07:00 12/09/2021

“Bí quyết ” để sống chung với dịch

Thu Hằng

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố phía Nam đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa kéo dài có thể đẩy nhiều doanh nghiệp vào nguy cơ thiếu hụt nguồn cung và thị trường tiêu thụ...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh đó, lựa chọn giải pháp vừa chống dịch, vừa sản xuất an toàn là tâm thế các doanh nghiệp xác định để sống chung với dịch.

Là doanh nghiệp hoạt động ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu, ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thành Thành Công (Biên Hòa) thừa nhận, hiện nay khó khăn lớn nhất là lo ngại bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, bởi vì hàng hóa chính là mạch máu lưu thông của doanh nghiệp.

Dù đã chuẩn bị tâm thế hoạt động liên tục và sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống dịch bệnh, nhưng do hoạt động chính của doanh nghiệp này đang tập trung ở vùng tâm dịch phía Nam, bao gồm TP.HCM, Đồng Nai…nên khó tránh khỏi bị ảnh hưởng.

TRƯỚC HẾT NGƯỜI LAO ĐỘNG PHẢI AN TOÀN 

Vì vậy, ngay sau khi Chính phủ xác định chuyển cách tiếp cận theo hướng sống chung lâu dài với dịch bệnh, ông Ngữ nhấn mạnh đây là chủ trương rất cởi mở cho các doanh nghiệp. “Rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không có cách nào khác, doanh nghiệp phải ổn định hoạt động thì mới tạo động lực phát triển cho xã hội, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động và an sinh xã hội. Nếu doanh nghiệp “ngủ đông” quá lâu thì đôi khi không thể tỉnh lại được, thậm chí gần như đánh mất luôn cả thị trường và các cơ hội kinh doanh”, ông Nguyễn Thanh Ngữ đánh giá.

Tại Công ty Thành Thành Công, theo ông Ngữ, trong gần hai năm qua các đợt bùng phát dịch, doanh nghiệp đã chuẩn bị các nguồn lực để thích ứng lâu dài với dịch bệnh, cũng như đào tạo kiến thức và hỗ trợ tinh thần cho người lao động thông qua thiết kế các gói an sinh.

Điều này đã giúp người lao động không rơi vào trạng thái lo sợ và bị cô lập, bởi vì doanh nghiệp muốn an toàn thì từng cán bộ nhân viên và gia đình của họ phải được an toàn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo doanh nghiệp, quan trọng hơn cả là chính doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn các kịch bản ứng phó với từng bối cảnh dịch bệnh có thể xảy ra, theo các cấp độ từ nhẹ đến lây nhiễm hàng loạt dẫn đến phải đóng cửa thì xử lý như thế nào? Khi có sự chuẩn bị, doanh nghiệp có thể chủ động về nguồn lực, cơ sở y tế để không bị động.

Với những doanh nghiệp có tham gia chuỗi cung ứng, ông Nguyễn Thanh Ngữ cho rằng cần chủ động rà soát lại các chuỗi cung ứng trong nước cũng như nguyên liệu đầu vào, để có kế hoạch trữ hàng với tỷ lệ phù hợp, nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất liên tục.

“Thời gian qua may mắn là nhờ có sự chuẩn bị như vậy nên chúng tôi mới có thể duy trì hoạt động xuyên suốt tại các nhà máy và đảm bảo được nguồn hàng trên thị trường trong thời gian cao điểm, nhất là giai đoạn giãn cách vừa rồi, khi nhu cầu hàng hóa tăng rất cao ở các hệ thống chợ và siêu thị”, ông Nguyễn Thanh Ngữ cho biết.

ĐIỀU CHỈNH LẠI MỤC TIÊU KINH DOANH 

Trong bối cảnh chưa thể dự báo đến khi nào dịch Covid-19 tại Việt Nam mới cơ bản được kiểm soát, ông Nguyễn Thanh Ngữ cho rằng doanh nghiệp cần xác định sống chung lâu dài với dịch. Vì thế, công ty đã phải điều chỉnh lại mục tiêu kinh doanh của năm 2021 cũng như năm 2022 để có chiến lược phát triển phù hợp.

