12:21 12/04/2021

Bất ổn chính trị có thể khiến kinh tế Myanmar giảm 20%

An Huy

Bất ổn chính trị ở Myanmar có thể khiến nền kinh tế vốn nhiều triển vọng của nước này sụt giảm 10-20% trong năm nay

Biểu tình trên đường phố Myanmar - Ảnh: Getty/Bloomberg.
Biểu tình trên đường phố Myanmar - Ảnh: Getty/Bloomberg.

Bất ổn chính trị ở Myanmar sau cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2 có thể khiến nền kinh tế vốn nhiều triển vọng của nước này sụt giảm 10-20% trong năm nay.

Theo tin từ Bloomberg, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và quân đội Myamar từ khi xảy ra đảo chính đã làm ít nhất 614 dân thường thiệt mạng, khiến nhà đầu tư nước ngoài bỏ chạy và phương Tây áp lệnh trừng phạt mới lên Myanmar. Một phong trào phản đối chính quyền quân sự đang nổi lên ở Myanmar, có tên Civil Disobedience Movement, đặt mục tiêu gây tê liệt các hoạt động kinh tế, cắt đứt các nguồn lực tài chính đối với quân đội.

Tham gia phong trào này, nhiều tài xế xe tải đình công, khiến các tuyến vận tải hàng hóa phải hoạt động cầm chừng. Hạn chế rút tiền tại ngân hàng khiến doanh nghiệp không thể trả lương nhân viên. Quân đội hạn chế truy cập Internet, khiến thông tin liên lạc tắc nghẽn. Hàng nghìn công chức tham gia đình công, khiến nhiều dịch vụ công ngưng trệ.

Tất cả những điều này dẫn tới xói mòn nhanh chóng những thành quả kinh tế mà Myanmar đã gặt hái được khi nhà đầu tư nước ngoài đổ xô tới nước này từ một thập kỷ trước - thời điểm quốc gia Đông Nam Á này bắt đầu dịch chuyển theo hướng thiết lập nền dân chủ. Trong 10 năm qua, kinh tế Myanmar tăng trưởng bình quân hơn 6% mỗi năm, nhờ đó tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này đã tăng gấp đôi.

Giờ đây, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Myanmar giảm 10% trong 2021, mức giảm tệ nhất ở châu Á trong bối cảnh các quốc gia phục hồi sau cú sốc đại dịch Covid-19.

"Chúng tôi vô cùng quan ngại", chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của WB, ông Aaditya Mattoo, phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn. "Cú giảm 10% đối với một nước nghèo thực sự là thảm họa, theo quan điểm của tôi. Đó là chưa kể những tổn thất khác, bao gồm ảnh hưởng tăng trưởng dài hạn. Tôi cho rằng kịch bản đối với Myanmar là rất u ám".

Một số tổ chức dự báo khác còn đưa ra nhận định bi quan hơn. Fitch Solutions dự báo kinh tế Myanmar giảm 20% trong tài khóa 2020-2021. Một báo cáo Fitch đưa ra mới đây cho rằng tất cả các khu vực của nền kinh tế Myanmar sẽ suy sụp.

"Không có một kịch bản tồi tệ nhất nào về kinh tế Myanmar mà chúng tôi có thể loại trừ", báo cáo viết.

Ở thời điểm hiện tại, chưa có dấu hiệu nào về một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Yangon. Các siêu thị, cửa hàng tiện ích và tiệm tạp hóa vẫn có nhiều hàng hóa và giá cả tương đối ổn định. Nhưng những dấu hiệu đáng lo ngại đã bắt đầu xuất hiện, như người dân xếp hàng dài bên ngoài các ngân hàng và cây ATM. Nhu cầu mua vàng và USD cũng đang tăng lên.

"Không ai có thể đoán trước sẽ mất bao lâu thì mọi chuyện trở lại bình thường", ông Maung Maung Lay, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Myanmar, phát biểu. "Thực lòng mà nói, tương lai nền kinh tế giờ đây vô cùng bấp bênh".

Chính quyền quân đội Myanmar giờ đây không có nhiều nơi có thể dựa vào để vực dậy tăng trưởng. Tháng trước, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của nước này giảm xuống mức thấp kỷ lục 27,5 điểm, theo dữ liệu của IHS Markit. Chỉ số này của Myanmar bình quân ở mức 48,9 điểm từ tháng 12/2015 đến nay, và mức thể hiện sử đi ngang là 50 điểm.

"Nền kinh tế Myanmar sẽ suy sụp, gây khó khăn cho cuộc sống của hàng triệu người. Cho dù điều gì có xảy ra tiếp theo, thì kinh tế Myanmar cũng khó hồi phục trong nhiều năm tới đây", ông Thant Myint U, tác giả một cuốn sách đã xuất bản về Myanmar, nhận định.