17:46 16/09/2019

“Bão” biểu tình thành cơ hội săn bất động sản giá hời ở Hồng Kông

Kiều Oanh

Làn sóng biểu tình kéo dài hơn 3 tháng nay đã trở thành cơ hội mua bất động sản giảm giá ở Hồng Kông

Người biểu tình xuống đường ở khu trung tâm Hồng Kông ngày 15/9 - Ảnh: Bloomberg.
Người biểu tình xuống đường ở khu trung tâm Hồng Kông ngày 15/9 - Ảnh: Bloomberg.

Hồng Kông, với tư cách trung tâm tài chính lớn nhất châu Á, luôn là một trong những thị trường địa ốc đắt đỏ nhất thế giới. Tuy nhiên, làn sóng biểu tình kéo dài hơn 3 tháng nay đã trở thành cơ hội mua những bất động sản với mức giá rẻ hơn bình thường ở vùng lãnh thổ này - hãng tin Bloomberg cho hay.

Vào năm 2017, Wang Tse đã để mắt tới một trung tâm mua sắm hầu như bị bỏ không nằm gần một khu dân cư trung lưu cách khá xa trung tâm Hồng Kông. Tse cho rằng trung tâm mua sắm này nếu được nâng cấp, cải tạo sẽ rất có tiềm năng, nhưng mức giá chào bán lại quá mắc.

Ở thời điểm đó, thị trường địa ốc Hồng Kông vốn đã đắt đỏ lại đang lên cơn sốt. Tỷ phú bất động sản Hồng Kông Lý Gia Thành khi đó vừa bán một cao ốc với mức giá kỷ lục 5,2 tỷ USD. Trong bối cảnh như vậy, chủ của trung tâm mua sắm nói trên thà đóng cửa trung tâm 2 năm chứ không vội bán.

Cơ hội hiếm có

Giờ đây, phong trào biểu tình rầm rộ ở Hồng Kông đang gây sức ép lớn lên nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản thương mại của vùng lãnh thổ. Vào tuần trước, tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings cắt giảm điểm tín nhiệm của Hồng Kông lần đầu tiên kể từ năm 1995 do biểu tình khiến giới đầu tư bất an, đặt ra nguy cơ các dòng vốn tháo chạy khỏi Hồng Kông.

Cuối tuần vừa rồi, cảnh sát Hồng Kông tiếp tục phải dùng đến vòi rồng và hơi cay để giải tán các đám đông người biểu tình, trong khi những người biểu tình quá khích ném bom xăng vào các tòa nhà công quyền và phóng hỏa một số mục tiêu. Bất chấp lệnh cấm của cảnh sát, nhiều người biểu tình Hồng Kông đã xuống đường vào ngày Chủ nhật.

Tuy căng thẳng chính trị ở Hồng Kông chưa có dấu hiệu xuống thang, nhiều nhà đầu tư ở vùng lãnh thổ này xem đây là cơ hội để tìm mua bất động sản giảm giá.

Tse, người sở hữu một công ty về chia sẻ không gian làm việc, là một trong những nhà đầu tư như vậy. Ông cùng một đối tác cuối cùng đã mua được trung tâm mua sắm nói trên vào cuối tháng 7 vừa qua, với mức giá 170 triệu Đôla Hồng Kông, tương đương 22 triệu USD, giảm 35% so với giá chào bán ban đầu. Tse tin giờ là thời điểm đúng để ông mua bất động sản này.

Dựa trên kinh nghiệm lâu năm, các nhà đầu tư Hồng Kông vẫn giữ niềm tin vào bất động sản địa phương. Trong thời gian từ năm 1998-2018, giá bất động sản bán lẻ ở đây tăng hơn 250%, trong khi giá văn phòng tăng gấp khoảng 5 lần, theo dữ liệu từ Rating and Valuation Department. Trong khoảng thời gian đó, Hồng Kông vượt qua hàng loạt cuộc khủng hoảng, gồm khủng hoảng tài chính châu Á, dịch SARS, khủng hoảng tài chính toàn cầu, và một số đợt điều chỉnh khác.

Giá bất động sản thương mại của Hồng Kông hiện đang chịu áp lực giảm, nhưng giá nhà ở tại vùng lãnh thổ này vẫn đang ở gần mức kỷ lục và tăng gấp khoảng 3 lần so với thời điểm 20 năm trước.

Cushman & Wakefield Plc dự báo tổng giá trị giao dịch bất động sản văn phòng, bán lẻ và công nghiệp ở Hồng Kông trong quý 3 năm nay sẽ giảm 55% so với quý 2. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là mối quan tâm giảm xuống của các quỹ đầu tư quốc tế trước đây vốn hoạt động tích cực trên thị trường bất động sản Hồng Kông, do tin tức về biểu tình khiến các quỹ trở nên thận trọng - theo ông Tom Ko, Giám đốc Cushman & Wakefield.

"Thị trường đã trở nên rất im ắng", ông Ko nói, và cho biết thêm nhiều nhà đầu tư ngoại đang ở trong trạng thái "chờ xem".

Niềm tin vào thị trường

Cushman & Wakefield dự báo khối lượng giao dịch của thị trường bất động sản thương mại Hồng Kông trong 2019 có thể giảm xuống mức thấp nhất 10 năm do các nhà đầu tư lớn đứng ngoài lề thị trường. Nếu biểu tình còn tiếp tục, giá bất động sản có thể giảm thêm, ông Ko nhận định.

Stan Group là một nhà đầu tư bất động sản Hồng Kông khác săn hàng giá rẻ ở thời điểm hiện nay. Công ty này đã mua 5 bất động sản thương mại với mức giá tổng cộng hơn 3 tỷ Đôla Hồng Kông kể từ khi biểu tình nổ ra vào giữa tháng 6. Chủ tịch Stan, ông Stan Tang, một người Hồng Kông, vẫn giữ niềm tin vào triển vọng dài hạn của thị trường bất động sản ở thành phố này.

"Nếu có ý định đầu tư ra nước ngoài mà lại có những sự kiện như thế này xảy ra ở đó, tôi sẽ dừng lại", ông Tang nói. "Nhưng chúng tôi đang ở Hồng Kông và tận mắt chứng kiến mọi thứ. Chúng tôi sẵn sàng hơn những nhà đầu tư ở nước ngoài chỉ nhận được thông tin rời rạc từ truyền thông".

Theo ông Tse, mức thuế thấp và dòng tiền tự do của Hồng Kông sẽ là những nhân tố giúp giữ giá trị cho bất động sản ở đây. Ông Tang thì liệt kê ra những nhân tố như chi phí vay vốn thấp và địa vị của Hồng Kông là cửa ngõ để các nhà đầu tư phương Tây đi vào thị trường Trung Quốc.

"Tôi đã chứng kiến mẹ tôi đầu tư trong suốt năm 1997, khi tôi còn là một đứa trẻ", Tse nói. "Trong dài hạn, Hồng Kông vẫn sẽ là một trong những thị trường bất động sản hấp dẫn nhất thế giới. Sau mỗi lần khủng hoảng, Hồng Kông đều hồi phục".