13:13 21/05/2024

Australia dừng thị thực vàng nhưng chi “mạnh tay” khi du lịch nước ngoài

Tường Bách

Mặc dù đang chứng kiến lượng khách du lịch quay trở lại song nếu so với năm 2019, số lượng khách du lịch quốc tế đến Australia vẫn thấp hơn 25%. Du khách quốc tế và sinh viên nước ngoài là hai đối tượng đang góp phần quan trọng cho nền kinh tế Australia...

Ảnh: Times of India
Ảnh: Times of India

Trong bối cảnh sức mua giảm mạnh, việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất vẫn gặp nhiều trở ngại, thì khách quốc tế và sinh viên nước ngoài đang trở thành những yếu tố giúp Australia tránh được nguy cơ suy thoái. Trong đó, những sinh viên nước ngoài, ngoài việc đóng góp khoảng 25,5 tỷ AUD vào nền kinh tế Australia, còn có thể bù đắp phần nào vào đội ngũ lao động đang thiếu hụt tại đây.

Dù vậy, Australia đã ngừng chương trình thị thực kinh doanh, bao gồm "thị thực vàng", như một phần của cải cách chính sách di cư mới nhất của nước này. Thay vào đó, một chương trình cải cách thị thực mới nhằm "thu hút những người nhập cư đặc biệt tài năng" sẽ được giới thiệu vào cuối năm nay nhằm thúc đẩy tăng trưởng cho các lĩnh vực có tầm quan trọng quốc gia, trong bối cảnh Australia giảm lượng nhập cư và giới hạn số lượng sinh viên quốc tế trong 4 năm tài chính tới.

Dù nước này đã chuẩn bị cho quyết định về việc cắt giảm chương trình thị thực kinh doanh trong năm nay nhưng khi bắt đầu thực hiện chính thức, các cơ quan di trú xử lý đơn xin thị thực kinh doanh cho biết họ vẫn đang loay hoay để truyền đạt những thay đổi này tới những khách hàng. Chương trình thị thực vàng, chính thức được gọi là "thị thực nhà đầu tư quan trọng", cơ chế cấp quyền định cư cho công dân nước ngoài nếu họ sẵn sàng đầu tư ít nhất 5 triệu AUD (3,3 triệu USD) vào Úc. Các nhà phê bình cho rằng chương trình này đã dẫn đến kết quả kinh tế kém và bị lợi dụng bởi những người ít quan tâm đến đầu tư dài hạn.

Khách quốc tế và sinh viên nước ngoài đang trở thành những yếu tố thúc đẩy kinh tế phát triển, giúp Australia tránh được nguy cơ suy thoái.
Khách quốc tế và sinh viên nước ngoài đang trở thành những yếu tố thúc đẩy kinh tế phát triển, giúp Australia tránh được nguy cơ suy thoái.

Sau khi thông báo ngân sách hôm 14/5, chính quyền Canberra nói với các cơ quan di trú rằng bất kỳ ai vẫn đang xếp hàng theo chương trình thị thực kinh doanh sẽ phải chịu sự sàng lọc nghiêm ngặt hơn. Sẽ có 1.000 đơn đăng ký được phê duyệt trong năm tài chính hiện tại, giảm so với con số 1.900 ban đầu. “Ðiều này có nghĩa là những người ở cuối hàng đợi 18.500 đơn đăng ký sẽ phải chờ tới 18,5 năm”, chuyên gia về di cư James Hall cho biết. 

Theo thống kê mới nhất của Tạp chí The Australian Financial Review, tỷ lệ từ chối cấp thị thực cho du học sinh đến Úc đang ở mức cao kỷ lục khi số lượng sinh viên quốc tế đến quốc gia này đã giảm 55% vào cuối năm 2023. Theo chương trình mới, những người muốn du học tại Úc sẽ phải đối mặt với quy trình đăng ký nghiêm ngặt hơn. Theo đó, chính phủ có thể hạn chế số lượng tuyển sinh của các nhà cung cấp giáo dục. Các trường đại học muốn có số lượng tuyển sinh cao hơn cần phải xây dựng nơi ở mới cho sinh viên.

Với khách quốc tế, cơ quan Du lịch Australia vừa công bố số liệu cho thấy, trong năm 2023, nước này đón 6,6 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm. Con số này cho thấy ngành du lịch Australia đang dần trở lại song vẫn chưa phục hồi như giai đoạn trước đại dịch với 8,7 triệu khách. Trong đó, bang Victoria là địa phương có tốc độ phục hồi chậm nhất khi số lượng khách vẫn ít hơn 33% so với giai đoạn trước đại dịch, tiếp đó là bang Queensland với số lượng khách ít hơn 24% và con số này ở bang New South Wales là 22%.

