Tự tạo áp lực thái quá
Qua khảo sát những người lần đầu làm mẹ cho thấy đa số họ thường phản ứng thái quá với các việc mà bé làm. Bạn đừng nghĩ rằng bé không thể cảm nhận được sự lo lắng đó nhé. Trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” cho những chuyện nhỏ nhặt, nhiều câu hỏi luôn được đặt ra: Bé có đi tiêu quá nhiều hay quá ít? Bé có ọc sữa nhiều quá không? Bé có thể ăn dặm được chưa hay còn quá bé? Bé khóc vậy là ít hay nhiều?... Lẽ ra bạn có thể thoải mái hưởng thụ cuộc sống trong năm đầu đời thú vị của bé, thay vì để những lo lắng này gây cản trở điều đó.
Không dỗ khi bé khóc
Các bậc phụ huynh thường nghĩ rằng nhiệm vụ của họ là để bé không khóc nữa. Đây thật ra là do chúng ta kết nối việc bé khóc với tình hình thực tế là có điều gì đó không đúng và ta phải sửa chữa. Thế nhưng, bạn nên biết khóc như một sự mặc định của các bé. Những thiên thần nhỏ này có thể chẳng có vấn đề gì với tã lót, được bú đầy đủ, nhưng vẫn cứ khóc. Nhưng nếu bé không nguôi khóc trong vòng một giờ và xuất hiện triệu chứng sốt, phát ban hoặc nôn mửa kéo dài, hãy đưa bé đi khám bác sĩ ngay càng sớm càng tốt.
Đánh thức bé dậy để cho bú
Trẻ còn bú sữa có thể và nên được cho ngủ suốt đêm. Nhưng có quan điểm sai lầm cho rằng sữa mẹ không đủ “ấm bụng” để trẻ sơ sinh có thể ngủ suốt đêm dài. Thực tế, bạn nên biết ngủ suốt đêm mang lại ích lợi cho mẹ lẫn bé nhóm tuổi còn đang bú sữa nha.
Không phân biệt được ọc sữa và nôn trớ
Sự khác biệt giữa ọc sữa và nôn trớ là tần suất xuất hiện chứ không phải tính chất. Ọc sữa có thể bắn ra phòng, trong khi nôn trớ lại thiên về tần suất. Nếu bé nôn trớ cùng virus đường ruột, thì nó thường diễn ra mỗi 30 hoặc 45 phút bất kể giờ bé bú như thế nào.
Không chú ý đến những cơn sốt của trẻ
Bất kỳ cơn sốt nào trên 38 độ C trong 3 tháng đầu đời của bé đều được xem là tình trạng khẩn cấp. Chỉ một ngoại lệ là cơn sốt trong 24 tiếng sau đợt tạo miễn dịch đầu tiên của trẻ sơ sinh. Một số bậc phụ huynh có thể chỉ nghĩ đơn giản bé sốt nhẹ và cho con uống thuốc hạ sốt. Nhưng đó chính là sai lầm của bậc cha mẹ đối với bé trong nhóm tuổi này. Hệ miễn dịch của bé lúc này chưa có khả năng tự vận hành chống viêm nhiễm nên cần phải tìm cách hạ sốt và đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa ngay trong trường hợp bé bị sốt cao.
Việc cho bé ngồi ghế riêng
Công việc gắn ghế cho bé trên xe máy hoặc xe hơi đòi hỏi sự tỉ mỉ chi tiết. Nếu đã chọn được ghế phù hợp, bạn cần sự tư vấn của chuyên gia để bảo đảm ghế cho bé được gắn đúng kỹ thuật. Hoặc bạn có thể nhờ ai có khả năng gắn giúp. Nên nhớ khi di chuyển, sinh mạng của bé nhà bạn đặt hết vào đó đấy nhé.
