13:50 24/02/2007

Bàn tròn: Giáo dục đại học gồng mình để hội nhập

Lý Hà - Mai Minh thực hiện

Giáo dục đại học Việt Nam đang cần một “tấm áo bảo hộ” để tránh những rủi ro trên đường trở thành một “thị trường” đại học

Hiện nay, Nhà nước đang có chủ trương tăng quyền tự chủ cho các trường đại học công lập và đã bắt đầu thí điểm “cơ chế khoá chi” - Ảnh: ĐHQG.
Hiện nay, Nhà nước đang có chủ trương tăng quyền tự chủ cho các trường đại học công lập và đã bắt đầu thí điểm “cơ chế khoá chi” - Ảnh: ĐHQG.
Giáo dục đại học Việt Nam đang cần một “tấm áo bảo hộ” để tránh những rủi ro trên đường trở thành một “thị trường” đại học.

Việc may một “tấm áo bảo hộ” tưởng như là đơn giản, nhưng giáo dục đại học Việt Nam đã phải “gồng mình” trong suốt 4 tháng qua tính từ ngày Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO để dò dẫm từng đường kim mũi chỉ.

Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến đánh giá của các chuyên gia giáo dục của quốc tế và Việt Nam về thực trạng này và những định hướng đầu tiên của việc cố gắng thiết kế “tấm áo bảo hộ” cho giáo dục đại học Việt Nam hội nhập.

3 bước đưa giáo dục đại học hội nhập

(Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

“Là thành viên WTO, rất nhiều cơ hội và thách thức mà chúng ta phải đối mặt. Việc đào tạo của Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được tốt so với nhu cầu của xã hội. Chính vì vậy vừa qua Việt Nam đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về vấn đề “đào tạo theo nhu cầu”.

Trong cuộc hội nghị này, tôi cũng đã có dịp lắng nghe ý kiến và trao đổi của các đồng nghiệp đến từ 8 nước thành viên. Trước hết phải thấy không chỉ có Việt Nam khó khăn về vấn đề này mà tất cả các nước tham dự đều bày tỏ và chia sẻ những khó khăn làm thế nào người ra trường đáp ứng yêu cầu của nơi tuyển dụng?

Để có thể giải quyết được vấn đề này phải có sự nỗ lực từ 3 phía. Những nhà tuyển dụng phải tham gia vào quá trình đào tạo, phải nói cho nhà trường biết mình cần những kỹ năng gì ở người học. Mối quan hệ này cần phải được đẩy mạnh.

Muốn hội nhập, trước hết, nhà trường phải phối hợp để điều chỉnh chương trình đào tạo sao cho phù hợp với yêu cầu. Theo hướng này Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai chương trình tiên tiến của nước ngoài (giảng dạy bằng tiếng Anh) tại 9 trường đại học ở Việt Nam.

Đối với giảng viên, chúng tôi đang nỗ lực bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Hiện nay, trong số khoảng 1 triệu giảng viên của các trường đại học chỉ có khoảng 13% có trình độ tiến sĩ, khoảng 450 giáo sư. Trong 10 năm tới phải đào tạo 20.000 tiến sĩ để có ít nhất 20% giảng viên đại học đạt tới trình độ này.

Mặc dù vậy, chúng tôi cũng khẳng định là việc đào tạo tiến sĩ của chúng tôi chú trọng nhất đến chất lượng chứ không phải số lượng.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ cử giảng viên đại học đi nước ngoài làm tiến sĩ, thạc sĩ để tiếp cận trình độ, kỹ năng mới về dạy cho sinh viên trong nước. Như vậy, với mảng cơ hội hợp tác các đại học tôi thấy tương đối thuận lợi.

Vấn đề thứ hai là, muốn hội nhập tốt thì tiếng Anh phải tốt. Trong khi đó tiếng Anh của chúng ta tại trường phổ thông còn hạn chế. Nên làm thế nào để có một chương trình quyết liệt của ngành giáo dục đào tạo Việt Nam với nhau và với các tổ chức nước ngoài như với Anh, Mỹ để có một chuyển biến đáng kể trong đào tạo tiếng Anh trong vòng 10 năm tới, lúc đó mới tận dụng được đầy đủ mọi cơ hội.

