09:48 08/11/2017

Băn khoăn quy định Thủ tướng giải quyết tố cáo với bộ trưởng

Nguyễn Lê

Đại biểu cho rằng quy định như vậy có sự trùng lặp về thẩm quyền giải quyết giữa Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình.
Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình.

Không thể thông qua tại kỳ họp thứ ba như dự kiến, dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) sáng 8/11 đã được trình lại để Quốc hội thảo luận từ đầu.

Tại báo cáo tiếp thu, giải trình, Chính phủ cho biết dự thảo mới nhất đã tăng 8 điều so với dự thảo trình Quốc hội kỳ họp trước và tăng 22 điều so với luật hiện hành. Trong đó sửa đổi 29 điều, bổ sung 27 điều.

Cần phối hợp

Đi vào các nội dung cụ thể, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng tại khoản 8 điều 13 dự thảo quy định Thủ tướng Chính phủ giải quyết tố cáo đối với bộ trưởng, thứ trưởng…, nhưng các chức danh này là đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đại biểu cho rằng quy định như vậy có sự trùng lặp về thẩm quyền giải quyết giữa Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Chính phủ giải trình: Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 210-QĐ/TW ngày 8/11/2013 về việc ban hành quy định giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đồng thời, Quyết định này cũng giao các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc trung ương quy định cụ thể việc giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp mình quản lý.

Như vậy, việc giải quyết tố cáo đối với đảng viên do Đảng quy định, trong luật này tập trung quy định về tố cáo vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, do đặc thù của hệ thống chính trị Việt Nam, cán bộ, công chức, viên chức chủ yếu là đảng viên, việc vi phạm pháp luật cũng là vi phạm điều lệ Đảng, vì vậy cần có sự phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền của đảng và chính quyền trong việc xem xét, giải quyết.

Lần sửa đổi này Chính phủ cũng không quy định về việc tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ  của ngườiđã nghỉ hưu. Vì Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức chưa có quy định về việc xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm pháp luật khi họ đang là cán bộ, công chức, viên chức, ông Khái giải thích.

Kiên trì quan điểm hai hình thức tố cáo

Dù đại biểu đề nghị bổ sung các hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại và các hình thức khác để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân thực hiện quyền tố cáo, song Chính phủ vẫn kiên trì giữ quy định 2 hình thức tố cáo như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái giải thích, thực tiễn đã cho thấy, trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như hiện nay thì việc sử dụng mạng giao dịch điện tử, mạng xã hội, email, bản fax, đường dây nóng...để tố cáo, phản ánh, cung cấp thông tin những hành vi vi phạm pháp luật là rất thuận tiện cho người dân. Một số các văn bản Luật như Luật phòng chống tham nhũng, Luật tố tụng hình sự, Luật báo chí, Luật tiếp cận thông tin... cũng cho phép người dân phản ánh hoặc cung cấp thông tin qua các hình thức nêu trên. 

Tuy nhiên nếu mở rộng hình thức tố cáo sẽ dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết và việc xác định trách nhiệm những người tố cáo sai sự thật. Hơn nữa, tố cáo cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ rất phức tạp, cần phải được tiếp nhận và xử lý chặt chẽ. Việc mở rộng các hình thức tố cáo cũng cần các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật để xác minh, kết luận đối với đơn tố cáo. Trong bối cảnh hiện nay, việcmở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại là rất phức tạp, nhạy cảm và khó khả thi. Vì vậy trước mắt cần tập trung giải quyết tốt đối với việc tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật - cơ quan thẩm tra dự án luật - Nguyễn Khắc Định cho biết, đa số ý kiến Ủy ban đề nghị không nên chỉ giới hạn ở 2 hình thức tố cáo như Luật hiện hành để phù hợp hơn với trình độ phát triển của xã hội, của công nghệ như hiện nay.

Ngay sau khi nghe giải trình, các vị đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).