Bến xe Miền Đông mới chuẩn bị khai trương
Dự án Bến xe Miền Đông mới lớn nhất cả nước chuẩn bị đưa vào khai thác vào ngày 15/8 sắp tới
Đến thời điểm này, dự án Bến xe Miền Đông mới lớn nhất cả nước đã hoàn thành các hạng mục cơ bản, chuẩn bị đưa vào khai thác vào ngày 15/8 sắp tới. Cùng với đó, Tp.HCM đã đầu tư hơn 437 tỷ đồng để xây dựng hai cầu vượt trước bến xe mới này và dự kiến sẽ khởi công vào tháng 11/2019.
Dự án Bến xe Miền Đông mới chính thức khởi công ngày 26/4/2017, là dự án bến xe hiện đại nhất cả nước, với đầy đủ tiện ích và được kết nối đồng bộ với các tuyến metro của thành phố. Tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, giai đoạn 1 của dự án được đầu tư khoảng 740 tỷ đồng, do Tổng công ty cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn – TNHH MTV (SAMCO) làm chủ đầu tư.
Giải quyết bài toán quá tải bến xe cũ
Đây là một quần thể phức hợp bao gồm khu vực bến xe chính kết hợp nhiều dịch vụ tiện ích với tổng diện tích trên 16 ha, rộng gần gấp ba so với Bến xe Miền Đông hiện hữu, trên xa lộ Hà Nội, thuộc địa phận phường Long Bình, Quận 9, Tp.HCM và huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương; trong đó, phần diện tích thuộc Tp.HCM là 12,3 ha.
Sau hơn 2 năm thi công, đến nay dự án cơ bản đã hoàn tất, chỉ còn lại một số hạng mục nhỏ đang tiếp tục hoàn thiện, như trang trí, trồng cây xanh,... Đây là bến xe được kỳ vọng trở thành bến xe lớn nhất cả nước và là một trong những bến xe hiện đại của khu vực Đông Nam Á.
Theo quy hoạch chi tiết, Bến xe Miền Đông mới gồm bốn khu A, B, C, D. Khu A là đất bến bãi, công trình công cộng và phụ trợ, với công trình cao nhất có 26 tầng, có diện tích 122.480m2 (chiếm 76,37%,); khu B là trạm xe buýt (cao 2 tầng); khu C là kho trung chuyển và giao dịch hàng hóa (cao 5 tầng); và khu D là khu thương mại dịch vụ (cao 15 tầng).
SAMCO cho biết, giai đoạn 1 của dự án sẽ đi vào hoạt động trước ngày 15/8/2019 gồm các hạng mục nhà ga trung tâm, khu vực đậu xe chờ tài, khu vực đón trả khách, hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn khu và trạm xử lý nước thải để từng bước di dời Bến xe Miền Đông hiện hữu. Ngoài chức năng chính là cung cấp dịch vụ vận tải, Bến xe Miền Đông mới còn có chức năng là trung tâm thương mại, khu vui chơi cho trẻ em, khu giải trí, rạp chiếu phim và nhà hàng.
Dự án nhằm phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa từ Sài Gòn - Tp.HCM đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc. Theo kế hoạch, Bến xe Miền Đông mới sẽ phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách đi các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc, đáp ứng nhu cầu mỗi ngày khoảng 21.000 hành khách với 1.200 lượt xe xuất bến, ngày cao điểm lễ/Tết lên đến 52.000 hành khách với hơn 1.800 lượt xe xuất bến.
Đầu tư 437 tỷ đồng xây 2 cầu vượt trước bến xe
Ngày 31/7, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Tp.HCM cho biết, UBND Tp.HCM vừa cấp vốn cho dự án xây cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới, với tổng mức đầu tư hơn 437 tỷ đồng, và dự kiến khởi công vào tháng 11/2019.
Cầu vượt thứ nhất là dự án cầu vượt số 3 (vượt tuyến chính quốc lộ 1) nằm cạnh cầu vượt số 2 hiện hữu của nút giao thông Đại học Quốc gia Tp.HCM nhằm tổ chức cho các dòng xe từ hướng tỉnh Đồng Nai đi vào Bến xe Miền Đông mới. Dự án thứ 2 là xây cầu vượt số 4 (cũng vượt tuyến chính quốc lộ 1) gồm 3 làn xe để tổ chức cho các dòng xe từ Bến xe Miền Đông mới rẽ trái quay đầu về hướng trung tâm Tp.HCM và đi tỉnh Bình Dương.
Song song sẽ xây dựng đường chui trên phần đường song hành bên phải quốc lộ 1 (hướng Tp.HCM đi Đồng Nai) rộng 8m, dài 670m cho xe 2 bánh đi thẳng về hướng Đồng Nai. Dự án cũng gồm xây dựng đường chui trên phần đường song hành bên trái quốc lộ 1 rộng 8m, dài 350m cho xe 2 bánh đi thẳng về hướng Tp.HCM.
Việc đầu tư xây dựng 2 cầu vượt cùng các công trình phụ trợ nói trên nằm trong tổng thể quy hoạch dự án Bến xe Miền Đông mới nhưng không cùng dự án. Được biết, dự án Bến xe Miền Đông mới sẽ đi vào hoạt động trước ngày 15/8/2019 song việc đi lại của các phương tiện giao thông ra vào bến xe sẽ chưa thuận lợi, vì hiện tại tình hình giao thông thuộc khu vực chưa hoàn thiện, nhiều tuyến đường nhỏ chưa được nâng cấp, mở rộng.
Chủ đầu tư là Tổng công ty SAMCO cũng đã kiến nghị địa phương sớm nâng cấp sửa chữa đường Hoàng Hữu Nam, đường số 400, đường số 13 (thuộc quận 9) trên địa bàn quản lý.
Để bến xe hoạt động ổn định, chủ đầu tư cho biết, kế hoạch di dời các tuyến vận tải hành khách cố định từ Bến xe Miền Đông hiện hữu ra Bến xe Miền Đông mới được chia thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1: di dời 29 tuyến vận tải hành khách cố định có cự ly từ 1.100 km trở lên (Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc). Giai đoạn 2 (sau một năm): di dời tiếp 85 tuyến vận tải hành khách cố định từ Thừa Thiên - Huế trở vào khu vực miền Trung, và các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, khu vực miền Tây và tuyến liên vận quốc tế.