15:40 05/08/2013

Bê bối sữa độc tại New Zealand bắt đầu lan rộng

An Huy

Trung Quốc quyết định ngừng nhập khẩu đối với một số sản phẩm của hãng sữa lớn thứ tư thế giới

Các sản phẩm sữa chiếm khoảng 1/4 kim ngạch xuất khẩu của New 
Zealand và Fonterra chính là nhà xuất khẩu sữa lớn nhất của nước này. 
Bởi vậy, một lệnh cấm kéo dài sẽ gây thiệt hại lớn cho đất nước vốn từ 
lâu nổi tiếng cung cấp những loại thực phẩm an toàn.
Các sản phẩm sữa chiếm khoảng 1/4 kim ngạch xuất khẩu của New Zealand và Fonterra chính là nhà xuất khẩu sữa lớn nhất của nước này. Bởi vậy, một lệnh cấm kéo dài sẽ gây thiệt hại lớn cho đất nước vốn từ lâu nổi tiếng cung cấp những loại thực phẩm an toàn.
Nhà chức trách Trung Quốc vừa ra quyết định ngừng nhập khẩu đối với một số sản phẩm của hãng sữa lớn thứ tư thế giới Fonterra bị nghi nhiễm vi khuẩn có hại. Sự việc này như một đòn giáng mạnh vào nhà xuất khẩu sữa lớn nhất của New Zealand, ngay giữa lúc hãng này bị Bắc Kinh điều tra trong nghi án “làm giá” sữa.

Tờ Wall Street Journal cho biết, Giám đốc điều hành (CEO) Theo Spierings của Fonterra đã tới Trung Quốc ngay lập tức sau khi quyết định của nhà chức trách Trung Quốc được công bố vào sáng nay. Mục đích chuyến đi này của ông Spierings là đưa ra “lời xin lỗi sâu sắc” cho vấn đề an toàn thực phẩm trong các sản phẩm sữa của hãng.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng New Zealand John Key cam kết sẽ tiến hành một cuộc điều tra đối với Fonterra.

“Rõ ràng vụ việc đã gây thiệt hại cho New Zealand và Fonterra. Sẽ có một vài cuộc điều tra được tổ chức, mà trước tiên là nhằm vào Fonterra”, Thủ tướng Key phát biểu sáng nay. Ông Key đã đặt câu hỏi xung quanh việc Fonterra đã giữ kín sự việc bao lâu trước khi công bố trước dư luận.

Cuối tuần vừa rồi, dư luận quốc tế xôn xao khi Fonterra thừa nhận một “vấn đề chất lượng” liên quan tới 3 lô sữa bột whey protein cô đặc sản xuất tại một nhà máy của hãng ở New Zealand vào tháng 5/2012. Fonterra cho biết đã cảnh báo 8 khách hàng về việc sản phẩm sữa bột whey protein cô đặc do hãng cung cấp có thể chứa một loại vi khuẩn nguy hiểm. Theo số liệu mà Fonterra đưa ra, có khoảng hơn 38 tấn sản phẩm loại này nằm trong diện cảnh báo.

Thông tin từ Fonterra cho thấy, vào tháng 3, hãng này đã nhận thấy có vấn đề đối với sản phẩm sữa bột whey protein cô đặc. Các cuộc thử nghiệm mở rộng sau đó đã phát hiện vi khuẩn Clostridium, một loại vi khuẩn có trong đất và có khả năng gây ngộ độc, trong sản phẩm này. Nhiễm khuẩn có thể xảy ra khi đường ống trong nhà máy sản xuất của Fonterra bị nhiễm bẩn. Sự việc được Fonterra báo cáo lên Chính phủ New Zealand vào thứ Sáu tuần trước.

