11:21 20/08/2013

Bài học giải quyết khiếu kiện đất đai của Bộ trưởng

Nguyễn Lê

Nếu các cấp chính quyền “vô cảm”, tình trạng khiếu kiện kéo dài sẽ không bao giờ chấm dứt

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang. Khá lạc quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra dự báo 6 tháng cuối năm 2013, tình hình khiếu nại, tố cáo về đất đai sẽ có khả năng không phát sinh.<br>
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang. Khá lạc quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra dự báo 6 tháng cuối năm 2013, tình hình khiếu nại, tố cáo về đất đai sẽ có khả năng không phát sinh.<br>
Không chỉ là các con số mà nhiều bài học kinh nghiệm cũng được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đúc kết tại báo cáo vừa được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phối hợp với Thanh tra Chính phủ giải quyết trên 528 vụ việc khiếu kiện tồn đọng kéo dài là một trong những vấn đề được lựa chọn cho phiên chất vấn Bộ trưởng Quang, diễn ra vào chiều 20/8.

Theo báo cáo, trong 28 vụ việc thuộc trách nhiệm giải quyết của Bộ, 17 vụ việc qua rà soát đã giải quyết đúng pháp luật, các vụ còn lại đang tiến hành giải quyết và giải quyết lại. Ngoài các vụ việc nằm trong 528 vụ việc nêu trên, Bộ cũng đã rà soát và làm việc thống nhất giải quyết 49 vụ việc tồn đọng, kéo dài khác.

Như vậy, sau một năm, Bộ đã cùng địa phương rà soát được 77 vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Lãnh đạo Bộ đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo địa phương để thống nhất giải quyết 71 vụ việc đã được rà soát.

Chính sách pháp luật về đất đai và nhà ở thường xuyên thay đổi, phần lớn người khiếu nại trên lĩnh vực này luôn luôn có suy nghĩ mình bị thiệt thòi nên rất gay gắt, đa số các vụ việc khiếu nại tồn đọng từ nhiều năm (có những vụ việc trên 20 năm), nội dung phức tạp, qua nhiều ngành, nhiều cấp giải quyết, nên khi rà soát, xác định biện pháp giải quyết có địa phương còn lúng túng, sợ trách nhiệm, sợ dắt dây... cơ quan quản lý nhà nước về đất đai nhìn nhận.

Theo kinh nghiệm được nêu tại báo cáo, đối thoại trực tiếp là việc làm rất hiệu quả nhưng phải là người đứng đầu, người có quyền quyết định tham gia thì khả năng thành công sẽ rất cao. Ngược lại người không có thẩm quyền mà trực tiếp đối thoại với công dân thì phần lớn là lòng vòng, né tránh, không quyết định... nên hiệu quả thấp và thậm chí làm cho người khiếu nại bức xúc thêm.

Bộ cũng nhận xét, với một số vụ việc khiếu kiện kéo dài, địa phương lại dựa vào lý do hết thời hiệu để không xem xét, giải quyết. Một số địa phương cho rằng mình đã giải quyết hết thẩm quyền nên không xem xét nữa cho dù công dân đã cung cấp thêm thông tin, tài liệu để chứng minh việc tranh chấp, khiếu nại của mình là có cơ sở.

Kinh nghiệm cho thấy, nếu các cấp chính quyền “vô cảm” với người khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết chỉ để hết trách nhiệm thì tình trạng khiếu kiện kéo dài sẽ không bao giờ chấm dứt. Do vậy trong giải quyết tranh chấp, khiếu nại phải đặt mục tiêu giải quyết đúng pháp luật, có lý, có tình, có tâm, xóa bỏ tư duy về “hết thời hiệu, hết thẩm quyền” thì mới hạn chế và giảm các vụ việc phức tạp, kéo dài phát sinh, báo cáo nêu rõ.

Khá lạc quan, Bộ đưa ra dự báo 6 tháng cuối năm 2013, tình hình khiếu nại, tố cáo về đất đai sẽ có khả năng không phát sinh. Một phần do tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án sẽ không nhiều, Bộ trưởng giải thích.

Đã cấp 36 triệu sổ đỏ

Nhiều thông tin đáng chú ý về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng được nêu tại báo cáo.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2013, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hai lần gửi thư tới bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ và chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có tỷ lệ cấp giấy chứng nhận thấp ở nhiều loại đất chính đề nghị chỉ đạo các cấp, các ngành ở địa phương cùng vào cuộc để thực hiện nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận trong năm 2013.

Tính đến ngày 30/6/2013, cả nước đã cấp được 36 triệu giấy chứng nhận với tổng diện tích 20,12 triệu ha, đạt 83,2% diện tích cần cấp giấy chứng nhận của cả nước, tăng 2% so với năm 2012, các con số cụ thể được nêu.

Bộ trưởng cũng cho biết, đến nay, cả nước có 11 tỉnh cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận lần đầu cho các loại đất chính (đạt từ 85-100% diện tích) gồm Bình Dương, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Đồng Nai, Quảng Trị, Hậu Giang, Cần Thơ.
 
Để đạt mục tiêu hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận lần đầu (đạt 95% số trường hợp đủ điều kiện hoặc đạt 85% diện tích cần cấp trở lên đối với các loại đất chính) thì các địa phương trong cả nước cần phải cấp 3.547.000 giấy với tổng diện tích 2.267.000 ha, theo tính toán của Bộ tại báo cáo.

Đến ngày 31/12/2013 cả nước có thể đạt mục tiêu cấp giấy chứng nhận, Bộ trưởng Quang lạc quan.

Để hoàn thành mục tiêu này, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ bổ sung kinh phí năm 2013 cho các địa phương để thực hiện đo đạc, cấp giấy chứng nhận trong năm 2013 với số tiền là 1.000 tỷ đồng.