10:51 03/03/2017

An toàn thực phẩm: Vi phạm nhiều, khởi tố ít

Nguyên Vũ

Từ 2011 - 2016, cơ quan điều tra các cấp chỉ khởi tố 1 vụ, 3 bị can về tội vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo tại buổi làm việc với đoàn giám sát sáng 3/3.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo tại buổi làm việc với đoàn giám sát sáng 3/3.
Từ 2011 - 2016, cơ quan điều tra các cấp chỉ khởi tố 1 vụ, 3 bị can về tội vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đây là thông tin được nêu tại báo cáo của Chính phủ về tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016 với đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, sáng 3/3 tại Hà Nội.

Theo đánh giá của Chính phủ, hệ thống pháp luật đã được hình thành đồng bộ để phục vụ cho công tác quản lý an toàn thực phẩm. Đặc biệt, lần đầu tiên lĩnh vực an toàn thực phẩm có nghị định xử phạt vi phạm hành chính riêng, thay vì phải áp dụng nghị định xử phạt vi phạm hành chính chung trong lĩnh vực y tế.

Với nghị định này, mức phạt đã tăng lên rất nhiều, tương xứng với hành vi và số lượng hàng hoá vi phạm, mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng với cá nhân vi phạm và 200 triệu đồng với tổ chức vi phạm. Thậm chí nếu mức phạt chưa đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm còn có thể phạt tới 7 lần giá trị hàng hoá vi phạm, rút giấy phép, công khai tên cơ sở vi phạm.

5 năm qua, cơ quan chức năng kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm, mới chỉ xử lý 136.545 cơ sở, chiếm 20%.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, số cơ sở bị xử lý tăng từ 17,6% trong năm 2015 lên 23,4% trong năm 2016, tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng từ 50,5% lên 67%, số tiền phạt trung bình một cơ sở tăng từ 3,59 triệu lên 3,73 triệu.

Bên cạnh kết quả, báo cáo của Chính phủ cũng nêu không ít tồn tại, yếu kém. Một trong số đó là công tác điều tra, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm hiệu quả chưa cao do khó khăn trong việc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự.

Bên cạnh một vụ việc bị khởi tố về  tội vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, báo cáo cho biết cơ quan cảnh sát điều tra các cấp đã khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố 90 vụ, 148 bị can có hành vi phạm tội liên quan đến an toàn thực phẩm theo các tội danh khác.

Như, tội sản xuất, buôn bán hàng giả, tội sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh là 74 vụ, 117 bị can.

Tội buôn lậu khởi tố 9 vụ, 12 bị can (hàng hoá buôn lậu là thực phẩm).

Tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới (hàng vận chuyển là thực phẩm) 7 vụ, 19 bị can.

Kết quả xử lý hình như, như cử tri nói là chưa nghiêm, Bộ trưởng Kim Tiến nhấn mạnh.

Lý giải về những con số ít ỏi trên, Chính phủ phân tích, điều 155 Bộ luật Hình sự 2009 quy định tội sản xuất, buôn bán hàng cầm chỉ quy định hành vi sản xuất và buôn bán, không có quy định về hành vi sử dụng nên khi phát hiện các đối tượng có sử dụng chất cấm trong trồng trọt. chăn nuôi, sản xuất, chế biến thực phẩm thì không thể khởi tố, điều tra về tội danh này.

Điều 244 quy định tội vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng chưa có văn bản hướng dẫn các tình tiết "gây thiệt hại nghiêm trọng", "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng".

Cũng liên quan đến kết quả xét xử các vụ án liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016, báo cáo của Toà án nhân dân Tối cao khẳng định: người thực hiện hành vi phạm tội liên quan đến an toàn thực phẩm khá nhiều nhưng bị xử lý hình sự rất ít.

Báo cáo của Toà cho biết từ 1/10/2010 đến 30/9/2016 toà án nhân dân các cấp đã thụ lý 321 vụ án liên quan đến an toàn thực phẩm, đã giải quyết, xét xử 313 vụ.

Trong số 375 bị cáo  bị đưa ra xét xử, chỉ có một bị cáo bị phạt  tù từ 15 đến 20 năm tù, phạt tù từ trên 7 năm đến 15 năm có ba bị cáo, từ 3 năm đến 7 năm có 36 bị cáo và từ 3 năm trở xuống 150 bị cáo. Xử phạt tù nhưng cho hưởng án  treo 183 bị cáo, cải tạo không giam giữ một  bị cáo, phạt tiền một bị cáo.

Hình phạt mà toà áp dụng đối với các bị cáo đảm bảo nghiêm minh, tương xứng với tính chất, mức độ,  hành vi và thân nhân của người phạm tội trong từng vụ án, lãnh đạo Toà án nhân dân Tối cao khẳng định.