16:38 04/02/2025

Báo động nợ hộ gia đình tại Hàn Quốc

Ngọc Trang

Theo các nhà phân tích, 2 yếu tố khiến các hộ gia đình tại Hàn Quốc nợ nhiều là thói quen phụ thuộc vào thẻ tín dụng và nét đặc trưng riêng của việc đi thuê nhà ở nước này...

Hàn Quốc sở hữu hệ thống cho thuê nhà ở "có một không hai" trên thế giới - Ảnh: Getty Images
Hàn Quốc sở hữu hệ thống cho thuê nhà ở "có một không hai" trên thế giới - Ảnh: Getty Images

Trên thế giới, các ngân hàng trung ương thường có một nhiệm vụ chung là bình ổn giá cả và kiềm chế lạm phát trong nước. Tuy nhiên, tại Hàn Quốc, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) có thêm một nhiệm vụ khác: Đó là quản lý nợ hộ gia đình. Đây là một nhân tố quan trọng trong mỗi quyết định chính sách tiền tệ của BOK.

Trong một bài phát biểu ngày 2/1, Thống đốc BOK Rhee Chang Yong cho biết “đã xuất hiện một số chỉ trích về việc vì sao BOK lại xem xét yếu tố nợ hộ gia đình khi ra quyết định lãi suất và rằng chúng tôi quá thận trọng khi quyết định lãi suất cơ bản”.

Vậy đâu là lý do nợ hộ gia đình lại quan trọng với BOK khi tính toán chính sách tiền tệ? Câu trả lời là nợ hộ gia đình tại Hàn Quốc đang ở mức quá cao và đây là một vấn đề phức tạp của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á

HỆ THỐNG THUÊ NHÀ ĐẶC BIỆT

“BOK lo lắng về tác động tiêu cực lâu dài của tình trạng nợ nần cao của các hộ gia đình với tăng trưởng kinh tế”, ông Park Jeongwoo, nhà kinh tế phụ trách Hàn Quốc và Đài Loan tại ngân hàng Nomura, nhận xét. “Cơ quan này cho rằng gánh nặng nợ cao đã làm suy yếu sức mua của các hộ gia đình. Bên cạnh đó, nhu cầu vay nợ cao để trả tiền nhà ở đã dẫn tới sự phân bổ vốn thiếu cân đối trong nền kinh tế, với nguồn vốn được phân bổ nhiều hơn vào các lĩnh vực kém hiệu quả”.

Theo các nhà phân tích, 2 yếu tố khiến các hộ gia đình tại Hàn Quốc nợ nhiều là thói quen phụ thuộc vào thẻ tín dụng và nét đặc trưng riêng của việc đi thuê nhà ở nước này. Vì không đủ khả năng tài chính mua nhà, nhiều hộ gia đình tại Hàn Quốc, đặc biệt là ở các đô thị lớn, phải đi thuê nhà. Tuy nhiên, khác với hầu hết hệ thống cho thuê nhà trên thế giới, người thuê nhà ở Hàn Quốc phải trả một khoản đặt cọc lớn - được gọi là “jeonse”, thay vì tiền thuê nhà hằng tháng.

Khoản tiền đặt cọc này tương đương khoảng 50-80% giá thị trường của căn nhà. Vào cuối kỳ thuê, tiền đặt cọc sẽ được hoàn trả cho người thuê. Với các chủ nhà, jeonse là một khoản vay miễn lãi mà họ có thể dùng để đầu tư. Tuy nhiên, người thuê nhà thường đi vay để trả tiền đặt cọc jeonse. Theo ông Samuel Rhee - đồng sáng lập, chủ tịch kiêm giám đốc đầu tư của nền tảng quản lý nhà ở Endowus, chính điều này gây ra gánh nặng nợ trong hệ thống nhà ở Hàn Quốc.

“Dù tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP của Hàn Quốc không tăng đáng kể trong vài năm qua, nhưng lãi suất tăng đã làm tăng gánh nặng trả nợ với các hộ gia đình. Đây là mối lo ngại lớn nhất của BOK và chính phủ Hàn Quốc”, ông Rhee nhận xét với CNBC.

Dù BOK đã hạ lãi suất hai lần, đưa lãi suất cơ bản tại Hàn Quốc về mức 3% vào cuối năm ngoái, các ngân hàng thương mại vẫn chưa áp dụng mức lãi suất giảm cho khách hàng của mình. Do đó, dù lãi suất có giảm, chi phí trả lãi của người thuê nhà Hàn Quốc vẫn chưa giảm xuống.

Theo ông Ryota Abe, chuyên gia kinh tế tại bộ phận thị trường toàn cầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation, nợ hộ gia đình ở Hàn Quốc đang ở mức cao khiến vực tài chính trở nên dễ tổn thương hơn, theo đó có thể tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế.

“Nếu xảy khủng hoảng tín dụng do người đi vay mất khả năng trả nợ với số nợ quá lớn, điều này sẽ lập tức gây áp lực giảm phát và suy thoái kinh tế”, ông Abe nhận xét.

NỢ HỘ GIA ĐÌNH TĂNG NHANH HƠN THU NHẬP VÀ GDP

Theo số liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tính tới quý 2/2024, tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP của Hàn Quốc là 91%. Con số này cao hơn đáng kể so với mức bình quân 68,9% tại các nền kinh tế phát triển khác. Còn theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2023, Hàn Quốc có tỷ lệ nợ hộ gia đình/GDP cao nhất tại châu Á với 93,54%. Tỷ lệ này của Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á, là 63,67%, trong khi của Nhật Bản là 65,66%, Ấn Độ 39,16%.

Theo ông Abe, tỷ lệ nợ trên thu nhập khả dụng ròng của hộ gia đình Hàn Quốc năm 2023 là 186%, tăng vọt từ mức 130% năm 2008.

“Các số liệu cho thấy nợ của các hộ gia đình Hàn Quốc tăng nhanh hơn so với mức lương và GDP, cho thấy nền kinh tế, đặc biệt là các hộ gia đình, đang phụ thuộc lớn vào vay nợ”, ông Abe nhận xét. “Nếu các hộ gia đình mất khả năng trả nợ, sẽ xảy ra cú sốc lớn và nền kinh tế có thể rơi vào thảm họa. Do đó, các nhà chức trách nước này muốn giảm rủi ro này nhanh chóng”.

Tuy vậy, BOK đang ở thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, cơ quan này cần hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm và giảm bớt gánh nặng nợ cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, việc hạ lãi suất có thể làm suy yếu đồng won. Và quan trọng hơn, lãi suất giảm có thể làm tăng nhu cầu vay nợ để mua hoặc thuê nhà, từ đó khiến nợ hộ gia đình càng tăng lên – một vòng xoáy luẩn quẩn.

“Nếu lãi suất giảm, nhu cầu nhà ở và nợ cùng tăng lên, tình huống này có thể khiến giá nhà và giá thuê nhà tại Hàn Quốc leo thang, kéo theo đó là lạm phát. Trong khi đó, BOK muốn hạn chế tác động của lạm phát tới nền kinh tế”, ông Rhee của Endowus phát biểu.

Theo ông Alex Holmes, giám đốc nghiên cứu khu vực châu Á tại Economist Intelligence Unit, 2024 là năm đầu tiên tỷ lệ nợ hộ gia đình/GDP của Hàn Quốc giảm xuống. Do đó, BOK có thể sẽ không muốn hạ lãi suất quá nhanh để ngăn tỷ lệ này tăng trở lại.