Không chú ý chăm sóc răng miệng cho bé
Nhiều người lần đầu làm mẹ đã không chú ý đến vấn đề sức khỏe răng miệng của bé mà để đến khi quá muộn mới có ý thức về đánh răng và vệ sinh. Thiên thần nhỏ không bao giờ là quá nhỏ để bạn bắt đầu tập cho bé thói quen vệ sinh răng miệng tốt. Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn biết phải làm gì:
Nếu bé đã nhú răng sữa, đừng cho bé bú khi đi ngủ. Vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ hội chứng sâu răng do bú bình hay còn gọi là sâu răng trẻ thơ.
Sử dụng gạc ướt để làm sạch nướu (chưa có răng) cho bé. Khi bé được 1 tuổi bạn cần tập cho bé sử dụng bàn chải đánh răng.
Bảo đảm con bạn nhận đủ fluoride cũng là một điều quan trọng. Fluoride tự nhiên có trong nước và giúp bảo vệ ngừa sâu răng. Nếu cần thiết bạn cũng có thể hỏi thêm bác sĩ về cách bổ sung fluoride cho bé.
Mẹ dành toàn bộ thời gian cho con
Giữ mối gắn kết trong hôn nhân sau khi bạn sinh con đầu lòng là điều rất quan trọng nhưng rất dễ bị bỏ qua. Bất kỳ lỗi nhỏ nào trong mối quan hệ cũng sẽ bị phóng đại lên khi bạn có con. Mặc dù phải bận rộn rất nhiều để chăm sóc thiên thần nhỏ, bạn cũng cần duy trì cân bằng mối quan hệ hôn nhân của mình. Để tránh sai lầm thường gặp này, cách tốt nhất là bạn bảo đảm mình sẽ không trở nên sống tách biệt mỗi khi thiếu bé yêu bên cạnh.
Xung đột trước mặt bé
Bạn nên biết ngay cả một đứa bé 3 tháng tuổi cũng có thể cảm nhận được sự vui vẻ hay căng thẳng đang diễn ra xung quanh. Trong trường hợp “đấu đá” này, bạn nên tự vấn bản thân xem vấn đề có đáng sợ, hay có quá thường xuyên không. Hãy xem lại cường độ và mật độ của các cuộc “đối đầu”. Đây thật ra cũng là một phần cuộc sống rất đỗi bình thường khi bạn sống chung với một người khác, khi mà giọt nước tràn ly.
Nghe những lời khuyên thiếu tin cậy
Nhiều bậc cha mẹ sinh con đầu lòng đã chọn nhầm nơi để được tư vấn. Đây là sai lầm thật sơ đẳng. Tốt nhất bạn nên cẩn trọng với nơi bạn tiếp nhận thông tin. Chẳng hạn, thay vì nghe những lời khuyên có vẻ hợp lý từ mọi người xung quanh, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về các vấn đề chăm sóc y tế và miễn dịch.
Sử dụng tã quấn quá kín
Sử dụng tã quấn quá kín sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của da. Vì được bao bọc quá kín nên những chất thải tiết ra từ cơ thể trẻ cùng với mồ hôi sẽ không thoát được ra ngoài. Trong những chất thải đó có chứa rất nhiều CO2, đây là những chất không có lợi cho sự phát triển da của trẻ.
Nếu người lớn không chú ý, da của trẻ sẽ bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Trẻ sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Để con nằm cùng cha mẹ
Rất nhiều gia đình có thói quen để con nằm giữa khi ngủ. Các chuyên gia cho biết rằng điều này là hoàn toàn không tốt cho sức khỏe của trẻ bởi người lớn cần nhiều ôxy hơn so với trẻ nhỏ. Trong quá trình ngủ, nếu để trẻ nằm giữa, trẻ khó thở vì không lấy được oxy. Hơn nữa, lượng CO2 do người lớn thải ra không thoát được sẽ gây ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ. Tình trạng này kéo dài có thể khiến trẻ luôn bất an, ngủ không ngon giấc và quấy khóc nhiều lúc nửa đêm.
