07:00 09/08/2023

Ảnh hưởng của đồng Yên giảm giá tới doanh nghiệp công nghệ Việt

Mạnh Chung

Từ đầu năm đến nay, Yên Nhật là một trong những đồng tiền giảm giá nhiều nhất trong nhóm 10 đồng tiền giao dịch phổ biến trên thế giới. Mặc dù gần đây, đồng Yên Nhật đã tăng giá trở lại, nhưng một số dự báo thậm chí còn cho rằng tỷ giá đồng Yên có thể giảm dưới mức thấp nhất của 3 thập kỷ đã thiết lập vào năm ngoái...

Tại diễn đàn bàn tròn tuần này, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo hai doanh nghiệp công nghệ Việt đang hoạt động kinh doanh tại thị trường chính là Nhật Bản, gồm: ông Phạm Thái Sơn, CEO NTQ Solution và ông Tạ Sơn Tùng, Chủ tịch Công ty cổ phần Rikkeisoft, xung quanh câu chuyện giảm giá của đồng Yên và ảnh hưởng của nó tới hoạt động của doanh nghiệp công nghệ Việt.

TỶ GIÁ ĐỒNG YÊN VÀ TÁC ĐỘNG TỚI DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ

Thưa ông, suốt nửa năm qua Yên Nhật là một trong những đồng tiền giảm giá nhiều nhất trong nhóm 10 đồng tiền giao dịch phổ biến nhất thế giới, theo đó tỷ giá đồng Yên (so với đồng USD) từ đầu năm đến thời điểm trước khi tăng giá trở lại đã giảm khoảng 9%. Thậm chí tỷ giá đồng Yên còn được dự báo có thể giảm dưới mức thấp nhất của 3 thập kỷ đã thiết lập vào năm ngoái. Việc giảm giá của đồng Yên đã, đang tác động như thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại thị trường Nhật Bản?

Ông Phạm Thái Sơn, CEO NTQ Solution: Từ đầu năm nay, thị trường và nền kinh tế Nhật Bản đã có sự tăng trưởng trở lại, doanh thu từ đồng Yên của các công ty hoạt động tại Nhật Bản nhìn chung đã có sự tăng trưởng so với thời kỳ Covid-19.

Tuy nhiên, với sự sụt giảm tỷ giá đồng Yên, khách hàng Nhật Bản lại có văn hóa khá truyền thống là thanh toán các hợp đồng mua dịch vụ từ Việt Nam bằng Yên chứ không phải USD, điều này dẫn tới doanh thu khi quy đổi ra VND để thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh của NTQ Solution nói riêng và các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin sang Nhật nói chung sẽ sụt giảm. Trong khi đó, chi phí doanh nghiệp không thay đổi hoặc phần lớn bị tăng lên, dẫn tới bào mòn lợi nhuận.

Ngoài ra, đồng Yên giảm khiến lượng lớn nhân sự Việt tại thị trường Nhật đang lựa chọn quay trở về nước do thu nhập không còn đảm bảo, vì thế mà chúng tôi cũng phần nào gặp khó khăn trong quá trình tuyển dụng và phái cử nhân sự sang Nhật Bản trong thời gian qua. Thậm chí nếu tình trạng này kéo dài, thị trường Nhật Bản sẽ không còn là thị trường hấp dẫn với các lao động có tay nghề cao, mang đến những ảnh hưởng lâu dài cho các doanh nghiệp.

Đó được xem là hai trở ngại lớn nhất đã và đang, hoặc có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của NTQ Solution tại thị trường Nhật. Tuy nhiên, đây cũng là những diễn biến đã nằm trong dự báo của NTQ Japan và NTQ Solution.

Ông Tạ Sơn Tùng, Chủ tịch Công ty cổ phần Rikkeisoft: Thị trường Nhật Bản là một trong những thị trường lớn mà Rikkeisoft cung cấp các giải pháp và dịch vụ công nghệ thông tin. Vì vậy, khi giá tiền tệ của quốc gia này giảm, doanh thu và lợi nhuận từ thị trường này đã giảm.

Nhưng để nói có ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động kinh doanh hay không, thì không hẳn, vì các dự án, đầu việc của Rikkeisoft tại thị trường Nhật vẫn nhiều và đều. Các khách hàng Nhật vẫn có nhu cầu mở rộng dự án và đặt niềm tin vào Rikkeisoft.

