16:45 12/10/2015

Áp lực đi vay phát triển ngày một tăng

Nguyên Vũ

Những băn khoăn tại phiên thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội luận về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên thảo luận.<br>
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên thảo luận.<br>
Như VnEconomy đã thông tin, chiều 12/10 Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách.

Tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển tỏ ra băn khoăn khi áp lực đi vay phát triển ngày một tăng.

Ông Hiển cũng cho rằng, đề nghị đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu Chính phủ và phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường trái phiếu quốc tế cũng có yếu tố hợp lý, song phải được Quốc hội cho phép.

Bởi tại nghị quyết số 78/2014, Quốc hội đã quy định “từ năm 2015, phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, giảm mức vay đảo nợ”

Trong điều kiện hiện nay thì có thể nới cơ chế vay nợ và trả nợ, còn lâu dài vẫn giữ nguyên tinh thần của luật quản lý nợ công và nghị quyết 78 của Quốc hội, ông Hiển bày tỏ quan điểm.

Kết thúc hơn một giờ thảo luận, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Ngân hàng Nhà nước bổ sung một số thông tin liên quan đến tái cơ cấu ngân hàng vào báo cáo của Chính phủ sẽ trình Quốc hội ngày 20/10 tới.

Việc mua ngân hàng giá 0 đồng cần được làm rõ thêm, hiệu quả của VAMC như thế nào cũng cần được bổ sung, Phó chủ tịch nói.

Đây cũng là hai vấn đề đã được Ủy ban Kinh tế đề cập tại báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Giàu cho biết, có ý kiến đề nghị đánh giá hoạt động của VAMC và cơ chế, chính sách mua ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém với giá 0 đồng.

Có mặt tại phiên họp từ buổi sáng, song Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng không phát biểu.

Bên cạnh vấn đề nêu trên, Phó chủ tịch Kim Ngân cho rằng cần cân nhắc cho kỹ việc điều chỉnh tiền lương. Bởi nếu đến 2016 vẫn không điều chỉnh thì tức là 4 năm liền mức lương cơ sở vẫn duy trì ở mức rất thấp mà không có điều chỉnh gì.

Vẫn liên quan đến kế hoạch 2016, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, các chỉ tiêu thì Trung ương đã bàn rất kỹ, quan trọng là các giải pháp thế nào.

Điều đáng lo nhất, theo Chủ tịch là kinh tế vĩ mô phải giữ ổn định. Ông cũng cho rằng nhập siêu có khả năng lớn lên, vì thế chỉ tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 5% là rất khó.

Bắt đầu tăng trưởng thì phải nhập khẩu nhiều hơn, nhập siêu thì thiếu ngoại tệ, ngoại tệ khó khăn thì ổn định tỷ giá là khó vì vậy để hạn chế nhập siêu thì chính sách phải đầu tư thúc đẩy sản xuất trong nước, vật tư phụ tùng phải sản xuất được ở trong nước, Chủ tịch lưu ý.

Liên quan đến kiến nghị của Chính phủ với Quốc hội cho phép đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, Chủ tịch lưu ý “ngắn thì cũng phải ba năm, còn nếu một năm thì sang ngân hàng mà vay chứ việc gì phải phát hành trái phiếu”.

Nhìn cả hai báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhận xét, báo cáo thẩm tra đề cập một số vấn đề mà lẽ ra Chính phủ nên đề cập. Như kết quả đổi mới kỳ thi trung học phổ thông, phòng chống dịch bệnh, chuyển dịch cơ cấu lao động, tác động của FDI với doanh nghiệp trong nước….