là chuyện quá bình thường. Ở Việt Nam thì có khác vì giá vé đi tàu bay còn cao so với thu nhập của số đông người dân. Nhưng nhiều hãng hàng không vẫn cho rằng vấn đề “đau đầu” nhất trong bảo đảm an toàn, an ninh hàng không lại xuất phát từ... ý thức của hành khách.

Chỉ đôi găng tay vô ý để lại trên ghế ngồi cũng có thể làm chuyến bay phải hoãn lại để kiểm tra tổng thể máy bay và chờ kết quả xét nghiệm đôi găng tay! Một cái áo phao bị mất mà chưa có cái thay thế bổ sung kịp thời ở mỗi ghế ngồi cũng đồng nghĩa với hành khách của số ghế đó phải ở lại. Thế mà vài hành khách của Vietnam Airlines vẫn “khoe tài lấy cắp” áo phao về làm kỷ niệm.

Rồi chỉ một câu nói giỡn có bom, mìn, lựu đạn của hành khách trong tình huống đi máy bay thời khủng bố cũng đã đủ bắt nhà chức trách phải hoãn chuyến bay, tiến hành kiểm tra toàn bộ máy bay để tìm sự thật. Họ đâu biết quy định của Tổ chức ICAO “bất cứ thông tin nào, bất cứ từ nguồn nào về đe dọa đánh bom máy bay hay phương tiện đều được đánh giá là có đe dọa đánh bom thực sự. Các bước đánh giá và xử lý phải được thực hiện theo đúng quy trình một cách nhanh nhất. Hình thức đe dọa đánh bom có thể qua thư tín, điện thoại, qua cuộc đàm thoại hoặc hành khách trực tiếp đe dọa”.

Đến khi biết minh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thì đã quá muộn, phải trả giá hàng chục, hàng trăm triệu đồng thôi, thậm chí còn bị hãng khước từ vận chuyển.

Trong năm vừa rồi một số hành khách đã bị xử phạt theo Nghị định 91 như các ông Phạm Xuân Trung và Võ Ngọc Quỳnh vi phạm trật tự trên tàu bay, không theo hướng dẫn của thành viên tổ bay; ông Bujdoso Peter Anlrew (Úc) lại vô ý làm hỏng thiết bị nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất; ông Nguyễn Thanh Bình đưa hàng nguy hiểm vào khu vực hạn chế tại sân bay Tân Sơn Nhất; ông Lê Văn Hanh cố ý làm hỏng thiết bị tàu bay; ông Nguyễn Hữu Tài hút thuốc lá trong buồng vệ sinh trên tàu bay; ông Hoàng Văn Dụ đi lại trái phép phạm vi cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất; ông Wirthurs Viktor hành hung, đe dọa nhân viên hàng không; ông Nguyễn Văn Đà gây mất trật tự tại sân bay Nội Bài. Mức xử phạt cao nhất 15 triệu đồng, thấp nhất 600 ngàn đồng tùy mức độ từng hành vi vi phạm của các nhóm thành phần.

Cũng phải nói rằng, thời gian gần đây, số lượng hành khách vi phạm đã giảm nhiều. Điều đó cũng nói lên rằng công tác tuyên truyền và biện pháp xử lý cứng rắn của ngành hàng không đã có hiệu quả. Công tác an ninh, an toàn hàng không luôn được đặt hàng đầu, duy trì bền vững và có nhiều biện pháp giám sát chặt chẽ. Đó cũng là điều kiện cần thiết cho ngành hàng không phát triển.