08:00 12/06/2021

Bất chấp Covid-19, sản xuất, mua bán ma túy tổng hợp vẫn gia tăng

Bất chấp Covid-19, một lượng lớn đột biến ma túy đá được vận chuyển qua Lào đến Thái Lan và Việt Nam để tiêu thụ trong thị trường nội địa, hoặc tiếp tục vận chuyển sang nước khác

Thông tin này được đưa ra trong Báo cáo với tựa đề “Ma túy tổng hợp tại khu vực Đông và Đông Nam Á: Diễn biến và thách thức mới nhất năm 2021” mới ra mắt.

THU GIỮ HƠN 4 TẤN MA TÚY TẠI VIỆT NAM

Báo cáo của Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) khẳng định: thị trường ma túy tổng hợp ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á vẫn không bị suy chuyển trước tác động của đại dịch Covid-19. Tình trạng sản xuất và mua bán bất hợp pháp ma túy tổng hợp tiếp tục gia tăng đột biến trong năm 2020

Ông Jeremy Douglas, Trưởng đại diện Văn phòng UNODC khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương nhận định: “Các băng nhóm tội phạm có tổ chức tiếp tục mở rộng thị trường ma túy tổng hợp trong khu vực, đặc biệt là ở thượng lưu sông Mekong và bang Shan, Myanmar...”.

Theo UNODC, những kẻ buôn ma túy ở Đông Á và Đông Nam Á đã tìm nhiều cách né tránh biện pháp hạn chế Covid-19 để thúc đẩy tiêu thụ và đa dạng hóa quy mô sản xuất.

 

"Trong khi đại dịch làm cho nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, các tổ chức tội phạm thống trị tại khu vực đã nhanh chóng thích nghi và lợi dụng tình hình. Chúng tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh nguồn cung nhằm không ngừng tạo dựng thị trường và nhu cầu”.

Ông Jeremy Douglas, Trưởng đại diện Văn phòng UNODC khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương

Thời gian này có thể thấy sự thay đổi rõ ràng về các đường dây buôn bán ma túy bất hợp pháp. Một lượng lớn đột biến má túy đá được vận chuyển qua Lào đến Thái Lan và Việt Nam để tiêu thụ trong thị trường nội địa hoặc tiếp tục vận chuyển sang nước khác

Đặc biệt, Campuchia đang nổi lên như một nguồn cung ma túy tổng hợp quy mô lớn của khu vực. Giới chức phát hiện 5 cơ sở sản xuất ở nước này.

UNODC cho biết, trong năm 2020, giới chức thu giữ kỷ lục gần 170 tấn ma túy đá ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á, tăng 19% so với 142 tấn bị thu giữ trong năm 2019.

Bên cạnh đó, một lượng cực lớn ma túy đá tập trung tại các nước thuộc tiểu vùng hạ lưu sông Mekong như Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Lượng ma túy đá thu giữ tại các nước này chiếm tới 71% lượng ma túy đá bị thu giữ toàn khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Thái Lan là nước thu giữ nhiều nhất với hơn 58 tấn, tiếp theo là Myanmar hơn 49 tấn, Malaysia hơn 13,7 tấn, Indonesia gần 8 tấn và Lào hơn 7,2 tấn, Việt Nam hơn 4 tấn.

GIA TĂNG SỬ DỤNG MA TÚY ĐÁ DẠNG TINH THỂ

Báo cáo cũng cảnh báo về sự gia tăng đột biến của nguồn cung song hành với sự gia tăng sử dụng ma túy đá dạng tinh thể do giá bán buôn và giá bán lẻ trên đường phố rẻ chưa từng thấy.

Tại Việt Nam, số lượng người sử dụng ma túy đá có hồ sơ quản lý tăng chín lần, từ năm 2016 đến năm 2020. Thái Lan cũng ghi nhận số người sử dụng ma túy tăng gấp 10 lần, giai đoạn từ 2016 đến 2019.

Báo cáo cũng ghi nhận giá của ma túy đá cũng giảm mạnh ở Campuchia, Malaysia và Thái Lan do nguồn cung tăng đột biến. UNODC cho rằng nguồn cung tăng nhờ nguyên liệu sản xuất dễ kiếm. Nguồn cung của nhiều loại ma túy tổng hợp như thuốc lắc hay ketamine cũng tăng lên trên khắp khu vực.

 
Báo cáo của UNODC ghi nhận hoạt động sản xuất ma túy tổng hợp quy mô lớn ở Campuchia, tổng số ma túy được sản xuất ở nước này vẫn khá nhỏ so với trung tâm sản xuất ma túy phát triển mạnh ở bang Shan của Mayanmar. Đây là một trong ba nước thuộc khu vực Tam Giác Vàng cùng với Thái Lan và Lào.

Ông Inshik Sim, Điều phối viên khu vực chương trình toàn cầu SMART của UNODC nhấn mạnh, việc giảm giá ma túy tổng hợp ở Đông Nam Á là một vấn đề nghiêm trọng cho thấy, các chiến lược cắt giảm nguồn cung đã không hiệu quả như dự kiến.

Báo cáo khẳng định, thị trường ma túy đá tiếp tục mở rộng không phải là điểm đáng lo ngại duy nhất. Các thách thức khác bao gồm sự gia tăng trong sản xuất và mua bán bất hợp pháp ketamin và tỉ lệ chất kích thần MDMA (methylenedioxymethamphetamine) trong một vài loại thuốc lắc có thể dẫn đến việc sử dụng quá liều đi kèm với hậu quả tang thương.

Sự nổi lên của các chất hướng thần mới có khả năng gây nguy hại, bao gồm các chất cần sa tổng hợp và nhóm chất an thần gây nghiện dạng benzodiazepines đã được biến đổi, cũng làm phức tạp thêm tình hình.

UNODC hiện đang phối hợp chặt chẽ với các quốc gia trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á thông qua Chương trình toàn cầu SMART và Cơ chế thỏa thuận hợp tác kiểm soát ma túy khu vực tiểu vùng sông Mekong (MOU), với mục tiêu giám sát tình hình ma túy; đề ra các khuyến nghị về hợp tác, phát hiện, kiểm soát tiền chất ma túy; các chiến lược y tế công cộng, và quan trọng hơn là hỗ trợ các quốc gia trong phối hợp tác chiến, kiểm soát biên giới.