09:01 11/06/2019

Bài toán tỷ giá đã trở nên phức tạp hơn

Ngô Hải

"Dù khả năng Trung Quốc phá giá đồng CNY là không cao, song bài toán tỷ giá đã trở nên phức tạp hơn - một phần là do yếu tố tâm lý".

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

"Mặc dù khả năng Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (CNY) là không cao, song bài toán tỷ giá đã trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp, định chế tài chính phải theo dõi sát sao diễn biến chiến tranh thương mại, biến động trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế... từ đó đưa ra các kịch bản phù hợp và can thiệp kịp thời".

Nhận định trên được chuyên gia kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV đưa ra trong "Báo cáo đánh giá khả năng Trung Quốc có phá giá đồng Nhân dân tệ hay không" vừa công bố. Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc có xu hướng ngày càng leo thang, báo cáo đã phần nào trả lời được câu hỏi đặt ra hiện nay là: Liệu Trung Quốc có phá giá đồng Nhân dân tệ hay không?

Khả năng CNY tiếp tục giảm là không cao

Thống kê tại báo cáo cho thấy, từ đầu năm đến cuối tháng 4/2019 (trừ nửa đầu tháng 2), đồng CNY biến động với biên độ hẹp và tăng giá, chủ yếu phụ thuộc vào tình hình tài chính quốc tế, cũng như tình hình kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi có những động thái mới từ phía Mỹ về thỏa thuận thương mại, CNY có xu hướng giảm giá nhanh. Tỷ giá tham chiếu hàng ngày CNY/USD được công bố bởi Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tăng nhanh (có nghĩa là đồng CNY mất giá) trong tháng 2, đặc biệt là trong 3 tuần đầu tháng 5. Chỉ tính riêng trong tháng 5/2019, CNY mất giá so với USD (2,66%).

Qua nghiên cứu, ông Lực cho biết, có 3 nguyên nhân dẫn đến việc CNY mất giá mạnh trong tháng 5 vừa qua. Đầu tiên là, căng thẳng thương mại leo thang; tiếp đến là các đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ tính tỷ giá CNY mất giá; cuối cùng là vấn đề nội tại của kinh tế Trung Quốc (đà tăng trưởng chậm lại do cả đầu tư và tiêu dùng đều giảm, trong khi rủi ro bất động sản và nợ vẫn ở mức cao...). Thực tế này ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư và doanh nghiệp tại Trung Quốc cùng như trên thị trường quốc tế. "Như vậy, lý do chính khiến đồng CNY mất giá trong tháng 5 vừa qua là do yếu tố thị trường là chủ yếu chứ không phải Ngân hàng trung ương Trung Quốc cố ý can thiệp", ông Lực cho biết.

Với diễn biến thị trường thời gian qua, các dự báo ngắn hạn cho thấy, giá trị đồng CNY sẽ không giảm sâu thêm nữa nếu cuộc chiến thương mại không leo thang và không căng thẳng hơn, không có biến động bất thường. Trong trung hạn, tỷ giá CNY/USD trên thị trường quốc tế nhiều khả năng khó vượt quá mức 7 CNY/USD - mức được coi là "làn ranh đỏ", là mức tâm lý - nếu vượt qua mức này có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý các nhà đầu tư, vì ngưỡng này chưa bị vượt qua trong 11 năm qua. 

Từ những phân tích trên, ông Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV cho rằng, khả năng Trung Quốc phá giá CNY là không cao. Có 3 lý do cho dự báo này, đó là: lo ngại sự rút vốn mạnh (capital flight) như đã xảy ra năm 2015; Trung Quốc không muốn bị cho là thao túng tiền tệ, gây căng thăng thêm trong cuộc chiến thương mại; Trung Quốc vẫn kiên định tiến trình quốc tế hóa đồng CNY. 

Nhưng không thể không đề phòng

Dù đưa ra nhận định khả năng CNY phá giá mạnh là không cao, song với những gì đang diễn ra hiện nay, ông Lực cho rằng, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể dẫn tới những biến động lớn trên thị trường ngoại hối quốc tế. Theo đó, giá trị đồng USD có xu hướng tăng lên (một phần là do kinh tế Mỹ vẫn khá ổn), trong khi giá trị đồng CNY và một số đồng tiền khu vực giảm như nêu trên. "Mặc dù thị trường ngoại hối Việt Nam về cơ bản ổn định (do quan hệ cung-cầu cơ bản ổn, thanh khoản thị trường tương đối dồi dào, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng...), nhưng những biến động mạnh trên thị trường ngoại hối quốc tế có tác động nhất định tới tỷ giá USD/VND", ông Lực dự báo.

 Xét về trung và dài hạn, tỷ giá USD/VND sẽ tùy thuộc chủ yếu vào các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng GDP, trạng thái cán cân thanh toán tổng thể, cán cân thương mại, thu hút FDI, giá vàng... và sự quản lý sát sao, cũng như động thái phù hợp của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, do cơ chế quản lý tỷ giá trung tâm của Việt Nam được dựa trên một rổ tiền tệ (gồm 8 loại tiền chủ chốt như USD, EUR, JPY, CNY, SGD...) trong khi kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018, nên trong trường hợp đồng CNY bị mất giá thì VND cũng chịu áp lực giảm giá không nhỏ.

"Dù khả năng Trung Quốc phá giá đồng CNY là không cao, song bài toán tỷ giá đã trở nên phức tạp hơn - một phần là do yếu tố tâm lý", ông Lực nhấn mạnh. Trước diễn biến đó, đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp, định chế tài chính phải theo dõi sát sao diễn biến chiến tranh thương mại, biến động trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế. Từ đó, đưa ra các kịch bản phù hợp và ứng xử, can thiệp kịp thời, linh hoạt và chủ động. Đồng thời, chú trọng tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, của thị trường tài chính - tiền tệ với các cú sốc bên ngoài thông qua việc đẩy nhanh xử lý những tồn tại, tăng các gối đệm như dự trữ ngoại hối, an toàn vốn cùng với việc tích cực dùng các công cụ quản lý rủi ro tỷ giá, lãi suất, phái sinh tài chính... Cuối cùng, Việt Nam cũng cần theo dõi, bám sát diễn tiến động thái của Bộ Tài chính Mỹ để phối hợp thông tin, tránh bị đưa vào diện thao túng tiền tệ, gây bất lợi cho Việt Nam.