Dùng chất tẩy mạnh giặt quần áo cho trẻ
Trong chất tẩy và các loại nước giặt đều chứa nhiều sulfonate alkyl benzen và nhiều chất hóa học khác. Những chất này đều có tác dụng gây ức chế mạnh mẽ. Nếu giặt không sạch rất có thể sẽ khiến da của trẻ bị nhiễm độc và dị ứng. Chính vì vậy, không nên dùng các chất này để giặt quần áo cho trẻ.
Cắt tỉa lông mi cho con
Không ít người chọn cách cắt lông mi của con với hy vọng lông mi có thể mọc dài và cong hơn.
Trên thực tế, “tuổi” của lông mi chỉ khoảng 90 ngày. Việc cắt lông mi chưa chắc đã có thể làm cho lông mi dài hơn vì điều này còn phụ thuộc vào thể chất riêng của mỗi cá nhân. Hơn nữa, các chuyên gia sức khỏe trẻ em cho rằng, cắt lông mi gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ. Lông mi có vai trò ngăn ngừa bụi và các chất khác trực tiếp tác động vào mắt. Chính vì thế, sau khi cắt lông mi, mắt có thể bị nhiễm bụi và mắc nhiều bệnh hơn.
Không mặc quần áo mới chưa qua giặt cho bé
Quần áo trẻ em mới mua phải được giặt sạch rồi mới cho trẻ mặc để bảo vệ trẻ khỏi dị ứng da và tổn thương vì chất vải mới. Đối với những loại quần áo bông, nên mua cỡ lớn hơn vì rất có thể sau khi giặt, quần áo sẽ co lại và nhỏ hơn so với ban đầu.
Không nên đánh vào đầu và lưng trẻ
Đầu và sống lưng là nơi tập trung hệ thống thần kinh trung ương và tủy sống. Nếu trẻ bị đánh vào những bộ phận này sẽ có thể bị ảnh hưởng thần kinh.
Tránh đặt hoa trong phòng ngủ của trẻ
Trẻ có thể bị dị ứng phấn hoa. Ngoài ra, một số loài hoa có chứa độc tố gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe như lá và hoa trúc đào; hoa đinh hương, hoa nhài có mùi quá mạnh sẽ gây dị ứng, xương rồng có gai dễ làm trẻ bị thương…
Không tắm cho trẻ vì sợ nhiễm lạnh
Cơ thể trẻ sơ sinh rất non nớt, yếu ớt, nếu không được vệ sinh thường xuyên sẽ dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt khi trẻ ốm. Điều quan trọng là bố mẹ cần biết cách vệ sinh, ủ ấm đúng cách để trẻ không nhiễm lạnh. Ngoài ra, da của trẻ rất nhạy cảm và mỏng. Dưới da có rất nhiều mạch máu, do vậy bạn không nên tắm cho trẻ quá kỹ bằng xà phòng chứa nhiều kiềm mạnh sẽ khiến da mẩn đỏ và giảm chức năng bảo vệ.
Để trẻ nằm sấp khi ngủ
Trẻ sơ sinh nằm sấp có nguy cơ bị ngạt và đột tử (hội chứng SIDS) rất cao. Tư thế nằm ngủ an toàn cho trẻ là tư thế ngửa hoặc nằm nghiêng. Bên cạnh đó, với tư thế nằm ngửa và nghiêng, mẹ có thể dễ dàng quan sát những biểu hiện trên gương mặt bé để xem bé có biểu hiện gì khó chịu không, chân tay có bị vướng ở đâu để chỉnh sửa không,...
Bật đèn khi con ngủ
Đừng nghĩ rằng những chiếc đèn ngủ nhỏ xinh sẽ giúp bé có giấc ngủ êm ái hơn vào ban đêm. Trẻ sơ sinh chưa có nhận thức rõ ràng về ngày – đêm nên rất cần được thấy sự khác biệt rõ ràng của ánh sáng và bóng tối lúc thức và lúc ngủ. Bật đèn khi trẻ ngủ sẽ làm trẻ khó nhận ra sự khác biệt ấy, vì thế mà không thể hình thành được một nếp ngủ ngoan ngoãn, đều đặn.