Thứ ba, qua thảo luận thấy có lẽ các nước trong vùng ASEAN và các nước khác có thể chọn chủ đề phối hợp làm thế nào để việc đào tạo thích ứng nhu cầu trong vùng, nên chăng hợp tác đánh giá những yêu cầu mới về lao động ở các nước trong khu vực để từ đó chúng ta chuẩn bị cho tốt, hoặc xây dựng những chương trình chuẩn của các nước ASEAN.

Tất nhiên chúng tôi phải lựa chọn những đối tác tốt. Mình là nước chậm hơn thì phải cố gắng vươn lên càng cao càng tốt để có cơ hội phát triển nhanh. Đồng thời mình cũng phải chuẩn bị kỹ để những người có trình độ cao mong muốn hợp tác với mình, chẳng hạn Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Australia...”

Cần một “tấm nệm giảm sung” cho đại học

(GS. Phạm Phụ, Đại học Quốc gia Tp.HCM)

“Việt Nam hiện nay đã có trên 20.000 sinh viên đang du học tự túc ở nước ngoài, chi phí ước tính không dưới 200 triệu Đôla/năm. Nhà nước cũng đã có chương trình học bổng từ Ngân sách quốc gia để du học với tổng kinh phí vào khoảng 1.000 tỷ trong 5 năm. Một chương trình có dạng đào tạo liên kết là một chi nhánh đại học ở nước ngoài cũng đã được thiết lập ở Việt Nam.

Tuy vậy, trong bối cảnh của toàn cầu hoá và dịch vụ giáo dục đại học đã bước sang thời kỳ bão hoà, phải chăng, hướng đi hợp lý hiện nay của giáo dục đại học Việt Nam là: Có một chiến lược hội nhập thích hợp, trong đó chỉ du học theo những chương trình đào tạo có chất lượng cao (làn sóng 1), mở rộng các chương trình đào tạo dạng liên kết (làn sóng 2) với các đối tác trung bình để có chi phí rẻ, tiết kiệm ngoại tệ, giảm thiểu việc mất chất xám và bước đầu lập những chi nhánh đại học ở nước ngoài (làn sóng 3) với những đối tác có uy tín và được ưu tiên của Nhà nước để phục vụ cho những mục tiêu dài hạn hơn?

Hiện nay, Nhà nước đang có chủ trương tăng quyền tự chủ cho các trường đại học công lập và đã bắt đầu thí điểm “cơ chế khoá chi”. Điều đó có nghĩa: giáo dục đại học đang từng bước chuyển cơ chế “phân phối thẩm quyền” từ mô hình có cấu trúc “đầu nặng” sang mô hình cấu trúc “đuôi nặng”, nghĩa là thẩm quyền quyết định giáo dục đại học sẽ tập trung chủ yếu ở cấp trường đại học.

Trong bối cảnh đó, trường đại học phải tự biết mình đổi mới, phải biết chấp nhận rủi ro, phải tự đưa ra quyết định có tính chất đa mục tiêu... Ngoài ra, giáo dục đại họcViệt Nam trước đây còn chưa chú ý đầy đủ về mặt “hiệu quả” (tài chính) và “trách nhiệm xã hội”.

Thế nhưng hiện nay, các trường đại học Việt Nam cũng bắt đầu giống như các trường đại học trên thế giới khi lúng túng trước những vấn đề “đánh đổi” với nhau, gói gọn trong 4 chữ “chất lượng - tài chính”.

3 câu hỏi bắt buộc dành cho Bộ Giáo dục và Đào tạo

(GS. Kai-ming-Cheng, Đại học Hồng Kông)

“Tôi thấy Việt Nam nói nhiều về thương mại giáo dục nhưng dường như chúng ta không hiểu nhiều về thương mại giáo dục. Vậy làm thế nào để thương mại hoá giáo dục được?

Gia nhập WTO thì có lợi cho kinh tế nhưng chúng ta phải nhìn vượt ra khỏi khái niệm kinh tế để nhìn tới người dân chúng ta và đất nước chúng ta. Khi gia nhập WTO thì phải chuẩn bị đổi mới thế nào cho giáo dục?

