14:00 03/07/2024

Bài 3: Thách thức không nhỏ với cơ sở tiên phong chuyển đổi du lịch xanh

Nguyệt Hà

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, những dịch vụ và đối tượng tham gia cung cấp dịch vụ du lịch tạo thành một hệ sinh thái khá đặc thù. Những thách thức cho quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch cũng xoay quanh bài toán về chi phí và vai trò của các bên liên quan...

Lợi thế của ngành du lịch là không phải tốn nhiều chi phí đầu tư cho công nghệ, cơ sở vật chất và trang thiết bị. Với đặc thù linh hoạt, tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh nghiệp du lịch, mặc dầu có khó khăn do không thể chủ động được nhiều dịch vụ sản phẩm, song du lịch vẫn là ngành kinh tế dễ dàng chuyển đổi xanh so với các ngành kinh tế khác.

NHIỀU LỢI THẾ SONG CHUYỂN ĐỔI CHẬM

Đánh giá về lộ trình chuyển đổi xanh của ngành Du lịch, TS. Võ Trí Thành chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng du lịch đang triển khai chậm hơn các lĩnh vực, ngành nghề khác.

“Tất nhiên xanh hóa du lịch là một thách thức, từ doanh nghiệp, người dân, địa phương tới chính sách chiến lược, cơ quan quản lý, tài chính công nghệ, kỹ năng. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói với nguồn lực hiện tại Việt Nam không thể tự chuyển đổi xanh được, Việt Nam cần sự hỗ trợ, trợ giúp của thế giới. Và như vậy vai trò của của những tổ chức quốc tế như UNDP hay Hiệp hội du lịch Việt Nam rất quan trọng”.

Theo nhìn nhận của ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch, lộ trình chuyển đổi xanh của ngành du lịch đang vấp phải nhiều khó khăn thách thức. Từ hạn chế do nhận thức chưa đầy đủ về tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn tới việc thiếu cơ chế, chính sách và hướng dẫn cụ thể về tăng trưởng xanh. Năng lượng tài nguyên nước khó kiểm soát, tài nguyên du lịch bị xâm hại, điểm đến đón khách quá sức chứa...

Bà Đoàn Ngọc Bích, đến từ Công ty Xuất nhập khẩu cafe Tám Trình ở Lâm Đồng – Đà lạt, có khu du lịch dịch vụ trải nghiệm cafe tại Lâm Hà cho biết bản thân và doanh nghiệp chưa phải làm như thế nào để chuyển đổi sang mô hình xanh.

Như những doanh nghiệp vừa và nhỏ khác của Việt Nam, Công ty Tám Trình mong muốn chuyển đổi mô hình xanh, nhưng đang vướng ở mọi khâu từ hiểu biết như thế nào là khu du lịch xanh tới chuyển đổi và được công nhận.

“Bài toán phát triển bền vững cần thời gian dài, vậy doanh nghiệp lấy chi phí ở đâu, làm thế nào để lấy cái ngắn hạn nuôi cái dài hạn để cả doanh nghiệp lớn - nhỏ có thể chuyển đổi mô hình sang xanh và được công nhận là khu du lịch xanh.” bà Ngọc Bích đặt câu hỏi.

CEO Nguyễn Thanh Nam đến từ Vietsolutions - nhà cung cấp giải pháp khách sạn toàn diện, nêu ý kiến: “Có thể nhận thức về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số của doanh nghiệp đến thời điểm này đã đủ thấm vì chúng ta cũng đã nói nhiều từ lâu rồi. Tuy nhiên ở góc độ nhà cung cấp tôi nhận thấy giữa nhận thức và hành động đang vấp phải trở ngại lớn nhất là chi phí, đặc biệt trong giai đoạn du lịch Việt Nam đang nỗ lực phục hồi hậu Covid.

