11:00 19/12/2008

Bán lẻ không “nóng” trong mùa Tết

Kim Dũng

Mối lo của các nhà bán lẻ mùa Tết năm nay là làm thế nào để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế khó khăn

Năm nay được dự báo là một năm mà thị trường hàng Tết sẽ kém sôi động hơn mọi năm.
Năm nay được dự báo là một năm mà thị trường hàng Tết sẽ kém sôi động hơn mọi năm.
Theo thông lệ, thị trường Tp.HCM cứ đến cuối năm là sức mua của người dân tăng lên khoảng 20% đến 30% và thuờng xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoặc hàng tăng giá.

Thế nhưng một số tiểu thương, nhà kinh doanh ở các chợ trung tâm Tp.HCM, năm nay có thể không tái diễn điều này, bởi kinh tế khó khăn, người tiêu dùng sẽ có xu hướng cắt giảm việc mua sắm. Chính vì vậy việc đặt kế hoạch cuối năm của các công ty, trung tâm thương mại lớn là làm sao kích cầu tiêu dùng...

Để đủ hàng hoá cung ứng cho Tết Kỷ Sửu 2009, các doanh nghiệp đã đáp ứng theo chỉ đạo của UBND Tp.HCM, song vấn đề đang được các doanh nghiệp băn khoăn là liệu sức mua người dân có tăng hơn?

Đầu tháng 12/2008, 9 doanh nghiệp đã được UBND Tp.HCM hỗ trợ vay 409 tỷ đồng lãi suất 0%, dự trữ lượng hàng hoá tăng từ 25% đến 30% so với tết năm ngoái. Các doanh nghiệp này bảo đảm giá bán các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống và chế biến thực phẩm sẽ ổn định và giảm từ 5% đến 10% so với giá thị trường.

Giá hàng giảm, sức mua vẫn chậm

Một số doanh nghiệp cho biết nguyên liệu đầu vào để sản xuất các loại bánh kẹo đã giảm bình quân từ 5% đến 35%, nên giá bán thành phẩm trong dịp Tết giảm đến 10% so với hiện nay. Đối với mặt hàng thực phẩm chế biến, công ty Vissan cũng khẳng định các mặt hàng như lạp xưởng, thực phẩm đóng hộp, xúc xích sẽ giảm từ 5-10% tùy loại. Còn nhóm hàng thực phẩm tươi, sống giá bán lẻ sẽ bảo đảm mức thấp hơn thị trường khoảng 10%. Theo đó lượng thịt heo dự trữ đông lạnh đã tăng 50% so với năm ngoái, nên sẽ không xảy ra tình trạng thiếu hàng trong dịp tết.

Đại diện một số siêu thị cũng cho biết, họ đang tiến hành đàm phán với các nhà cung cấp để có được mức giá tốt nhất. Do lãi suất ngân hàng giảm nên nhiều doanh nghiệp đã tăng mức chiết khấu cho nhà phân phối, nếu không có biến động lớn về giá thì nhiều khả năng mặt bằng giá tại các siêu thị có thể giảm từ 5-10% trong tháng giáp Tết. Giá một số mặt hàng được nhìn nhận là sẽ giảm trong khi sức mua trên thị trường vào thời điểm cuối năm lại được dự báo là khó có thể đạt như mong muốn.

Các siêu thị trên địa bàn cho biết, nguyên nhân chính là mặt bằng giá các mặt hàng thiết yếu đã tăng bình quân từ 20-30% so sánh với năm ngoái. Giá tăng ngay từ những tháng đầu năm, trong khi thu nhập của người dân gần như không tăng, khiến người tiêu dùng phải cân nhắc trước khi quyết định mua sắm. Đến nay, giá bắt đầu giảm nhưng sức mua vẫn chậm. Sức mua nhóm các mặt hàng thiết yếu vẫn đảm bảo, trong khi các nhóm hàng khác thì giảm khá mạnh.

Căn cứ vào nhu cầu mua sắm, các nhà phân phối đã bắt tay vào việc chuẩn bị hàng tết, theo hướng đầu tư mạnh cho việc dự trữ nhóm các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, nước mắm,thực phẩm chế biến, công nghệ phẩm nhằm ổn định giá bán từ nay đến cuối năm. Riêng nhóm hàng bánh kẹo, siêu thị không cần chuẩn bị trước, vì nhu cầu có thể bị giảm.

Khuyến mại, giảm giá hấp dẫn người mua

Bên cạnh những chương trình giảm giá cuối năm để kích cầu tiêu dùng, tất cả các siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên địa bàn Tp.HCM đang khoác lên mình một diện mạo mới để thu hút khách hàng. Bất kỳ khu phố, trung tâm mua sắm nào, từ dáng vẻ bên ngoài đến các chi tiết trong cửa hàng đều lấp lánh màu sắc. Những khu thương mại lộng lẫy có thể kể đến Diamond, hoặc Parkson và riêng tại góc đẹp nhất là đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, quận 1, khu thương xá Tax được nhiều bà con tham quan.

Riêng tại các chợ bán sỉ truyền thống ở các quận, huyện trong và ngoại thành thành phố, không khí chuẩn bị hàng Tết rất trầm lắng. Tiểu thương ở chợ An Đông quận 5, chợ Bình Tây quận 6, chợ Tân Bình và chợ Hóc Môn, Thủ Đức cho biết, sức mua từ đầu năm đến nay đã giảm mạnh, nên họ cũng không mạnh tay đẩy mạnh chuẩn bị hàng hóa Tết.

Thêm vào đó thông tin nhiễm melamine đã khiến việc nhập và tiêu dùng các mặt hàng bánh kẹo chững lại. Tại các cửa hàng kinh doanh quần áo trên đường phố Nguyễn Trãi, quận 5, Hai Bà Trưng, quận 3, Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức cũng đã thực hiện các đợt bán hàng đại hạ giá từ 20-70%, đối với tất cả các mặt hàng.

Dọc con đường Nguyễn Trãi quận 5, hàng may mặc tràn xuống lòng đường, lề đường từ 6 giờ chiều, với chiêu thức hạ giá, đẩy mạnh giải quyết lượng hàng tồn kho để thu hồi vốn của tiểu thương. Nhiều cửa hàng cho rằng, hạ giá nhưng sức mua vẫn không tăng, nên tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn hơn.