Gia nhập WTO chúng ta có lợi là cạnh tranh với thế giới nhưng chúng ta phải chịu khó, khổ nào không? Chắc chắn là có. Ví dụ ở Malaysia. Nhà nước Malaysia đầu tư rất nhiều vào các trường đại học và họ đưa dịch vụ giáo dục vào đất nước nhưng điều đáng tiếc là 80% học sinh của họ lại học ở các nước khác nên họ cũng rất khổ!

Theo tôi được biết, giáo dục Việt Nam có một khoảng cách và sự khác biệt với giáo dục thế giới. Đơn cử như chương trình đào tạo, các mục tiêu đào tạo khá giống nhau và thiếu những chương trình liên ngành, liên thông. Ở Việt Nam các quan niệm về chất lượng giáo dục đại học chưa được nhận thức một cách phổ biến.

Do vậy, khi ban hành các chính sách thì Việt Nam phải hiểu mục đích của những chính sách này là gì? Chúng ta phải đảm bảm chất lượng trên cơ sở phải trả lời được câu hỏi: Chất lượng của ai? Bởi vì chúng ta không thể lấy chất lượng của nước mạnh áp đặt cho các nước yếu.

Khi chấp nhận cơ chế thị trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cũng cần phải trả lời các câu hỏi: Thứ nhất, các trường nước ngoài có chuẩn bị chất lượng giáo dục cho người dân Việt Nam hay nước Việt Nam hay không? Thứ hai, liệu các trường nước ngoài khi phát triển giáo dục tại Việt Nam có quan tâm đến bối cảnh phát triển của quốc gia Việt Nam hay không?

Thứ ba, liệu các trường đại học nước ngoài có làm cho giáo dục Việt Nam phát triển hay nó sẽ làm giảm đi sự phát triển giáo dục của Việt Nam?”

Thị trường giáo dục sẽ chuyển từ tự phát sang tự giác

(TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo)

“Thị trường giáo dục đại học Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là một thị trường giầu tiềm năng.

Các nhà cung ứng giáo dục nước ngoài tại Mỹ, Anh, Úc, New Zealand, Nhật, Pháp, Hà Lan, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan... đang có nhu cầu lớn về xuất khẩu giáo dục và chắc chắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào giáo dục đại học Việt Nam. Việc đầu tư xây dựng trường mới sẽ không có nhiều, nhưng các cơ sở liên kết chắc chắn sẽ phát triển rất sôi động.

Vì vậy, sau khi thực hiện cam kết về GATS , bức tranh giáo dục đại học Việt Nam sẽ có biến động mạnh mẽ ở khu vực tư thục với sự ra đời của khá nhiều cơ sở giáo dục nước ngoài, chủ yếu là các cơ sở giáo dục liên kết. Cục diện cạnh tranh sẽ hình thành và phát triển. Thị trường giáo dục đại học sẽ chuyển từ tự phát sang tự giác với sự định hướng mạnh mẽ của Nhà nước để bảo đảm đó là một chuẩn thị trường.

Điều cần lưu ý là do ưu thế trên nhiều phương diện của các trường đại học công lập nên các cơ sở giáo dục liên kết sẽ phát triển mạnh mẽ dưới hình thức liên kết đào tạo giữa các nhà cung ứng giáo dục nước ngoài với các trường đại học công lập Việt Nam. Tình trạng làm nhoè ranh giới giữa công lập và tư thục như vậy hiện đang phổ biến trong giáo dục đại học xuyên biên giới.

Điều đó dẫn đến tình thế các trường đại học tư thục Việt Nam chịu áp lực cạnh tranh rất khắc nghiệt từ hai phía. Một phía là các cơ sở giáo dục nước ngoài với tiềm lực kinh tế lớn, trang bị hiện đại, kinh nghiệm dày dạn và quản lý năng động. Phía khác là các trường đại học công lập Việt Nam với sự trợ giúp về tài chính của Nhà nước, sự liên kết mạnh mẽ với các nhà cung ứng giáo dục nước ngoài và sức thu hút vốn có trong tâm lý chọn trường của người học.

Trong tình thế như vậy, nếu Nhà nước và các trường đại học tư thục không có chương trình hành động để nâng cao năng lực cạnh tranh của các trường đại học tư thục thì kết quả có thể dự báo trước: các trường đại học tư thục Việt Nam sẽ lần lượt đóng cửa hoặc phá sản, nhường thị phần giáo dục đại học Việt Nam cho các nhà cung ứng giáo dục nước ngoài.

