Bệnh Whitmore nguy hiểm như thế nào?
Whitmore là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao. Những người dễ mắc bệnh là người bệnh đái tháo đường, nghiện rượu, bệnh thận hoặc phổi tắc nghẽn mãn tính, người sử dụng corticoid, bệnh nhân ung thư...
Là bệnh truyền nhiễm cấp tính, Whitmore do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Việc lây nhiễm giữa người với người rất khó xảy ra trong quan hệ thường ngày, chỉ có thể xảy ra qua quan hệ tình dục, hoặc sử dụng chung kim tiêm. Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam.Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây chết người do viêm phổi, nhiễm trùng máu. Trường hợp nặng nhất có thể suy nội tạng khi không điều trị kịp thời và đúng cách. Vi khuẩn này kháng nhiều loại kháng sinh thông thường, hệ miễn dịch của cơ thể không chống lại chúng một cách hữu hiệu. Phương cách vi khuẩn Whitmore tấn công là gây viêm và áp xe ở các cơ quan trên cơ thể giống với các căn nguyên gây bệnh truyền nhiễm khác.Theo các bác sĩ, Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, mỗi thể bệnh có triệu chứng lâm sàng khác nhau nên dễ bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm với bệnh lao và các bệnh lý viêm phổi thông thường. Cũng có những trường hợp bệnh nhân bị ápxe cơ, ápxe phần mềm, viêm hạch, viêm xương...Thông tin từ bệnh viện Bạch Mai, trong tháng 8 vừa qua, Bệnh viện đã tiếp nhận 12 bệnh nhân, 4 người trong đó đã tử vong, 1 nữ bệnh nhân bị vi khuẩn ăn mất phần mềm vùng cánh mũi khiến nhiều người gọi đây là "vi khuẩn ăn thịt người". Theo các bác sĩ tại bệnh viện, ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán bệnh whitmore, việc điều trị cũng hết sức khó khăn do phải dùng kháng sinh (thường là nhóm ceftazidime hoặc carbapenem, cotrimoxazole) tấn công liều cao (6-8g Ceftazidim/ngày truyền tĩnh mạch) kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa.Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong dù đã được chẩn đoán đúng. Việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, lại tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây cũng là 1 trong là những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỷ lệ tử vong do Whitmore còn cao, lên tới 40%.Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei được Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh của Mỹ CDC liệt vào đối tượng có nguy cơ như "khủng bố sinh học" vì tính nguy hiểm. Cứ 10 người nhiễm vi khuẩn nếu không được điều trị thì 9 người tử vong. Người được điều trị đúng kháng sinh thì vẫn có khoảng 4 trong số 10 người tử vong. Nếu điều trị trong cơ sở y tế với chăm sóc tích cực có thể giảm tỷ lệ tử vong còn dưới 2 trong 10 người.Thời gian ủ bệnh thường từ một đến 21 ngày, trung bình là 9 ngày. Mức độ nghiêm trọng của bệnh dựa vào tình trạng nhiễm trùng, có thể gây sốt, ho, đau ngực, đau đầu, chán ăn, đau khớp, suy hô hấp... Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi mạn tính, bệnh thận mạn tính và ung thư có nguy cơ tử vong cao hơn khi nhiễm vi khuẩn này.
Chẩn đoán bệnh Whitmore bằng nuôi cấy khuẩn và tuân thủ điều trị để tránh biến chứng nghiêm trọng. Tỷ lệ tái phát bệnh 5-25%. Hiện chưa có vắcxin để chủng ngừa. Người trong vùng nhiễm nên tránh tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc nước tù đọng. Người tiếp xúc với đất và nước nên sử dụng ủng cao su, găng tay cao su. Dự báo của các chuyên gia quốc tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 ca nhiễm bệnh Whitmore và khoảng 5.000 ca tử vong. Hiện có 38 bệnh viện ở 26 tỉnh, thành phố được đào tạo về phương pháp xét nghiệm bệnh, phát hiện gần 1.000 ca nhiễm Whitmore trong cả nước.