18:02 17/05/2021

Áp lực thu ngân sách đè nặng ngành Thuế

Trâm Anh

Sau thời gian khởi sắc đầu năm, thu ngân sách ngành Thuế quản lý đang có xu hướng chững lại, do sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19, dồn áp lực thu vào thời điểm cuối năm...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Ngày 17/5, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị giao ban về tình hình thực hiện nhiệm vụ tháng 4 và triển khai công tác tháng 5.

THU NGÂN SÁCH ĐANG CHỮNG LẠI

Báo cáo tại hội nghị về tình hình thực hiện thu ngân sách thuộc lĩnh vực ngành Thuế quản lý, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, tổng thu ngân sách lũy kế đến 13/5 đạt 507.409 tỷ đồng, bằng 45,4% so với dự toán. Về tổng quan chung thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý, 4 tháng đầu năm đạt tiến độ thu khá so với dự toán và tăng trưởng so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn, từ tháng 4 đến nay, thu ngân sách đã có xu hướng chững lại. Thu từ 3 khu vực kinh tế tháng 4/2021 chỉ đạt khoảng 26.500 tỷ đồng, bằng 7,8% dự toán.

Việc thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, kiến số thuế giá trị gia tăng gia hạn trong tháng 4 khoảng 10.500 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 16.000 tỷ đồng. Do đó, số thu các sắc thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp tháng 4/2021 chỉ đạt lần lượt là 7,1% và 8,3% dự toán.

Bên cạnh đó, số liệu khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 cho thấy, kết quả sản xuất của các doanh nghiệp giảm ở hầu hết các chỉ tiêu từ doanh thu đến lợi nhuận, giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước so với năm 2019.

PHẤN ĐẤU HOÀN THÀNH VƯỢT MỨC DỰ TOÁN

Để đảm bảo phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách được giao, đồng thời tạo thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân nộp thuế, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, ngành Thuế đã và đang tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính.

Trong đó, phấn đấu đến cuối năm 2021, 100% các thủ tục hành chính thuế tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục rà soát báo cáo cấp có thẩm quyền, thực hiện cắt giảm tiếp những thủ tục, chỉ tiêu còn có thể cắt giảm.

 

 “Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục bám sát tình hình. Phân tích, đánh giá kỹ, đúng bản chất số thu ngân sách những tháng đầu năm, các khoản thu, sắc thuế thu đột biến, tác động của việc thực hiện Nghị định số 52/2021 của Chính phủ đến số thu ngân sách nhà nước các tháng.

Từ đó, kịp thời có các giải pháp điều hành thu ngân sách nhà nước hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao”.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn.

Đáng chú ý, tăng cường công tác quản lý thuế đối với các sản giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam như: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… các trang mạng xã hội không có văn phòng tại Việt Nam, chưa đăng ký thuế và khai thuế tại Việt Nam, nhưng có phát sinh thu nhập tại Việt Nam như: Google, Apple, Facebook, Netflix, Youtube. Cơ quan thuế sẽ triển khai làm việc với một số chủ sàn giao dịch thương mại điện tử lớn tại Hà Nội và Hồ Chí Minh để triển khai việc cung cấp thông tin cho công tác quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh thương mại điện tử.

Liên quan đến tiến độ triển khai hóa đơn điện tử, cùng với việc xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ, Tổng cục Thuế cũng đang tích cực triển khai các công việc, nghiên cứu các giải pháp công nghệ, xây dựng thiết kế tổng thể hệ thống quản lý hóa đơn điện tử đáp ứng quy định tại Nghị định số 123/2020. Dự kiến triển khai đợt 1 từ tháng 11/2021 và đợt 2 từ tháng 4/2022.

Về giải pháp sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế cá nhân, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính làm việc tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội-C06, Bộ Công an. Trên cơ sở tài liệu về 11 dịch vụ mà Bộ Công an đang chia sẻ cho các bộ, ngành, Tổng cục Thuế dự kiến triển khai theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, Tổng cục Thuế kết nối qua Bộ Tài chính để sử dụng các dịch vụ với Bộ Công an sau khi mã số định danh cá nhân được cấp cho toàn bộ dân cư. Rà soát dữ liệu của toàn bộ mã số thuế cá nhân để sử dụng trong quản lý thuế.

Giai đoạn 2, Tổng cục Thuế rà soát dữ liệu quản lý thuế để chuyển sang sử dụng số căn cước công dân làm mã số thuế.