Ông Nam lấy ví dụ, trong chuyển đổi không rác thải nhựa có việc không dùng chai mỹ phẩm dung tích nhỏ do 1 ngày 4 chai/phòng, tính trung bình 1 khách sạn nho nhỏ 100 phòng sẽ thải ra 400 chai/ngày. Nhưng bài toán đặt ra là từ chai nhỏ sang chai lớn thì phải mua chai lớn kèm giá treo gắn lên tường. Vậy chi phí mỗi phòng đâu đó cũng “tròm trèm” 1 triệu/phòng, chi phí cho 100 phòng là 100 triệu. Vậy câu hỏi doanh nghiệp khách sạn làm thế nào có tiền để chuyển đổi không rác thải nhựa. Ông Nam bày tỏ mong muốn ở góc độ cơ quan quản lý du lịch, Hiệp hội du lịch Việt Nam sẽ có chương trình, cách thức để giúp doanh nghiệp gỡ khó khăn về thu xếp tài chính.

Cùng băn khoăn về bài toán thu xếp tài chính xanh, đại diện Hiệp hội Du lịch Đồng Nai đề xuất Hiệp hội du lịch Việt Nam đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch kiến nghị Chính phủ hỗ trợ để các doanh nghiệp cùng làm được du lịch xanh, đồng thời làm rõ những doanh nghiệp tham gia chiến lược phát triển xanh này sẽ được ưu đãi những gì, để doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội để tham gia và từ đó mong muốn làm.

TỰ THÂN VẬN ĐỘNG

Nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn tái cấu trúc chính sách - doanh nghiệp - lĩnh vực và cái cuối cùng là văn hóa, TS. Thành tán đồng quan điểm cần có văn hóa xanh, đặc biệt là văn hóa kinh doanh của Phó Cục trưởng Cục du lịch Quốc Gia trong phát biểu tại Diễn đàn phát triển du lịch xanh hồi tháng 4/2024. Ông Thành cho rằng văn hóa doanh nghiệp xanh là cái gốc để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Sản phẩm du lịch xanh rất hút khách
Sản phẩm du lịch xanh rất hút khách

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất cho những doanh nghiệp muốn tiên phong chuyển đổi xanh là thu hút nguồn lực và huy động vốn. Trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng vai trò của doanh nghiệp tiên phong là rất lớn, vậy anh sẽ dẫn dắt và gắn kết doanh nghiệp vừa và nhỏ như thế nào.

TS. Vũ Quốc Trí, Tổng thư ký Hiệp hội du lịch Việt Nam, cho biết trong số những cam kết trong kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa, nhiệm vụ trọng tâm thứ hai là tham gia xây dựng, phổ biến giám sát thực hiện cơ sở pháp luật về giảm thải rác thải nhựa. "Hiệp hội sẽ thu thập ý kiến doanh nghiệp gửi góp ý đến Chính phủ, đến Bộ để xây dựng chính sách. Trong đó chắc chắn Việt Nam sẽ tham gia Hiệp ước về ô nhiễm nhựa toàn cầu của Liên hợp Quốc”, đại diện Hiệp hội du lịch Việt Nam nói.

Về đề xuất Chính phủ có hỗ trợ chi phí, đầu tư cho qua trình chuyển đổi xanh, ông Nguyễn Thanh Nam, CEO Vietsolutions, cho rằng các doanh nghiệp chắc chắn vẫn xác định phải tự thân vận động trước. Bên cạnh đó cần tăng cường vai trò làm cầu nối của các Hiệp hội du lịch, lữ hành, khách sạn để kết nối doanh nghiệp cung ứng với các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ, thông qua đó hiệp hội có thể mang đến những sự hỗ trợ giúp doanh nghiệp chuyến đổi xanh và số một cách mạnh mẽ.

Theo ông Nam, đối với việc chuyển từ chai nhỏ sang to đựng sữa tắm dầu gội đầu trong khách sạn hiện nay, Vietsolutions đã chủ động làm việc với các nhà sản xuất và nhà phân phối hàng đầu thế giới và kêu gọi họ hỗ trợ đồng hành với chúng tôi để hợp tác chuyển đổi cho khách sạn Việt Nam. “Chúng tôi cũng đã đề xuất mong muốn được đồng hành cùng với Hiệp hội du lịch Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh.

