Bị đề nghị buộc bồi thường 41,2 tỷ đồng, Grab gửi tâm thư
"Chúng tôi rất thất vọng với các đề nghị của vị đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Tp.HCM tại phiên xét xử ngày hôm nay"
Tối 23/10, ông Jerrry Lim, Giám đốc Việt Nam đã có tâm thư sau khi Viện Kiểm sát Nhân dân Tp.HCM đề nghị tòa buộc Grab bồi thương cho Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) 41,2 tỷ đồng theo yêu cầu của nguyên đơn.
Mở đầu bức tâm thư, ông Jerrry Lim viết: "Chúng tôi rất thất vọng với các đề nghị của vị đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Tp.HCM tại phiên xét xử ngày hôm nay, cho dù rằng chúng tôi hiểu đây chỉ là các đề nghị để Hội đồng xét xử xem xét và quyết định.
Như luật sư của chúng tôi đã nêu rõ tại phiên tòa rằng theo Hiến pháp, quyền hành pháp được trao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan để thống nhất quản lý về kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ… Như vậy, chức năng quản lý Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh vận tải thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải".
Tuy nhiên, theo ông, rất tiếc, vị đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Tp.HCM hôm nay đã đề nghị tòa án kết luận rằng hoạt động kinh doanh của chúng tôi trong việc sử dụng khoa học, công nghệ để hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải theo Đề án thí điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và do Bộ Giao thông vận tải ban hành là kinh doanh vận tải, kinh doanh taxi. Chúng tôi hoàn toàn phản đối đề nghị này vì vấn đề này thuộc thẩm quyền xem xét và kết luận của cơ quan hành pháp. Chúng tôi hi vọng rằng Tòa án sẽ xem xét cẩn trọng đề nghị này".
Ông Jerrry Lim cho biết, việc xem xét và đánh giá hoạt động kinh doanh theo Đề án thí điểm đã nhiều lần được các cơ quan thực hiện quyền hành pháp kết luận không phải là hoạt động kinh doanh vận tải hoặc kinh doanh taxi và Grab cơ bản đã thực hiện tốt Đề án thí điểm. Chúng tôi cũng tin rằng tòa án sẽ tôn trọng thẩm quyền này của ngành hành pháp và sẽ không xem xét lại.
"Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Tp.HCM cũng đề nghị thêm rằng Tòa án chấp thuận báo cáo giám định thiệt hại của Công ty Cổ phần Thẩm định - Giám định Cửu Long và không chấp nhận yêu cầu của chúng tôi là phải giám định lại, bất chấp việc chúng tôi và Grant Thornton - Công ty kiểm toán độc lập, có uy tín và được quốc tế thừa nhận đã chỉ ra những sai sót rất cơ bản trong báo cáo của Cửu Long mà bất cứ người bình thường nào cũng đặt nghi vấn và vì thế không thể sử dụng kết luận giám định không chính xác này để giải quyết vụ án.
Mặc dù chúng tôi hiểu rằng Tòa án có toàn quyền quyết định không triệu tập Cửu Long để trả lời các chất vấn liên quan đến báo cáo của họ, chúng tôi vẫn rất lấy làm tiếc khi các kiến nghị chống lại chúng tôi lại được đưa ra khi chúng tôi vẫn chưa có cơ hội được quyền chất vấn trực tiếp Cửu Long nhằm mục đích làm rõ các khúc mắc liên quan đến các kết luận trong báo cáo của họ.
Chúng tôi tin rằng Cửu Long chắc cũng rất muốn được bảo vệ báo cáo sai lệch của họ khi họ được tòa án công nhận là một chuyên gia trong lĩnh vực của vụ việc đang được xem xét", bức tâm thư của Giám đốc Grab Việt Nam viết.
Vị giám đốc này cũng cho rằng, hoạt động kinh doanh của Grab tại Việt Nam không thể là nguyên nhân trực tiếp và duy nhất khiến Vinasun bị sụt giảm lợi nhuận. "Thật vô lý khi một công ty công nghệ như Grab bị trừng phạt vì đã có ưu thế công nghệ hơn các mô hình kinh doanh truyền thống nhằm mục đích mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân Việt Nam.
Và, vụ kiện này không có mục đích nào khác ngoài việc Vinasun cố tình tìm cách trì hoãn việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh vận tải và sử dụng tòa án để tác động, gây ảnh hưởng đến quá trình hoạch định chính sách về dịch vụ vận ứng dụng khoa học công nghệ kết nối vận tải theo hướng bảo hộ hình thức kinh doanh vận tải taxi truyền thống và điều đó sẽ gây thiệt hại cho chính người dân Việt Nam.
"Chúng tôi vẫn lạc quan tin vào phán quyết sơ thẩm của Tòa án dự kiến sẽ tuyên vào ngày 29/10/2018 tới bởi lẽ chúng tôi tin rằng Tòa án sẽ bảo vệ lợi ích tốt nhất của người dân chứ không phải vì lợi ích nhóm đang cố giữ mô hình kinh doanh truyền thống và không chịu đổi mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là vụ kiện đầu tiên trên thế giới mà một doanh nghiệp taxi kiện một công ty công nghệ với cáo buộc bị sụt giảm lợi nhuận.
Tất cả những gì chúng tôi đã và đang làm trong quá trình đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam cho đến ngày hôm nay là được phép của Chính phủ Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi rất tin rằng công lý sẽ đến với chúng tôi, dù sớm hay muộn", theo tâm thư của vị Giám đốc Grab Việt Nam.