Bán tháo theo Phố Wall, chứng khoán châu Á “đỏ lửa” phiên đầu tuần
Các thị trường chứng khoán chủ chốt ở khu vực châu Á đồng loạt giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai
Các thị trường chứng khoán chủ chốt ở khu vực châu Á đồng loạt giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, sau khi Mỹ và châu Âu công bố những số liệu kinh tế ảm đạm vào hôm thứ Sáu và xuất hiện một chỉ báo về nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Theo tin từ CNBC, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm thị trường Nhật Bản có lúc giảm hơn 1,6%, xuống mức thấp nhất trong 1 tuần.
Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 có thời điểm giảm hơn 3%, chỉ số Topix giảm trên 2,7% vào lúc đầu giờ giao dịch buổi chiều.
Trong phiên sáng, cả hai sàn Thượng Hải và Thẩm Quyến của chứng khoán Trung Quốc cùng sụt trên 1%. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Kông sụt gần 1,8%.
Tại Seoul, chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc có thời điểm giảm gần 1,7%. Chỉ số ASX 200 của chứng khoán Australia trượt hơn 1%.
Chỉ số SET của chứng khoán Thái Lan có lúc giảm 1% trong phiên sáng, đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong hơn 1 tháng. Đây được xem là phản ứng của giới đầu tư sau khi có tin phe quân đội đang dẫn trước trong cuộc bầu cử diễn ra vào cuối tuần vừa rồi, đồng nghĩa với thủ lĩnh quân đội Prayuth Chan-Ocha nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng.
Phiên giảm này của chứng khoán châu Á nối tiếp phiên lao dốc mạnh vào hôm ngày thứ Sáu của chứng khoán Mỹ. Cả ba chỉ số chính ở Phố Wall giảm khoảng 2% sau khi các thống kê kinh tế từ Mỹ và châu Âu cho thấy hoạt động của các nhà máy tại hai nền kinh tế này suy giảm trong tháng 3. Trước đó trong tuần, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã hạ dự báo triển vọng kinh tế nước này 2019.
Điều khiến giới đầu tư lo ngại hơn cả là đường cong lợi suất trái phiếu Mỹ chuyển sang trạng thái đảo ngược - một chỉ báo cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sắp rơi vào suy thoái. Lần đầu tiên trong vòng hơn 1 thập kỷ, lợi suất tín phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 3 tháng cao hơn lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm.
Sự đảo ngược đường cong lợi suất đã được các nhóm chiến lược gia thuộc Commonwealth Bank of Ausstralia gọi là "diễn biến lớn nhất trên thị trường tài chính trong một khoảng thời gian", theo CNBC.
"Diễn biến trên thị trường trái phiếu là một hồi chuông cảnh báo lớn đối với bất kỳ ai đang cố gắng lạc quan về chứng khoán", một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase nhận định.
Theo một mô hình dự báo của ngân hàng National Australia Bank, khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong 10-18 tháng tới là 30-35%.
"Nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ đã tăng lên, và điều này sẽ khiến thị trường đặt ra khả năng FED hạ lãi suất", chiến lược gia Tapas Strickland của National Australia Bank ở London nhận xét.
Một mối lo lớn nữa của giới đầu tư chứng khoán toàn cầu ở thời điểm này là những rắc rối xung quanh việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Một loạt tờ báo Anh vào cuối tuần rồi đồn đoán Thủ tướng Theresa May có thể phải từ chức, trong khi làn sóng kêu gọi trưng cầu dân ý lại về Brexit, thậm chí là hủy Brexit đang gia tăng ở Anh.
Bên cạnh đó, giới đầu tư đang thận trọng trước thềm vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung tiếp theo diễn ra ở Bắc Kinh trong tuần này. Sau nhiều nỗ lực, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa tìm ra được giải pháp để xuống thang cuộc chiến thương mại song phương.