18:02 13/06/2023

Bắc Ninh đặt mục tiêu thành tỉnh có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao

Thủy Diệu

"Chúng tôi định hướng mục tiêu là cứ điểm của sản xuất thông minh, thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, điện tử bán dẫn, phấn đấu Bắc Ninh trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao"...

Chương trình tọa đàm, thăm và khảo sát thực tế tại tỉnh Bắc Ninh với chủ đề "Hiện thực hóa tầm nhìn Bắc Ninh trở thành thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh" chiều 13/6.
Chương trình tọa đàm, thăm và khảo sát thực tế tại tỉnh Bắc Ninh với chủ đề "Hiện thực hóa tầm nhìn Bắc Ninh trở thành thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh" chiều 13/6.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, cho biết như vậy tại Chương trình tọa đàm, thăm và khảo sát thực tế tại tỉnh Bắc Ninh với chủ đề "Hiện thực hóa tầm nhìn Bắc Ninh trở thành thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh", diễn ra vào chiều ngày 13/6. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao thường nhiên về Công nghiệp 4.0-Industry 4.0 Summit 2023 dự kiến khai mạc vào sáng mai, ngày 14/6/2023.

CỨ ĐIỂM SẢN XUẤT THÔNG MINH

Thông tin về kết quả năm 2022 của Bắc Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cho biết mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế tỉnh Bắc Ninh vẫn đạt nhiều kết quả khích lệ. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh vượt kế hoạch đề ra, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,39% so với năm 2021; GRDP bình quân đầu người đạt 6.696 USD, đứng thứ 3 cả nước.

Thu ngân sách nhà nước của Bắc Ninh năm 2022 ước đạt 1,3 tỷ USD, đứng thứ 14 cả nước. Xuất khẩu đạt 45,1 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước. Không chỉ vậy, Bắc Ninh luôn thực hiện tốt việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính; Xếp thứ 7 cả nước về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Xếp thứ 3 về Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) trong năm đầu tiên được công bố.

Thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh cũng xếp hàng thứ 7 cả nước với 1.908 dự án, đạt 24,17 tỷ USD đến từ 39 quốc gia, vùng lãnh thổ, đầu tư vào 16 ngành lĩnh vực, trong đó chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất thông minh, công nghiệp công nghệ số, công nghệ cao (phần lớn là công nghiệp điện tử) với nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư thương hiệu quốc tế như: Samsung, Amkor, Canon, Foxconn...

Bí thư Bắc Ninh cũng cho biết tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia, khu vực trên phạm vi toàn cầu và tình hình trong nước. "Bắc Ninh là tỉnh hội nhập kinh tế sâu rộng, độ mở của nền kinh tế rất lớn, các hoạt động đều chịu sự ảnh hưởng từ tình hình thế giới và trong nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 giảm sâu, tăng trưởng âm 12,59% so với cùng kỳ năm 2022", Bí thư Nguyễn Anh Tuấn nói.

Trong bối cảnh như vậy, Bắc Ninh định hướng mục tiêu là cứ điểm của sản xuất thông minh, thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, điện tử bán dẫn, phấn đấu Bắc Ninh trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao. Vì vậy, tỉnh Bắc Ninh mong muốn nhận được chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, trong nước, các khuyến nghị Chính sách để Bắc Ninh sớm trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, sản xuất thông minh, công nghệ cao và là trung tâm nghiên cứu, thiết kế (R&D) hàng đầu khu vực.

NHÂN RỘNG MÔ HÌNH ĐỊA PHƯƠNG

Cũng tại cuộc làm việc và khảo sát này, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết Diễn đàn Công nghiệp 4.0 được tổ chức từ năm 2018, nhưng năm nay gắn với sự kiện đặc biệt, đó là triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.

Nghị quyết 29-NQ/TW tiếp tục các chủ trương trước về việc xác định ngành công nghiệp công nghệ số là một trong sáu ngành công nghiệp nền tảng và trong thời gian tới cần phải thể chế hóa, cụ thể hóa các chính sách để thúc đẩy phát triển lĩnh vực về công nghiệp công nghệ số cũng như các lĩnh vực đã đặt ra.

Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cũng cho biết, theo đề nghị của các hiệp hội, các nhà đầu tư, đại diện một số tổ chức quốc tế, mong muốn được làm việc trao đổi thực tiễn với địa phương và Ban Kinh tế Trung ương đã lựa chọn tỉnh Bắc Ninh, bởi đây là tỉnh có định hướng và tiên phong trong phát triển mạnh về lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, thu hút các nhà đầu tư về lĩnh vực công nghiệp sản xuất thông minh.

Qua đó mong muốn trao đổi những kinh nghiệm, khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai một số lĩnh vực, ví dụ công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn, hoặc vấn đề đào tạo nhân lực để phát triển lĩnh vực này. Nhà đầu tư cũng mong muốn lắng nghe các vấn đề về quy hoạch, chính sách thu hút đầu tư trong các lĩnh vực của Bắc Ninh, hay định hướng phát triển các khu công nghiệp sinh thái thông minh gắn với vấn đề phát triển đô thị.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho biết thông qua những hoạt động như trên nhằm rà soát, đánh giá hàng năm về việc triển khai cụ thể hóa của các Bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội trong việc thể chế hóa những định hướng nêu trong Nghị quyết 52 và nghị quyết 29; Đồng thời để tổ chức nhân rộng các mô hình của địa phương.

“Các hoạt động trao đổi, chia sẻ giữa địa phương với doanh nghiệp – hai chủ thể quan trọng nhất trong triển khai các chủ trương lớn, mà cụ thể tại Bắc Ninh, sẽ là khởi đầu để Ban Kinh tế Trung ương tổ chức thường xuyên hơn trong những năm tới”, ông Nguyễn Đức Hiển cho biết.