Bất chấp giá xăng dầu giảm, giá hàng hóa vẫn ở đỉnh
Nhiều ý kiến đồng tình cho rằng việc điều chỉnh giảm giá hàng hoá sau khi giá xăng dầu giảm sâu cần độ trễ nhất định. Tuy nhiên, độ trễ này không thể kéo dài nhiều tháng trời, tránh để xảy ra tình trạng tăng giá bất hợp lý và nghịch lý "nước xuống nhưng thuyền vẫn lên" tiếp diễn...
Lý giải về hiện tượng giá hàng hoá giảm "nhỏ giọt", đứng im, thậm chí có mặt hàng nhích tăng dù giá xăng dầu hạ nhiệt sâu tại tọa đàm: “Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm – Thực trạng và giải pháp” được tổ chức chiều ngày 4/8, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Đinh Thị Nương, thừa nhận một số mặt hàng chịu ảnh hưởng tác động của giá xăng dầu, khi điều chỉnh giảm giá cần thời gian, độ trễ nhất định.
KHÔNG ĐỂ "ĐỘ TRỄ" KÉO DÀI
Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhất là các đơn vị có mặt hàng chịu ảnh tác động trực tiếp từ giá xăng dầu, phải rà soát lại các yếu tố, chi phí hình thành giá.
Từ đó, "mới xác định giá bán giảm bao nhiêu theo giá xăng dầu giảm thời gian vừa qua", bà Nương cho hay.
Cùng chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, cũng cho rằng giá cả trên thị trường có độ trễ và chu trình vận hành riêng. Tuy nhiên, ông Lực thẳng thắn bày tỏ hàng loạt nguyên nhân khác.
“Rõ ràng, "nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống". Tôi đồng ý có độ trễ nhưng không thể độ trễ hàng tháng trời mà chỉ sau một vài tuần, ta phải điều chỉnh ngay”.
Thứ nhất, thông thường tâm lý doanh nghiệp lo sợ, suy tính nếu giảm ngay giá mặt hàng khác có liên quan thì sau này tăng lên lại cực kỳ khó, người dân lại phản đối mạnh mẽ, không đồng tình. Đây là một sự thận trọng nhưng không đủ thuyết phục.
Thứ hai, sự vào cuộc của cơ quan chức năng cần phải sát sao tình hình thực tế hơn nữa.
Thứ ba, một điều rất quan trọng là ý kiến phản ánh của người dân.
Người dân có quyền phản ánh nếu giá xăng dầu giảm mà giá vận tải hay giá một số mặt hàng vẫn "án ngữ" như cũ.
"Tôi cũng mong các cơ quan chức năng phải có các biện pháp xử lý kịp thời, nếu không thì người dân cảm thấy nản lòng, kiến nghị nhiều mà không được xử lý", ông Lực lưu ý.
THUẾ XĂNG DẦU SẼ TIẾP TỤC GIẢM, GIẢM GIÁ HÀNG HOÁ CẦN KỊP THỜI
Trước việc giá hàng hóa chưa giảm mạnh theo xăng gây bào mòn thu nhập của người tiêu dùng, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành cùng rà soát, kiểm soát giá hàng hoá, dịch vụ khi giá xăng dầu giảm trong các kỳ điều hành vừa qua, không để xảy ra găm hàng, đầu cơ và tăng giá bất hợp lý.
Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng và các văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng các văn bản của Văn phòng Chính phủ trong 7 tháng vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Đinh Thị Nương cho hay, một là, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh công tác tổng hợp phân tích dự báo thị trường và cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết và kịp thời cho những tháng còn lại trong năm để tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ các biện pháp điều hành giá và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 4% chính phủ đề ra.
Hai là, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Cùng với đó, “nghiên cứu để có thể bổ sung chính sách hỗ trợ một số đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như ngư dân đánh bắt thủy hải sản, giao thông vận tải, người nghèo, người có thu nhập thấp”, bà Nương nhấn mạnh.
Đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chịu ảnh hưởng gián tiếp từ xăng dầu và có tác động đến chỉ số CPI cũng như ảnh hưởng đến đời sống của người dân và các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả thị trường và tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh của các tổ chức sản xuất kinh doanh để có biện pháp điều hành giá và bình ổn giá phù hợp.
Cụ thể, đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính đã và đang trình Chính phủ phương án điều chỉnh hàng loạt sắc thuế như thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu và thuế nhập khẩu đối với xăng động cơ không pha chì, nhằm giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu.
"Bộ Tài chính tăng cường việc tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu. Trường hợp có thể giảm giá, yêu cầu các đơn vị thực hiện kê khai giá kịp thời để giảm giá".
Đối với những hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá, sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành theo dõi và cập nhật kịch bản điều hành giá và đánh giá tác động đến mặt bằng giá và mục tiêu kiểm soát lạm phát, để có phương án điều hành cụ thể và báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Còn đối với các mặt hàng như giá dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, dạy nghề, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, thực hiện lộ trình giá thị trường theo Nghị định 60 của Chính phủ.
Đối với giá sách giáo khoa phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ tiếp tục kê khai và rà soát kê khai giá đối với mặt hàng sách giáo khoa.
“Trường hợp các khoản chi phí như chi phí phát hành và một số chi phí quản lý doanh nghiệp tăng, chúng tôi sẽ yêu cầu các doanh nghiệp tiết giảm chi phí, hạ giá thành sách giáo khoa. Từ đó, giảm giá sách giáo khoa để chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, đảm bảo về an sinh xã hội”, bà Nương khẳng định.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông và công khai minh bạch về giá để cho người tiêu dùng hiểu, theo dõi, giám sát và hạn chế những thông tin gây thất thiệt, hoang mang cho người tiêu dùng và gây bất ổn cho thị trường.
Bộ Tài chính cũng sẽ đôn đốc thực hiện đối với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với Công điện 679/CĐ-TTg đối với quản lý giá của các bộ, ngành địa phương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh để báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá và Thủ tướng Chính phủ để có kịch bản và biện pháp điều hành giá phù hợp.