10:19 25/07/2022

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang bảo vệ cho gần 7 triệu tỷ đồng tiền gửi

Song Linh

Đó là số liệu được thông tin tại Hội nghị sơ kết nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam...

Ông Phạm Bảo Lâm - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bảo hiển tiền gửi Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Ông Phạm Bảo Lâm - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bảo hiển tiền gửi Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Theo đó, 6 tháng đầu năm, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã khắc phục khó khăn, luôn nỗ lực thực hiện tốt các hoạt động chính sách bảo hiểm tiền gửi. Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2022, tổng nguồn vốn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã đạt hơn 88,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2021; Quỹ dự phòng nghiệp vụ là 82,6 nghìn tỷ đồng.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang bảo vệ cho hơn 89 triệu lượt người gửi tiền với số tiền gửi được bảo hiểm là gần 7 triệu tỷ đồng tại 1.283 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Với nguồn lực tài chính tăng trưởng tốt giúp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém.

Cùng với đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng đã thực hiện thành công các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh được Ngân hàng Nhà nước giao. Theo đó, phí bảo hiểm tiền gửi thu được tính đến 30/6/2022 đạt 51% kế hoạch năm 2022; tổng lượng vốn tạm thời nhàn rỗi Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện đầu tư tăng 8,7% so với thời điểm ngày 31/12/2021.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chủ động xây dựng phương án chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi để tổ chức thực hiện khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm; thực hiện miễn nộp phí bảo hiểm tiền gửi cho các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được kiểm soát đặc biệt theo quy định.

Công tác kiểm tra cũng được chủ động từ sớm, chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực, kịp thời đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động. Theo đó, 6 tháng đầu năm Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện kiểm tra định kỳ đối với 153/280 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, đạt hơn 54% so với kế hoạch; kiểm tra đối với 21/53 quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước năm 2022, đạt 39,6% so với kế hoạch.

Công tác giám sát thường xuyên được tăng cường thực hiện đối với 100% tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trên địa bàn quản lý; kết nối, cung cấp, trao đổi thông tin với hoạt động kiểm tra, kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước các vấn đề phát sinh, có thể gây rủi ro, mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng tích cực tham gia ý kiến đối với các phương án cơ cấu lại, phương án xử lý đối với quý tín dụng nhân dân theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước; tăng cường đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ về công tác cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; kịp thời nghiên cứu, xây dựng các văn bản quản trị điều hành thống nhất thực hiện trong quá trình tham gia vào kiểm soát đặc biệt.

Công tác tuyên truyền cũng được quan tâm, theo đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã tổ chức hiệu quả các chuỗi hoạt động tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi theo kế hoạch được phê duyệt, kịp thời thông tin về chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng cần định hướng, tư vấn cho người gửi tiền.

Những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm là tích cực và rất đáng ghi nhận. Theo lãnh đạo Bảo iểm tiền gửi Việt Nam, 6 tháng cuối năm 2022, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, triển khai kịp thời, toàn diện các hoạt động sát với tình hình thực tế để đạt được kết quả cao nhất, trong đó chú trọng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện.

Cụ thể, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, sớm hoàn thành việc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chủ động xây dựng Chương trình hành động và triển khai thực hiện ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước trong việc rà soát, nghiên cứu và đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm tiền gửi theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Cùng với đó, cần tập trung nguồn lực, linh hoạt thực hiện các phương án kiểm tra, đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch kiểm tra định kỳ và kiểm tra theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước năm 2022.

Việc tính và thu phí bảo hiểm tiền gửi thực hiện theo đúng quy định, hoàn thành mục tiêu thu phí bảo hiểm tiền gửi theo kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước giao. Thực hiện trả tiền bảo hiểm khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.

Chủ động chuẩn bị nguồn lực, tích cực tham gia vào quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, tăng cường vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc tham gia hỗ trợ, xử lý các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, quy trình nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để chuẩn bị sẵn sàng tham gia quản trị, điều hành các tổ chức tín dụng yếu kém khi được yêu cầu.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai hiệu quả các chuỗi hoạt động tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi năm 2022 theo kế hoạch được phê duyệt, đẩy mạnh việc hỗ trợ quá trình đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm tiền gửi. Triển khai các bước trong quy trình theo kế hoạch được phê duyệt về khảo sát, đánh giá mức độ nhận thức của người gửi tiền về chính sách bảo hiểm tiền gửi.