Ngoài ra, cơ thể sản xuất chất melatonin giúp dễ ngủ, ngủ ngon nhiều nhất trong bóng tối. Do đó, bật đèn sẽ ngăn cản quá trình cơ thể bé tiết ra melatonin, khiến bé khó ngủ hơn. Vì thế mà các bậc cha mẹ nên hạn chế bật đèn ban đêm để con có giấc ngủ tốt nhất.
Lạm dụng thuốc kháng sinh
Đây là sai lầm khá phổ biến của nhiều ông bố bà mẹ khi chăm sóc trẻ mới sinh. Thực tế, trẻ càng hay được cho uống thuốc kháng sinh khi bị ốm thì càng có xu hướng dễ bị ốm ở những lần tiếp theo. Uống thuốc kháng sinh quá thường xuyên khiến trẻ có nguy cơ “nhờn thuốc”, khả năng miễn dịch tự nhiên của cơ thể bị suy giảm.
Cho mọi người ôm, hôn bé
Rất nhiều trường hợp các bé tử vong hoặc nhiễm bệnh nặng rất thương tâm chỉ vì những cái ôm, hôn của người lớn. Cơ thể trẻ sơ sinh rất non yếu, sức đề kháng kém nên để bé được nhiều người ôm hôn, âu yếm sẽ làm tăng nguy cơ vi khuẩn, vi trùng có hại xâm nhập vào người bé. Cha mẹ nên thẳng thắn góp ý với những người đến thăm trẻ sơ sinh về việc không hôn bé, nếu muốn ôm bé phải đảm bảo đã vệ sinh sạch sẽ và không mắc bệnh truyền nhiễm.
Rung cho bé ngủ với dao động mạnh
Trẻ em dưới 1 tuổi não vẫn đang trong quá trình phát triển, chưa ổn định trong hộp sọ. Cấu trúc đầu lại nặng hơn nhiều so với cơ thể, vô hình khiến dây chằng cổ phải chịu áp lực lớn. Việc cha mẹ thích bế con rung lắc ru ngủ, dỗ nín khóc hay đơn giản vì cảm thấy con thích nên rung càng mạnh tay có thể vô tình gây tổn hại cho não trẻ, thậm chí tử vong do giập não, phù, chảy máu trong não.
Các nghiên cứu cho thấy những tổn thương có thể xảy ra chỉ với 5 giây rung lắc, thậm chí là 3 giây. Tuy nhiên, bằng mắt thường nhìn từ bên ngoài sẽ rất khó có thể phát hiện những tổn thương này, trừ trường hợp nặng.
Nêm mắm, muối vào đồ ăn dặm
Chức năng thận của trẻ dưới 1 tuổi rất non nớt và việc nạp quá nhiều muối có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng ở thận. Ngoài ra, cũng có những bằng chứng cho thấy ăn nhiều muối trong giai đoạn ăn dặm sẽ gây tổn thương não bộ. Nêm muối, mắm khi nấu bột, cháo sẽ tập cho bé thói quen ăn nhiều muối khi trẻ lớn hơn. Hậu quả là bé sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tim mạch trong tương lai.
Trẻ sơ sinh có nhu cầu về muối, tuy nhiên lượng muối này cực ít và hầu hết đã có đủ trong sữa mẹ, sữa công thức và các thực phẩm trẻ ăn hàng ngày. Do đó, mẹ không cần phải cho thêm bất cứ thìa muối giọt mắm nào trong bát cháo ăn dặm của con.
Với những sai lầm khi chăm sóc trẻ nhỏ thường gặp ở lần đầu làm mẹ trên đây, các bà mẹ trẻ hãy chú ý đến bản thân và bé cưng nhiều hơn nữa để việc chăm sóc con trở nên dễ dàng, đúng cách và không gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ khác nhé.
Vũ Linh