Các chính sách để thu hút khách du lịch nước ngoài dường như chưa đủ để gia tăng sự hấp dẫn của Australia.
Các chính sách để thu hút khách du lịch nước ngoài dường như chưa đủ để gia tăng sự hấp dẫn của Australia.

Về đối tượng khách quốc tế, Trung Quốc vẫn là thị trường có mức sụt giảm mạnh nhất từ 1,3 triệu khách năm 2019 xuống còn 507.000 khách vào năm 2023. Mặc dù số lượng khách Trung Quốc đến Australia vào tháng 2/2024 đã tăng lên 850.000 khách, song vẫn thấp hơn 7,5% so với giai đoạn trước đại dịch. Trong khi đó, hãng hàng không quốc gia Qantas của Australia hôm 14/5 tuyên bố sẽ tạm dừng các chuyến bay đến Thượng Hải vào tháng 7 do nhu cầu thấp.

Kể từ khi mở cửa biên giới quốc tế sau đại dịch, Australia đã thực thi nhiều chính sách để thu hút khách du lịch nước ngoài. Tuy nhiên dường như các biện pháp này chưa đủ để gia tăng sự hấp dẫn của Australia trong mắt du khách quốc tế. Cản trở đầu tiên phải kể đến đó là giá cả thực phẩm và dịch vụ, đặc biệt là giá vé máy bay tại Australia đang ở mức cao khiến cho khách quốc tế phải chi khoản tiền lớn nếu muốn đến nước này du lịch. Chính vì vậy các nhà kinh tế dự báo ngành du lịch Australia sẽ cần thêm nhiều thời gian để có thể phục hồi và quay trở về giai đoạn trước đại dịch và thời gian dự kiến để đạt mục tiêu này có thể là vào năm 2025 - 2026.

Hiện Australia đang thu hút nhiều khách du lịch từ New Zealand, Mỹ, Hàn Quốc và Ấn Độ, trong đó Ấn Độ là quốc gia có lượng khách du lịch đến Australia tăng vọt. Trong đó, Ấn Độ là nơi có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng cùng sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và nhu cầu đi lại. Số lượng máy bay được đặt hàng lớn, nên công suất vận chuyển sẽ tăng lên rất nhiều.

Du khách Australia là những người chi tiêu nhiều nhất thế giới cho các trải nghiệm.
Du khách Australia là những người chi tiêu nhiều nhất thế giới cho các trải nghiệm.

Ở chiều ngược lại, báo cáo thường niên về xu hướng du lịch toàn cầu được Viện Kinh tế Mastercard công bố mới đây cho thấy có sự khác biệt về sở thích du lịch của người Australia. Khi đi du lịch nước ngoài, du khách người Úc thiên về khám phá và trải nghiệm hơn nhiều so với sở thích mua sắm. Theo đó, du khách Australia là những người chi tiêu nhiều nhất thế giới cho các trải nghiệm và cuộc sống về đêm, với 19% số tiền mặt trong kỳ nghỉ, so với mức trung bình toàn cầu là 12%.

Ông David Mann, chuyên gia kinh tế của Viện Kinh tế Mastercard, cho biết Dữ liệu cho thấy Fiji, Bali (Indonesia), Tokyo và Osaka (Nhật Bản), Queenstown (New Zealand), Kuala Lumpur (Malaysia), Manila (Philippines) là những nơi thu hút nhiều du khách Australia nhất kể từ sau đại dịch. Chuyên gia David Mann nêu rõ không có gì ngạc nhiên khi hai điểm đến ở Nhật Bản đang trở nên phổ biến với du khách Australia do tỷ giá đồng Yên đang ở gần mức thấp nhất trong 17 năm so với đồng AUD.

 

Mới đây, Sở Du lịch TP.HCM đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Australia, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại bang New South Wales đang tổ chức chuỗi hoạt động để quảng bá du lịch tại Australia với hai điểm dừng chân là hai thành phố lớn nhất nước này là Sydney và Melbourne.

Australia là một trong 10 thị trường gửi khách hàng đầu của Việt Nam trong năm 2023, với 390.000 lượt khách. Riêng trong tháng 1 và tháng 2/2024, Việt Nam đón tổng cộng 159.000 lượt khách từ Australia, bằng 40% tổng lượng khách của thị trường này trong cả năm 2023.