11:23 09/05/2023

Trung Quốc khởi động chiến dịch "phản gián", những doanh nghiệp nước ngoài nào chịu trận?

Trang Linh

Tháng trước, Bắc Kinh đã thông qua luật chống gián điệp mới, trong đó mở rộng danh sách các hoạt động có thể bị coi là gián điệp. Điều này làm tăng thêm rủi ro cho các công ty nước ngoài hoạt động tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới...

Ảnh minh họa: Getty Images
Ảnh minh họa: Getty Images

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, nước này vừa khởi động một chiến dịch “phản gián” nhằm vào các công ty tư vấn nước ngoài. Một số doanh nghiệp bị chỉ đích danh với cáo buộc tạo điều kiện rò rỉ bí mật quốc gia của Trung Quốc.

Cụ thể, đài truyền hình tỉnh Giang Tô cho biết chiến dịch toàn quốc này của Chính phủ Trung Quốc nhằm chống lại những hành vi vi phạm an ninh quốc gia của các công ty tư vấn, thường được các nhà đầu tư nước ngoài và công ty đa quốc gia thuê để tiến hành thẩm định và nghiên cứu ở Trung Quốc.

Cơ quan an ninh nhà nước tại thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô trước đó đã tới kiểm tra chi nhánh của Capvision - công ty tư vấn có trụ sở tại New York và Thượng Hải. Tại đây, cơ quan an ninh đã thẩm vấn các nhân viên của chi nhánh và lục soát, tịch thu một số tài liệu.

Theo lệnh của chính quyền trung ương, các hoạt động thực thi pháp luật tương tự đã được tiến hành đồng bộ ở nhiều thành phố khác, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến. Capvision hiện cũng có văn phòng tại các thành phố này.

Dẫn lời một sĩ quan cảnh sát giấu tên, bản tin của đài truyền hình Giang Tô cho biết một số công ty tư vấn đã có được dữ liệu nhạy cảm một cách bất hợp pháp thông qua mối liên hệ thường xuyên với những người làm việc trong các cơ quan chính phủ và lĩnh vực quốc phòng. Đây là những người có khả năng tiếp cận các bí mật nhà nước và việc này gây ra rủi ro lớn với an ninh quốc gia.

Trước Capvision, một số công ty nước ngoài bị ảnh hưởng gần đây gồm có công ty tư vấn Bain & Company và công ty thẩm định kinh doanh Mintz Group, đều có trụ sở tại Mỹ. Ngoài ra, công ty sản xuất dược phẩm Astellas Pharma Inc. của Nhật Bản ghi nhận một nhân viên bị cơ quan chức năng bắt giữ.

“Các doanh nghiệp nước ngoài cần đánh giá xem liệu những hoạt động mà họ đang thực hiện ở Trung Quốc có thể bị xem là hỗ trợ cho hoạt động thù địch nào hay không”, ông Gabriel Wildau, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Teneo Holdings LLC ở New York, nói. “Những thông tin bề ngoài có vẻ không nhạy cảm hoặc liên quan tới an ninh quốc gia nhưng cũng có thể bị xem là như vậy nếu thông tin đó được dùng để đưa ra khuyến nghị phục vụ chương trình nghị sự chống lại Trung Quốc hoặc hỗ trợ gây chia rẽ”.

Theo ông Wildau, hiện chưa rõ “ranh giới đỏ” ở đâu, nên bất kỳ hoạt động nào nằm ở “khu vực xám” nên được thực hiện bên ngoài Trung Quốc.

“Từ những vụ việc gần đây, tôi cho rằng nhân viên người Trung Quốc hoặc người nước ngoài cư trú dài hạn đều có nguy cơ cao hơn so với các giám đốc điều hành đến thăm chi nhánh”, ông Wildau nhận xét.

Cùng với đài truyền hình Giang Tô, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cũng đưa tin nói rằng một số công ty tư vấn, bao gồm Capvision, đã bỏ qua các rủi ro an ninh quốc gia và cố tình “lựa chọn, dụ dỗ và lừa bịp các chuyên gia và học giả trong những lĩnh vực nhạy cảm để lấy thông tin nội bộ” liên quan đến bí mật quốc gia.

“Bằng cách đó, các công ty này cuối cùng đã trở thành đồng phạm trong việc thu thập bí mật nhà nước và thông tin tình báo cho các cơ quan tình báo ở nước ngoài”, bản tin của CCTV nói.

Trong một thông cáo đăng tải trên tài khoản mạng xã hội WeChat tối ngày 8/5, Capvision khẳng định sẽ tuân thủ các chính sách về an ninh quốc gia của Trung Quốc và đi đầu trong việc định hướng một môi trường phát triển lành mạnh của ngành tư vấn nước này.

Trong bối cảnh hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng quan ngại về hoạt động của họ ở Trung Quốc, trái ngược với những thông điệp công khai của Bắc Kinh về sự cởi mở với doanh nghiệp nước ngoài. Trong một bài phát biểu hồi tháng 3 nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Lý Cường đã mô tả Trung Quốc là “mỏ neo cho hòa bình và sự phát triển của thế giới”.

Tháng trước, Bắc Kinh đã thông qua luật chống gián điệp mới, trong đó mở rộng danh sách các hoạt động có thể bị coi là gián điệp. Điều này làm tăng thêm rủi ro cho các công ty nước ngoài hoạt động tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng có động thái thắt chặt kiểm soát dữ liệu nhạy cảm trong bối cảnh căng thẳng với Washington leo thang.