06:31 10/04/2021

Trung Quốc sẽ là động lực hàng đầu cho kinh tế thế giới phục hồi sau đại dịch?

Diên Vỹ

Những dữ liệu kinh tế Trung Quốc được cập nhật mới nhất đang vẽ nên một bức tranh toàn cảnh sáng sủa

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Cách đây ít hôm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2021, đồng thời nhận định tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của quốc gia Đông Á này sẽ là động lực hàng đầu cho sự khởi sắc của kinh tế toàn cầu hậu đại dịch.

Dựa trên báo cáo do IMF công bố, một tính toán của Bloomberg cho thấy Trung Quốc có thể đóng góp tới 1/5 tổng mức tăng GDP toàn cầu từ nay đến năm 2026. Cụ thể, GDP toàn cầu dự kiến sẽ tăng 28 nghìn tỷ USD lên mức 122 nghìn tỷ USD trong giai đoạn 5 năm 2021-2026. Trong đó, Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ là 3 quốc gia đóng góp lớn nhất vào mức tăng.

Những dữ liệu kinh tế Trung Quốc được cập nhật mới nhất đang vẽ nên một bức tranh toàn cảnh sáng sủa về thực trạng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ở thời điểm lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng đại dịch toàn cầu ngày càng rõ ràng.

Tăng trưởng kinh tế

Năm ngoái, Trung Quốc báo cáo tốc độ tăng trưởng kinh tế 2,3%, theo đó trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên toàn cầu ghi nhận tăng trưởng dương trong năm 2020, trong bối cảnh Covid-19 nhấn chìm thế giới vào suy thoái.

Trong giai đoạn 1989-2019, Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng bình quân hàng quý 9,4%, một con số đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, dưới áp lực từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng như một số vấn đề trong cơ cấu nội tại của nền kinh tế, con số này đã chậm lại trong vài năm qua. Mức tăng trưởng 6,1% được ghi nhận vào năm 2019 - trước thời điểm đại dịch bùng phát - là mức tăng trưởng chậm nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kể từ năm 1990.

Ở một kịch bản lạc quan, IMF dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc có thể đạt 8,4% trong năm nay.

Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế "trên 6%" cho năm 2021, một con số thận trọng nhằm tạo dư địa chính sách để xử lý các rủi ro tồn đọng trong nền kinh tế.

Đà phục hồi nhanh chóng hậu đại dịch là tiền đề cho phép các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh tập trung vào việc kiểm soát những nguy cơ tiềm ẩn như bong bóng bất động sản hay nợ chính phủ phình to.

Kim ngạch thương mại

Nhập khẩu của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2021 tăng vọt 22,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nỗ lực chuyển dịch động lực tăng trưởng từ xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa, kim ngạch nhập khẩu đang trở thành một thước đo sức khỏe nền kinh tế được theo dõi chặt chẽ.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm cũng tăng vọt 60,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tựu chung, cán cân thương mại Trung Quốc trong cùng kỳ ghi nhận thặng dư 103,25 tỷ USD.

Nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu của Trung Quốc đã trở thành tâm điểm chú ý của thế giới trong nhiều thập kỷ. Năm 2001, thời điểm gia nhập WTO, Trung Quốc chỉ đóng góp 4% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu. Đến năm 2017, thời điểm trước cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung, con số này đã lên đến 13% và đang tiếp tục có xu hướng tăng mạnh khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn phục hồi nhanh nhất hậu đại dịch.

Doanh số bán lẻ

Doanh số bán lẻ - một thước đo chi tiêu tiêu dùng quan trọng - đã tăng 33,8% trong 2 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây cũng là một chỉ số được theo dõi chặt chẽ trong bối cảnh Bắc Kinh đẩy mạnh việc biến tiêu dùng nội địa thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế.

Sản lượng công nghiệp

Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 35,1% trong hai tháng đầu năm 2021, nhảy vọt so với mức tăng 7,3% hồi tháng 12 năm ngoái.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - đo lường sự thay đổi giá mà người tiêu dùng phải trả cho một giỏ hàng hóa và dịch vụ - tại Trung Quốc tháng 2/2021 đã giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

CPI là một thước đo quan trọng về xu hướng mua hàng và lạm phát trong nền kinh tế. Bắc Kinh đặt mục tiêu CPI dao động quanh mức 3% trong năm nay.

Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI)

Chỉ số giá nhà sản xuất PPI của Trung Quốc đã tăng từ mức 0,3% trong tháng 1 lên 1,7% trong tháng 2/2021. Đây được xem là chỉ báo ban đầu về những thay đổi tiềm năng trong giá tiêu dùng, vì nó cung cấp cơ sở đầu tiên về giá hàng hóa trước khi lên kệ.

Chỉ số PMI ngành sản xuất

Vào tháng 3/2021, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) khu vực sản xuất chính thức của Trung Quốc đạt 51,9; tăng từ mức 50,6 hồi tháng 2; phản ánh sự tăng trưởng trong hoạt động sản xuất của nền kinh tế.

Chỉ số PMI khu vực sản xuất chính thức thể hiện rõ nét hơn hoạt động của các đại doanh nghiệp, phần lớn trong đó là doanh nghiệp sở hữu nhà nước. Con số này khác với chỉ số PMI do Caixin/Markit thực hiện, vốn tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp tư nhân. PMI sản xuất Caixin/ Markit đã giảm từ mức 50,9 hồi tháng 2 xuống 50,6 trong tháng 3/2021.

Chỉ số PMI khu vực phi sản xuất

Chỉ số PMI phi sản xuất chính thức của Trung Quốc, đo lường tăng trưởng trong khu vực dịch vụ và xây dựng, đã nhảy vọt từ mức 51,4 trong tháng 2 lên 56,3 vào tháng 3/2021.

Trong khi đó, chỉ số PMI phi sản xuất do Caixin/ Markit thực hiện cũng ghi nhận mức tăng từ 51,5 trong tháng 2 lên 54,3 trong tháng 3.

Tỷ lệ thất nghiệp

Tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát tại Trung Quốc hiện duy trì ở mức 5,5% tính đến tháng 2/2021. Dù vậy, con số này phản ánh không đầy đủ tỷ lệ thất nghiệp chung trong nền kinh tế khi không tính đến hàng chục triệu lao động nhập cư.

Bắc Kinh đặt mục tiêu tạo ra hơn 11 triệu việc làm mới trong nền kinh tế thành thị vào năm 2021, tăng từ mức mục tiêu 9 triệu việc làm năm 2020.

Khoản vay mới

Theo thống kê, hệ thống ngân hàng Trung Quốc ghi nhận thêm 1,36 nghìn tỷ Nhân dân tệ khoản vay nội tệ mới vào tháng 2, giảm từ mức kỷ lục 3,58 nghìn tỷ Nhân dân tệ hồi tháng 1.

Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang bắt đầu nghiêm túc trong vấn đề xử lý gánh nặng nợ quốc gia, vốn đã tăng vọt lên mức 285% GDP vào cuối quý 3/2020.

Cung tiền và lãi suất

Cung tiền M2 hiện duy trì mức tăng 10%, phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa. Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm ở mức 3,2% trong khi lãi suất nghiệp vụ repo ngược kỳ hạn 7 ngày ở mức 2,2%.

Dự trữ ngoại hối

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm từ mức 3,205 nghìn tỷ USD trong tháng 2 xuống 3,17 nghìn tỷ USD vào tháng 3.

Bất chấp những chỉ báo kinh tế sáng sủa, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) dự kiến sẽ tiếp tục duy trì lập trường chính sách tiền tệ ổn định, bền vững và nhất quán hiện tại.

Lặp lại quan điểm này, trong một cuộc họp báo mới đây, Thống đốc PBoC Yi Gang khẳng định Trung Quốc còn nhiều dư địa hỗ trợ kinh tế - bao gồm bơm thanh khoản và điều chỉnh lãi suất. Ông cũng cho rằng chính sách tiền tệ trong giai đoạn tới cần đạt được sự cân bằng giữa thúc đẩy tăng trưởng và phòng ngừa rủi ro trong nền kinh tế.

Đồng tình với Thống đốc Yi Gang, chuyên gia kinh tế trưởng Shen Jianguang tại JD Digits nhận định: "Khi nền tảng phục hồi kinh tế trong nước chưa vững chắc, chính sách tiền tệ không nên bị thắt chặt trong ngắn hạn".