Đến sáng nay, Trung Quốc ra quyết định ngừng nhập khẩu một số sản phẩm của Fonterra. Theo CEO Spierings, Trung Quốc mới chỉ cấm nhập các sản phẩm sữa bột whey protein cô đặc và sữa công thức cơ bản dùng để sản xuất sữa công thức cho trẻ em. Ngoài ra, theo tin từ Fonterra, Trung Quốc đã tăng cường hoạt động thanh kiểm tra tại cửa khẩu đối với các sản phẩm sữa từ New Zealand và có thể áp dụng thêm các biện pháp kiểm tra khác.

Các sản phẩm sữa chiếm khoảng 1/4 kim ngạch xuất khẩu của New Zealand và Fonterra chính là nhà xuất khẩu sữa lớn nhất của nước này. Bởi vậy, một lệnh cấm kéo dài sẽ gây thiệt hại lớn cho đất nước vốn từ lâu nổi tiếng cung cấp những loại thực phẩm an toàn.

Vụ bê bối sữa của Fonterra đã kéo giá đồng Đô la New Zealand giảm 2,4% so với đồng USD trong phiên giao dịch hôm nay. Giá cổ phiếu Fonterra có thời điểm giảm 8,7%. Trái lại, giá cổ phiếu của các hãng sữa Trung Quốc cạnh tranh với Fonterra tăng mạnh, cho dù nhiều hãng trong số này đều mua sữa nguyên liệu từ Fonterra để sản xuất sữa thành phẩm.

Vụ việc này được xem là thách thức mới nhất mà Fonterra phải đối mặt. Mới tháng trước, hãng này cho biết bị nhà chức trách Trung Quốc điều tra trong cuộc tổng rà soát các hãng sữa ngoại tại nước này để làm sáng tỏ vấn đề liệu các hãng sữa ngoại có cố tình “chặt chém” người tiêu dùng Trung Quốc. Ngoài ra, mới đây, Fonterra cũng lên tiếng cảnh báo về lợi nhuận suy giảm do doanh số ở Australia đi xuống.

Trong số 8 khách hàng được cảnh báo vào cuối tuần vừa rồi về nguy cơ bị nhiễm độc của protein cô đặc, Fonterra cho biết có 3 công ty thực phẩm, 2 công ty đồ uống và 3 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi.  Tờ New York Times dẫn  thông tin từ Bộ Công nghiệp New Zealand cho hay, ngoài New Zealand sẽ có 6 nước khác bị ảnh hưởng trong vụ bê bối này là Trung Quốc, Australia, Thái Lan, Malaysia, Saudi Arabia và Việt Nam.

Ngay sau khi thông tin về vụ việc được phát đi, ngày 4/8, công ty sữa Abbott Nutrition Việt Nam đã đề nghị khách hàng đổi hoặc hoàn trả sữa Similac GainPlus EyeQ mới số 3 dành cho trẻ 1-3 tuổi loại hộp 400 g và 900 g, thuộc 10 lô sản xuất ở NewZealand. Abbott Nutrition Việt Nam cho biết, 10 lô sữa thu hồi đều được sản xuất bởi nhà sản xuất Fonterra, đối tác của công ty Abbott tại NewZealand và được nhập khẩu vào Việt Nam từ tháng 7 đến nay.

Cũng theo Abbott Việt Nam, việc làm này hoàn toàn là sự thận trọng của doanh nghiệp, và các sản phẩm khác của Abbott không bị ảnh hưởng.

Trung Quốc hiện là thị trường chủ chốt của Fonterra. Người tiêu dùng ở nước này hiện rất nhạy cảm đối với các sản phẩm sữa công thức cho trẻ em kể từ sau vụ sữa nhiễm melamine khiến ít nhất 6 em bé thiệt mạng và 300.000 em khác phải nhập viện.

Hiện các quốc gia trong diện chịu ảnh hưởng của vụ bê bối trên đều đã tiến hành thu hồi những lô sản phẩm sữa bị nghi nhiễm độc. Nhà chức trách Nga thậm chí còn tuyên bố sẽ cấm nhập các sản phẩm sữa của Fonterra và đã bắt đầu thu hồi các sản phẩm sữa của hãng này, đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng Nga không mua các sản phẩm khác của Fonterra.