15:33 11/03/2024

Áp lực bán tháo tăng vọt, bảng điện đỏ đậm

Kim Phong

Thị trường đã không còn khả năng duy trì cân bằng mong manh của phiên sáng nữa, lượng hàng thua lỗ mới về đã chấp nhận bán hạ giá dữ dội để thoát ra. Thanh khoản khớp lệnh hai sàn chiều nay tăng vọt 50% so với phiên sáng, VN-Index lao đầu giảm xuống đáy thấp nhất ngày với số mã đỏ gấp 3,7 lần mã xanh...

VN-Index giảm liền gần 30 điểm chỉ trong 2 phiên.
VN-Index giảm liền gần 30 điểm chỉ trong 2 phiên.

Thị trường đã không còn khả năng duy trì cân bằng mong manh của phiên sáng nữa, lượng hàng thua lỗ mới về đã chấp nhận bán hạ giá dữ dội để thoát ra. Thanh khoản khớp lệnh hai sàn chiều nay tăng vọt 50% so với phiên sáng, VN-Index lao đầu giảm xuống đáy thấp nhất ngày với số mã đỏ gấp 3,7 lần mã xanh.

Biên độ giảm mạnh cuối tuần trước đã đẩy khối lượng lớn cổ phiếu mới giao dịch trong ngắn hạn đột nhiên ở vào tình thế rủi ro thua lỗ. Nỗ lực hạ đòn bẩy tăng vọt trong khi dòng tiền chưa sẵn sàng mua cao hơn khiến mặt bằng giá hạ xuống nhanh chóng.

Chốt phiên sáng VN-Index mới có 44 mã giảm hơn 1% thì kết phiên chiều đã lên tới gần 150 mã. Độ rộng cũng xấu hơn nhiều với 106 mã tăng/392 mã giảm. Một tín hiệu cho thấy sức ép bán tháo đặc biệt lớn là: Tuy sàn HoSE chỉ có 68 mã giảm quá 2% nhưng nhóm này chiếm gần 31% tổng giá trị cả sàn. Loạt mã MBB, VND, MWG, KBC, NVL, GEX, SHB, VPB, PDR thuộc nhóm giảm sâu nhất này và thanh khoản đều trên 300 tỷ đồng. MBB thậm chí khớp gần 811 tỷ đồng với giá giảm 2,75%.

Nhóm trụ dĩ nhiên là đối tượng tạo sức ép chính. Toàn bộ 10 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất đều là cổ phiếu thuộc VN30. VCB giảm 1,05%, GAS giảm 2,14%, VPB giảm 2,37%, BID giảm 1,17%, MBB giảm 2,75%... là các mã đáng kể nhất. Thực ra đây còn là do yếu tố vốn hóa, còn thuần túy biên độ, VRE, BCM, MWG, SHB, BVH, PLX, GAS thậm chí còn rơi sâu hơn. VN30-Index đóng cửa giảm 1,21%, mạnh hơn chỉ số chính giảm 0,95% và cả rổ còn đúng 3 mã tăng là GVR tăng 1,9%, HDB tăng 0,43% và VNM tăng 0,43%.

Loạt cổ phiếu lớn lao dốc nặng chiều nay là MSN giảm 3,13% so với giá chốt buổi sáng, đóng cửa giảm 1,27% so với tham chiếu. MWG giảm riêng chiều 2,52%, mở rộng biên độ lên -2,83% so với tham chiếu. VRE giảm thêm 3,35% nữa, VPB giảm thêm 2,11%, BVH giảm thêm 2,47%...

Sức ép tăng vọt từ phía bán khiến các cổ phiếu thanh khoản càng lớn thì giá giảm càng nhiều.
Sức ép tăng vọt từ phía bán khiến các cổ phiếu thanh khoản càng lớn thì giá giảm càng nhiều.

Tính riêng phiên chiều, HoSE khớp 13.461 tỷ đồng, tăng 48% so với phiên sáng. Thanh khoản này đi cùng với mặt bằng giá thấp hơn đáng kể cho thấy bên bán đã làm chủ. VN-Index bốc ơhi 11,86 điểm và chỉ trong hai ngày mất gần 30 điểm và rơi trở lại xuống dưới vùng đỉnh tháng 9 năm ngoái. Như vậy tuần vượt đỉnh này vừa qua đã xác nhận là một “bull-trap” là mắc kẹt hàng tỷ cổ phiếu. Điều này sớm muộn sẽ khiến áp lực bán tăng lên thêm nữa.

Trong cơn lũ bán tháo, thị trường vẫn có một số mã đi ngược dòng khá nổi bật. Nhóm này cũng bị bán nhiều, nhưng có dòng tiền đỡ tốt, do đó giữ được màu xanh với thanh khoản lớn. Trong 106 cổ phiếu đóng cửa trên tham chiếu của VN-Index, có 46 mã tăng hơn 1%. Các mã thanh khoản nổi bật là DBC với 728,1 tỷ đồng, giá tăng 4,08%; PNJ với 289,7 tỷ, giá tăng 2,59%; EIB với 247,4 tỷ, giá tăng 1,41%; FRT với 210,4 tỷ, giá tăng 4,82%; BAF với 108,4 tỷ, giá tăng 2,6%; GVR với 172,2 tỷ, giá tăng 1,9%; FTS với 160 tỷ, giá tăng 2,7%...

Tuy vậy đây cũng chỉ là số ít cổ phiếu cá biệt. Trong bối cảnh thị trường chung điều chỉnh, cơ hội đi ngược dòng vẫn sẽ có rủi ro cao vì nhu cầu “ăn non” sẽ ngày càng nhiều. Thêm nữa mức thanh khoản càng cao ở các mã này càng cho thấy nhà đầu tư muốn rút ra và sớm muộn dòng tiền vào cũng sẽ thu hẹp dần lại.

Khối ngoại chiều nay cũng đẩy mạnh bán ra khoảng 1.047,7 tỷ đồng trên sàn HoSE, tăng 32% so với phiên sáng. Mua thêm đạt 1.095,3 tỷ đồng, chỉ tăng gần 10%. Do đó vị thế ròng buổi chiều chỉ là +47,6 tỷ đồng, so với +201,2 tỷ đồng buổi sáng. Khối này mua mạnh FRT +97,2 tỷ, EIB +65,9 tỷ, FTS +62,7 tỷ, HPG +62,4 tỷ, VPI +57,6 tỷ, DBC +49,7 tỷ. Phía bán có MSN -91,6 tỷ, KBC -63,8 tỷ, VPB -49 tỷ.