Để tránh một kết cục không mong muốn như vậy, cần hành động khẩn trương và tích cực ngay từ bây giờ. Điểm xuất phát là thẳng thắn và nghiêm túc làm rõ những điểm yếu của giáo dục đại học tư thục Việt Nam.

Giáo dục thường thay đổi chậm hơn các lĩnh vực khác. Nhưng phải thay đổi vì thay đổi là tất yếu, là cần thiết, là mệnh lệnh. Nhưng thay đổi thế nào? Giáo dục Việt Nam sau WTO sẽ có một đặc trưng mới là chấp nhận thị trường giáo dục. Bước chuyển này trong giáo dục cũng vất vả trong nhận thức và khó khăn trong hành động như bước chuyển biến cách đây 20 năm khi chấp nhận thị trường kinh tế.

Nếu đặc trưng của nền kinh tế thị trường nước ta là vận hành theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì thị trường giáo dục đại học Việt Nam cũng sẽ là một thị trường đặc biệt, một thị trường gần đúng, gọi là chuẩn thị trường.

Trong chuẩn thị trường này, hệ thống giáo dục đại học sẽ có 3 thành phần đan xen nhau, cùng tồn tại. Đó là giáo dục với tư cách lợi ích công, giáo dục với tư cách dịch vụ công và giáo dục với tư cách hàng hoá. Các trường đại học tư thục Việt Nam, dù nhằm mục đích lợi nhuận hay phi lợi nhuận, sẽ đóng góp vào cả 3 thành phần trên và chuyển từ trạng thái “quan liêu” hiện nay sang trạng thái cạnh tranh để tồn tại, phát triển.

Trong một cục diện cạnh tranh mà nhiều lợi thế thuộc về các cơ sở giáo dục nước ngoài và các trường đại học công lập Việt Nam liên kết với nước ngoài, các trường đại học tư thục chỉ có một con đường “thay đổi là tồn tại”. Sự thay đổi sẽ khác nhau đối với từng trường, nhưng cái đích là một. Đó là chất lượng, sự khác biệt và giá cả.

Điều này phụ thuộc trước hết và chủ yếu vào ý tưởng sáng tạo, tài năng quản lý và quyết tâm thực hiện của những người lãnh đạo trường”.

5 nguyên tắc vàng khi trở thành thị trường đại học

(TS. Ruben C.Umaly, Tổng thư ký Hiệp hội các trường đại học khu vực châu Á - Thái Bình Dương)

“Trong thế giới toàn cầu, các trường đại học hơn bao giờ hết cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển, là kênh phân phối, chia sẻ thông tin, kiến thức, sự hiểu biết và các công nghệ sáng tạo có lợi cho cộng đồng. Các trường cần đưa ra những quyết định phù hợp và các sáng kiến hành động nhằm đổi mới hệ thống giáo dục tốt hơn hướng tới tương lai toàn cầu, ổn định mà vẫn giữ lại các chức năng nhiệm vụ truyền thống.

Theo đó, có 5 nguyên tắc vàng cần cho các trường đại học Việt Nam và các nhà hoạch định chính sách.

Thứ nhất, phải đào tạo được kỹ năng về công nghệ, kiến thức và hiểu biết về khoa học, công nghệ; kỹ năng về tư duy để làm sao có được tư duy phê phán và phân tích logic sáng tạo, tư duy mở rộng, linh hoạt được sử dụng trong kỹ năng phân tích tìm ra giải pháp và đưa ra quyết định; kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ hiệu quả. Người học được học và hiểu biết, tôn trọng và tiếp thụ các nền văn hoá khác, khả năng hoà nhập với cộng đồng.

Thứ hai, áp dụng quy trình giáo dục liên thông trong giáo dục chính thống.

Thứ ba, xây dựng các tiêu chuẩn về kiểm định công nhận và bảo đảm chất lượng giáo dục theo từng quốc gia, khu vực và trên phạm vi toàn cầu, áp dụng các chuyên ngành khác nhau. Điều này cho phép tự do hơn trong đánh giá việc dịch chuyển của học viên và sinh viên đã tốt nghiệp.

