12:59 08/10/2021

Bão số 7 có diễn biến phức tạp, các địa phương lên kế hoạch chủ động ứng phó

Chu Khôi

Bão số 7 sẽ gây ra một đợt mưa lớn diện rộng cho khu vực Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ từ ngày 9-12/10 với lượng mưa phổ biến từ 150 mm - 350 mm. Các địa phương miền núi cần đặc biệt đề phòng lũ quét, lũ ống và sạt lở đất...

Họp ứng phó bão sáng 8/10.
Họp ứng phó bão sáng 8/10.

Sáng 8/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai họp trực tuyến ứng phó bão số 7 (tên quốc tế là Lionrock).

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết vị trí tâm bão hiện ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 120km tính từ tâm bão.

Bão đang di chuyển rất chậm chủ yếu theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh thêm. Dự báo đến sáng  9/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực Đông Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Bắt đầu từ đêm 9/10, một bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng tới miền Bắc và được tăng cường mạnh hơn vào các ngày 10-11/10.

Chính vì vậy, khi bão vào Vịnh Bắc Bộ sẽ chịu tác động bởi các yếu tố trên đã ảnh hưởng và làm cho diễn biến cường độ, quỹ đạo, mưa, gió của cơn bão này còn phức tạp.

 

Với lượng mưa được dự báo lớn, lũ trên các sông ở khu vực trên sẽ dâng cao và cần đặc biệt đề phòng lũ quét, lũ ống và sạt lở đất.

Dự báo từ ngày 9 đến 11/10, phía Đông Bắc Bộ sẽ có mưa to, với lượng mưa phổ biến từ 150 mm - 250 mm.

Đối với các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, sẽ xuất hiện mưa lớn từ ngày 10-12/10, với lượng mưa phổ biến từ 150 mm - 350 mm, có nơi trên 350 mm... 

Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Phó trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho hay đã kiểm đếm, kêu gọi 61.468 tàu/278.639 người biết vị trí, hướng di chuyển đối với các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa.

Hiện nay trên vùng biển bão số 7 hoạt động, cũng như khu vực hướng di chuyển của bão, đã không còn phương tiện tàu thuyền hoạt động.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 4.557 tàu thuyền hoạt động ở ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ninh - đây là khu vực nằm trong vùng nguy hiểm của bão số 7 trong 1-2 ngày tới.

 

Căn cứ vào diễn biến của bão sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị từ Quảng Ninh đến Nghệ An kêu gọi các tàu, thuyền di chuyển vào bờ để đảm bảo an toàn, kiên quyết sẽ không để các phương tiện này nằm trong vùng nguy hiểm.

Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Phó trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Theo Cục Trồng trọt, sản xuất lúa tại đồng bằng sông Hồng và ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình diện tích lúa chưa thu hoạch là 251.631; các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Phú Yên diện tích lúa chưa thu hoạch còn 21.777.

Vì vậy, các địa phương cần đốc thúc nhân dân thu hoạch những diện tích lúa, hoa màu đã đến kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” hoặc có phương án bảo vệ đối với những diện tích chưa đến kỳ thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương phải khẩn trương kiểm đếm, thông tin và hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền trên biển ra khỏi vùng nguy hiểm của bão hoặc vào nơi tránh trú an toàn.

Cần hướng dẫn tàu thuyền neo đậu tránh trú bão an toàn và tạo điều kiện cho các tàu thuyền nơi khác vào tránh bão, có phương án phòng chống dịch Covid-19, tránh lây lan dịch bệnh. Các tỉnh cần tiếp tục thực hiện bắn pháo hiệu để cảnh báo cho ngư dân trên biển nắm được về cơn bão số 7.

“Ảnh hưởng của bão số 7 có thể sẽ gây mưa lớn cho nhiều khu vực, ông Tiến đặc biệt lưu ý các đơn vị quản lý hồ thủy lợi, thủy điện phải theo dõi sát mực nước của hồ hiện tại, dự báo lũ đổ về để có phương án vận hành cho an toàn, tránh thiệt hại cho hạ du”, ông Tiến nhấn mạnh.