16:05 18/01/2024

Bắt giữ và xử lý 146.678 vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Châu Anh

Năm 2023, chỉ riêng lực lượng quản lý thị trường đã bắt giữ và xử lý 146.678 vụ vi phạm liên quan tới hàng lậu, hàng giả, tăng 4,95% so với năm 2022; thu nộp ngân sách nhà nước gần 14.900 tỷ đồng...

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong năm 2023 diễn ra phức tạp
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong năm 2023 diễn ra phức tạp

Ngày 17/1/2024, Ban chỉ đạo 138/CP và Ban chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban chỉ đạo 138/CP và Ban chỉ đạo 389 Quốc gia chủ trì hội nghị. Theo thông tin tại hội nghị, năm 2023 đã phát hiện, xử lý hơn 146.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

Về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 146.678 vụ vi phạm, tăng 4,95% so với năm 2022; thu nộp ngân sách nhà nước gần 14.900 tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm 2022; khởi tố hình sự 616 vụ với 724 đối tượng, giảm 4,05% về số vụ và tăng 0,56% về số đối tượng.

Về thủ đoạn thực hiện, trên tuyến biên giới, cửa khẩu, cảng biển, đối tượng lợi dụng tạm nhập tái xuất, hàng hóa nhập xuất kho ngoại quan, hàng quá cảnh, nhập khẩu nguyên liệu gia công, xuất khẩu… để đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu hàng vào nội địa.

Tại các địa bàn nội địa, đối tượng lợi dụng thành lập nhiều doanh nghiệp, lợi dụng mua bán trái phép, xuất khống hóa đơn nhằm chuyển tiền bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng.

Các đối tượng cũng triệt để lợi dụng sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội, ứng dụng bán hàng trực tuyến, dịch vụ bưu chính quốc tế, dịch vụ chuyển phát nhanh để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

Đối với ma túy, tiền chất ma túy, đối tượng lợi dụng một số cơ sở sản xuất hàng hóa thông thường để ngụy trang, cất giấu, tập kết số lượng lớn ma túy lên các phương tiện khai thác thủy sản trung chuyển ra nước ngoài tiêu thụ.

Đối với pháo nổ, pháo hoa nổ, đối tượng thay đổi quy luật hoạt động, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ ngay từ đầu năm; lợi dụng đêm tối, địa hình biên giới tập kết số lượng lớn pháo nổ lên phương tiện ô tô, mô tô vận chuyển trái phép về địa bàn nội địa; sản xuất trái phép pháo nổ, pháo hoa nổ giả nhãn hiệu nước ngoài và trong nước để đưa ra thị trường tiêu thụ.

Đối với xăng, dầu, đối tượng mua bán, sang mạn trái phép xăng, dầu trên phương tiện khai thác thủy sản vận chuyển về vùng biển Việt Nam bán lại cho phương tiện khai thác thủy sản.

Đối với khoáng sản, đối tượng lợi dụng nơi địa hình phức tạp, vùng sâu, vùng xa, khai thác trái phép cát, đá, sỏi, đất sét, quặng, đất hiếm…; hợp thức hồ sơ, làm thủ tục hải quan để buôn lậu đất hiếm được khai thác trái phép ra nước ngoài; mua thu gom số lượng lớn than, quặng, khoáng sản trôi nổi để hợp thức hồ sơ vận chuyển đi tiêu thụ; lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản để tổ chức khai thác cát, đá, sỏi, đất sét, đất hiếm... ngoài khai trường được phép.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 và Ban Chỉ đạo 389, ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2023, với nhiều chuyên án lớn được triệt phá, trong bối cảnh đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, mạnh dạn đề xuất cơ chế, chính sách nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đặn cho công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải tập trung xây dựng cơ chế phối hợp tốt hơn nữa giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương, tránh tình trạng quyền anh, quyền tôi; đẩy mạnh công tác phòng ngừa kết hợp với tuyên truyền để ngăn chặn tình trạng nhiều người bị lợi dụng, lôi kéo tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật mà không hay biết; phải có cơ chế thu thập thông tin kịp thời, hiệu quả hơn trong đánh án.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực cao nhất để gỡ thẻ vàng của EC sau đợt thanh tra vào tháng 5 tới, bởi nếu không gỡ được thẻ vàng thì ngành thuỷ sản, một ngành mũi nhọn đem về hàng tỷ USD mỗi năm, sẽ bị đình trệ do khó xuất khẩu vào châu Âu, thậm chí bị cấm xuất khẩu vào châu Âu và nhiều khả năng một số nước khác nếu bị nâng lên thẻ đỏ, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người.