Với việc giảm giá của đồng Yên trong một thời gian dài từ năm 2022, và đặc biệt trong nửa đầu năm 2023, đến trước khi đồng Yên tăng giá trở lại vào đầu tháng 7, dự kiến kết quả kinh doanh của NTQ Solution và Rikkeisoft trong năm 2023 như thế nào? So với kế hoạch đặt ra thì sao?

Ông Phạm Thái Sơn, CEO NTQ Solution: Việc sụt giảm đồng Yên chắc chắn đã và đang tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của NTQ Japan và NTQ Solution nói chung. Tuy nhiên, theo kết quả kinh doanh ghi nhận hiện tại, NTQ Japan vẫn đang trên đà đạt được những mục tiêu tăng trưởng của mình (40%) trong năm nay.

Trên thực tế đồng Yên đã có dấu hiệu sụt giảm kể từ năm ngoái, cũng là thời điểm nền kinh tế toàn cầu đều đang chững lại và tái khởi động sau đại dịch. Ngay từ giai đoạn đó, chúng tôi đã có những đánh giá diễn biến thị trường, linh hoạt đưa những dự báo tỷ giá đồng Yên trung bình trong năm ở mức 170-175 VND/Yên, thay vì mức trung bình 180-200 VND/Yên như các năm trước đây.

Các đánh giá, dự báo linh hoạt, kèm theo các hoạt động theo dõi, điều chỉnh hàng tuần đã giúp NTQ Solution xây dựng những kịch bản đối ứng, chiến lược đa dạng để vừa đảm bảo mục tiêu phát triển, doanh thu, vừa thích ứng kịp thời với những sự thay đổi liên tục của thị trường.

Ảnh hưởng của đồng Yên giảm giá tới doanh nghiệp công nghệ Việt - Ảnh 1

Với những thị trường ngoài Nhật Bản, NTQ Solution cũng đang triển khai dịch chuyển mũi nhọn tăng trưởng, hướng đến đa dạng thị trường quốc tế lớn như Hàn Quốc, Hong Kong, châu Âu và Mỹ nhằm đa dạng hóa nguồn doanh thu, đảm bảo hướng đến những mục tiêu đề ra, bao gồm mở thêm 2 chi nhánh quốc tế tại Mỹ và châu Âu trong năm 2023 và đạt doanh thu 100 triệu USD, cán cột mốc 3.000 nhân sự trong năm 2026.

Ông Tạ Sơn Tùng, Chủ tịch Công ty cổ phần Rikkeisoft: Hiện nay, Rikkeisoft đã có những bước đi cụ thể cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh tại các thị trường Non-Japan. Việc thành lập các công ty con tại thị trường Mỹ, Thái Lan đã giúp Rikkeisoft tiếp cận được nhiều cơ hội hợp tác và trở thành khách hàng tại các thị trường quốc tế này.
Còn dự kiến kết quả kinh doanh của Rikkeisoft trong năm 2023 (trước tác động giảm giá của đồng Yên) thì tôi xin phép không chia sẻ.

GIẢI PHÁP CỦA DOANH NGHIỆP TRƯỚC TÁC ĐỘNG GIẢM GIÁ CỦA ĐỒNG YÊN

Trước việc giảm giá của đồng Yên trong nửa năm qua cũng như năm 2022 trước đó, các doanh nghiệp như NTQ Solution và Rikkeisoft đã có những giải pháp như thế nào để ứng phó trước việc giảm giá này?

Ông Phạm Thái Sơn, CEO NTQ Solution: NTQ Soluion đẩy mạnh việc toàn cầu hóa, phát triển mạnh mẽ thêm ra các thị trường quốc tế như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Hong Kong để giảm sự phụ thuộc vào đồng Yên, đa dạng hóa nguồn doanh thu. Cho tới nay tỷ trọng doanh thu từ thị trường Nhật so với tổng doanh thu đã giảm từ 90% xuống còn 60%. Đặc biệt khi NTQ Solution mở chi nhánh tại châu Âu và Mỹ dự kiến tháng 9/2023 thì tỷ trọng của thị trường Nhật sẽ dự kiến chỉ còn dưới 50%.

Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh các dịch vụ/sản phẩm thế mạnh đang có (Software Development), phát triển các dịch vụ/sản phẩm mới khác biệt đột phá (R&D ứng dụng các công nghệ mới và phát triển các giải pháp tích hợp - Integration & Solutions) nhằm triển khai những công đoạn có giá trị gia tăng cao, mang lại nhiều đột phá hơn trong chuỗi cung ứng công nghệ thông tin. Đơn cử như việc NTQ Solution thành lập NTQ Consulting Japan - công ty con chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp toàn cầu - cũng đã mang lại cho NTQ Solution nhiều hợp tác thành công với giá trị quy mô lớn.

NTQ Solution và NTQ Japan đẩy mạnh việc tối ưu và linh hoạt hóa hệ thống vận hành doanh nghiệp, gia tăng năng suất lao động của toàn công ty thêm 10-20%, sử dụng hiệu quả các công cụ đòn bẩy (tài chính, M&A,…) nhằm tối ưu chi phí, duy trì vận hành hiệu quả, ổn định, thích ứng linh hoạt với những biến động thị trường.

Chúng tôi cũng xây dựng các chính sách, chương trình hỗ trợ đồng hành giúp người lao động yên tâm làm việc tại Nhật.

Nhờ các giải pháp nhanh chóng và chiến lược linh hoạt, NTQ Solution mở rộng được các công việc và liên tiếp trở thành thành đối tác công nghệ tin cậy của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới trong bối cảnh khó khăn hiện tại.

Ông Tạ Sơn Tùng, Chủ tịch Công ty cổ phần Rikkeisoft: Rikkeisoft mở rộng thị trường cung cấp dịch vụ tại Mỹ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) và Liên minh châu Âu (EU). Ngoài ra, Rikkeisoft xem xét cân nhắc cho những khoản chi phí không cần thiết trong doanh nghiệp hoặc cắt giảm các khoản đầu tư ngắn hạn.

GỢI MỞ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHO DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ TẠI NHẬT BẢN

Với các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam hoạt động kinh doanh tại Nhật Bản, Chính phủ nước sở tại có chính sách hỗ trợ gì trước ảnh hưởng của việc giảm giá đồng Yên, thưa ông? Và, nếu có kiến nghị với Chính phủ, cơ quan chức năng liên quan trong nước để có những cơ chế chính sách hoặc hỗ trợ nào đó đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đang hoạt động tại thị trường tại Nhật Bản chịu ảnh hưởng giảm giá đồng tiền của nước sở tại, các ông sẽ kiến nghị gì?

Ông Phạm Thái Sơn, CEO NTQ Solution: Chính phủ Nhật Bản chưa có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu như NTQ Solution khi hoạt động tại Nhật.

Chính phủ và các cơ quan chức năng nên có thêm các chính sách hỗ trợ về thuế, tài chính nhằm giúp các doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật vận hành ổn định, vượt qua thời kỳ khó khăn. Các tổ chức tài chính, ngân hàng cũng nên có thêm những gói hỗ trợ lãi suất cho các công ty xuất khẩu sang Nhật để cùng đồng hành trong thời điểm này.

Đại diện Chính phủ và các cơ quan nhà nước liên quan nên thường xuyên tổ chức những chuyến công tác, hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại sang Nhật Bản để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam khuếch trương hình ảnh và tạo sự tin tưởng với khách hàng và các đối tác lớn.

Thành lập các tổ tư vấn, hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp Việt tại Nhật nhanh chóng nắm bắt diễn biến thị trường, dự báo những biến động để từ đó có kế hoạch chuẩn bị phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu thiệt hại và duy trì phát triển bền vững.

Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam có những chương trình ưu tiên xét duyệt nhanh chóng và ưu tiên đối với trường hợp cử đi công tác Nhật ngắn hạn để mở rộng kinh doanh, xây dựng mối quan hệ, thúc đẩy đầu tư, trao đổi.

Ông Tạ Sơn Tùng, Chủ tịch Công ty cổ phần Rikkeisoft: Hiện Chính phủ nước sở tại chưa có chính sách hỗ trợ hoạt động kinh doanh cho Rikkeisoft.

Rikkeisoft tin rằng Chính phủ hai bên cũng đã làm việc và trao đổi để có những hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại thị trường Nhật. Điểm sáng gần đây là đồng Yên đã có dấu hiệu tăng và dần phục hồi, điều này giúp Rikkeisoft cũng như các doanh nghiệp khác có niềm tin vào sự nỗ lực của Chính phủ hai bên...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 32-2023 phát hành ngày 07-08-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Ảnh hưởng của đồng Yên giảm giá tới doanh nghiệp công nghệ Việt - Ảnh 2