Thứ tư, đối với các nhà hoạch định chính sách cũng cần phải đưa ra được chính sách phát triển giáo dục suốt đời. Cung cấp đa dạng chương trình và hệ thống truyền tải kiến thức làm thế nào để giáo dục xuyên biên giới. Để làm được điều này cần phải sử dụng công nghệ thông tin trong giáo dục. Nó cho phép giáo dục từ xa hiệu quả hơn và mô hình đại học không hiện diện vật chất như là sự bổ sung việc truyền đạt giáo dục trực tiếp theo truyền thống. Phương thức học có thể học song song hay học phương thức kết hợp.

Có thể khẳng định một điều, hệ thống giáo dục xuyên biến giới sẽ cung cấp giáo dục mọi nơi, mọi lúc, cho mọi người và học bất kỳ ngành học nào. Nhưng sẽ có các vấn đề phát sinh về quyền tài sản và cần tổ chức tốt nhằm sử dụng các nguồn lực mở như là sản phẩm vật chất mà mỗi trường đại học phải chi phí.

Thứ năm, các nhà hoạch định cũng cần phải xem xét lại phương pháp giảng dạy tại các trường đại học. Có thể áp dụng phương thức đào tạo hướng nghiệp và vừa học vừa làm khác cho giáo viên với tư cách là người dân dắt và hướng dẫn thay vì vai trò trung tâm trong việc truyền tải thông tin và kiến thức. Đổi mới hệ thống giáo dục đòi hỏi đầu tư tài chính vào trang thiết bị bao gồm phần cứng và phần mềm và quan trọng nhất là nguồn nhân lực.

Chính phủ cần có chính sách ưu tiên đổi mới giáo dục không chỉ trong việc giao ngân sách đào tạo. Còn các trường đại học cần phát triển các phương thức huy động vốn khác bên cạnh việc tăng học phí và dựa vào ngân sách Nhà nước.

Đây có thể là một những thách thức chủ yếu của bộ phận tài chính của các trường trong bối cảnh toàn cầu hoá”.

4 rủi ro khi tham gia thị trường đại học

(TS. Jane Knight, Trung tâm phát triển giáo dục quốc tế, Viện Ontario về nghiên cứu giáo dục, đại học Toronto, Canada)

“Rủi ro và lợi nhuận có thể khác biệt giữa nước nhận và nước gửi, giữa các nước phát triển và nước đang phát triển, đối với sinh viên, các tổ chức giáo dục, các công ty và những nhà tuyển dụng.

Trong xu hướng tăng trưởng nhanh chóng của hoạt động giáo dục xuyên quốc gia, một điều cần lưu ý là lĩnh vực giáo dục đại học cần phải được thông báo và thận trọng với những rủi ro và lợi ích, quan trọng hơn là phải có những chính sách thích hợp và các quy định để định hướng và giám sát những phát triển hiện tại và tương lai.

Tham gia thị trường đại học, Việt Nam cần phải biết trước những rủi ro sau đối với nền giáo dục đại học của mình:

Thứ nhất, rủi ro có thể từ việc tăng số lượng các nhà cung cấp kém chất lượng. Thứ hai, rủi ro từ sự sụt giảm trong tài trợ công nếu có nhiều nhà cung cấp nước ngoài.

Thứ ba, rủi ro khi số lượng các nhà cung cấp giáo dục đại học nước ngoài không ổn định nếu lợi nhuận thấp. Cùng đó việc cho phép các nhà cung cấp giáo dục ở nước ngoài đòi hỏi phải có sự giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm một sự tiếp cận giáo dục công bằng cho các sinh viên.

Thứ tư, rủi ro khi bằng cấp do nước ngoài cấp không được các nhà tuyển dụng trong nước chấp nhận, sử dụng quá nhiều tiếng Anh như là ngôn ngữ hướng dẫn, và mục tiêu chính sách giáo dục đại học quốc gia không đạt được. Vì mục tiêu lợi nhuận, số lượng các bằng cấp, chứng chỉ cung cấp hàng loạt sẽ tăng lên.

Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục này không phải là nhà cung cấp ở trong nước. Do đó việc phát triển quy trình đăng ký hoạt động và cấp phép của các tổ chức cung cấp giáo dục là rất quan trọng”.