Cụ thể là nếu tất cả khách sạn Việt Nam nếu đăng ký với hiệp hội đồng ý chuyển đổi từ chai nhỏ sang chai lớn thì chúng tôi có thể hỗ trợ 100% chi phí ban đầu. Nhà cung cấp giải pháp cung cấp vật tư khách sạn toàn diện sẵn sàng đồng hành cùng VITA và doanh nghiệp khách sạn Việt Nam”.

XANH TỪ NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẤT

Du lịch Xanh là khái niệm rất rộng, bao quát, để chuyển đổi cần có thời gian. Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam (VITA) ông Vũ Thế Bình cho hay: “Với nguồn lực hữu hạn sẽ không ôm đồm mục tiêu quá rộng và chung, chúng tôi lựa chọn việc dễ làm nhất, chắc chắn làm được, có thể làm ngay và luôn mà không đòi hỏi quá nhiều công sức và chi phí, đó là không sử dụng rác thải nhựa”.

Không thể đặt ra mục tiêu ngay lập tức cả nước cùng xanh, cùng không rác thải nhựa.
Không thể đặt ra mục tiêu ngay lập tức cả nước cùng xanh, cùng không rác thải nhựa.

Do vậy, với sự ủng hộ và hỗ trợ của UNDP, Hiệp Hội du lịch Việt Nam đã xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí “Công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa” dành cho cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, điểm đến du lịch, lữ hành.

Tiêu chí này mới là tiêu chí để chấm điểm và xếp hạng các doanh nghiệp không sử dụng rác thải nhựa. Tuy rằng nó chỉ là một phần của xanh nhưng nó là chỉ số đo đếm được. Nó làm cho người ta bắt đầu tiếp cận với niềm tự hào về môi trường, sau đó mới bắt đầu đến các tiêu chí xanh.

“Muốn du lịch xanh hãy bắt đầu từ những việc rất nhỏ và rất đơn giản như không rác thải nhựa thôi nhưng cả Việt Nam và khu vực Đông Nam Á chưa có ai làm. UNDP đánh giá rất cao những gì chúng tôi đã làm được. Bộ Tiêu chí của VITA được sự ghi nhận, đánh giá và chứng nhận của UNDP”,Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam nói.

Ngoài Bộ tiêu chí Công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng hoàn thành xây dựng app Không rác thải nhựa là công cụ để quản lý rác thải nhựa du lịch.

Sau giai đoạn xây dựng tiêu chí và app, từ tháng 6 năm nay, Hiệp hội bắt đầu giai đoạn triển khai ban hành Bộ tiêu chí và áp dụng cho toàn bộ doanh nghiệp của Hiệp hội, tổ chức đánh giá và xếp hạng các điểm đến, doanh nghiệp.

"Chúng tôi đang cố gắng giảm bớt những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường với du lịch bằng việc thực hiện từ những hành động nhỏ nhất như thế này. Bây giờ doanh nghiệp họ đã nhận thức được việc lợi ích của mình sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và họ đang thay đổi", ông Bình chia sẻ.

Hiện nay, Hiệp hội du lịch Việt Nam lựa chọn thay đổi nhận thức từ doanh nghiệp trước chứ không phải từ bộ máy quản lý nhà nước. Theo đó, VITA sẽ kêu gọi 50 khách sạn tiên phong thay đổi ứng dụng bộ tiêu chí không rác thải nhựa trong khách sạn của mình. Tiếp đến là lữ hành cũng không, nhà hàng cũng không rác thải nhựa và quan trọng nhất là các điểm đến... bao trùm lên tất cả mọi thứ để trong khu vực ấy tất cả đều phải sạch bóng rác thải nhựa.

“Người ta sẽ ganh đua với nhau để cùng thực hiện, và VITA đang đi theo hướng đó”, Chủ tịchVũ Thế Bình cho biết.