“Chúng ta đón bão dịch với tinh thần sống chung. Muốn như vậy, trước hết doanh nghiệp phải thực sự tinh gọn. Bản thân doanh nghiệp chúng tôi đã rà soát, tái cấu trúc trong suốt thời gian từ đầu năm 2020 đến nay cả về phương thức làm việc, mô hình, hoạt động kinh doanh, thậm chí phải điều chỉnh lại các khoản đầu tư trong bối cảnh dịch Covid không còn phù hợp”, lãnh đạo Công ty Thành Thành Công nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Thanh Ngữ cũng thừa nhận, khi xác định sống chung thì trạng thái “sức khỏe” của doanh nghiệp phải ở trong tình trạng tốt nhất mới có thể chống chịu. Do đó, thay đổi phương thức kinh doanh là điểm mấu chốt để doanh nghiệp thích ứng được.

Lấy dẫn chứng thực tế tại Thành Thành Công, ông Ngữ cho biết trước đây doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa, song từ khi dịch bùng phát, doanh nghiệp đã chuyển hướng nâng tỷ trọng xuất khẩu lên cao hơn để tận dụng tốt các cơ hội.

Mặt khác, điều chỉnh chính tại thị trường nội địa trong bối cảnh một số kênh bán hàng chợ truyền thống và thị trường phía Nam bị ảnh hưởng nặng, để tập trung vào thị trường phía Bắc.

Cùng với đó, thay đổi đa dạng kênh bán hàng và tiếp cận thị trường thông qua công nghệ nhằm tăng tương tác với các điểm bán hàng, đại lý phân phối, điều này giúp duy trì liên tục hoạt động phân phối hàng hóa. Doanh nghiệp cũng đang tập trung vào công tác đào tạo để khi dịch được kiểm soát có thể bắt nhịp được các cơ hội của thị trường.

Y TẾ TẠI CHỖ, LẤY CƠ SỞ LÀM NÒNG CỐT

Cũng là khối doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chịu nhiều tác động của dịch bệnh khi áp dụng “ba tại chỗ”, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam cho rằng riêng với các doanh nghiệp trong ngành, việc cần thiết nhất hiện nay là mong muốn có sự hướng dẫn cụ thể về đào tạo y tế.

Theo bà Xuân, thực tế hiện nay các doanh nghiệp hầu hết chưa có chuyên môn về lĩnh vực này, do đó nếu mở lại hoạt động sản xuất và tận dụng được nguồn lực của chính mình, các doanh nghiệp mong muốn y tế địa phương tổ chức đào tạo, tập huấn để doanh nghiệp có thể xây dựng được hệ thống y tế ngay tại chỗ.

Yêu cầu này xuất phát từ trong quá trình sản xuất khi có bất kỳ sự cố y tế nào, doanh nghiệp phải chủ động báo cáo với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, bà Xuân cho rằng kể cả khi doanh nghiệp có thể báo cáo ngay thì thời gian để đội ngũ y tế cơ sở có mặt kịp thời để xử lý cũng mất từ 3 - 5 ngày.

“Như vậy, với tình huống này nếu doanh nghiệp được đào tạo và trang bị kiến thức, dựa trên cơ sở vật chất sẵn có thì có thể chủ động ứng phó. Đây cũng là một hình thức sơ cứu ban đầu trong khi chờ đợi đội ngũ chuyên môn hỗ trợ, doanh nghiệp cũng sẽ không bất ngờ khi tình huống có ca bệnh lây nhiễm xảy ra”, bà Phan Thị Thanh Xuân bày tỏ.

Dưới góc độ chuyên gia y tế, PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khuyến nghị, xác định lộ trình sống chung thì doanh nghiệp cần có một mô hình an toàn phù hợp để thích ứng trong tình hình dịch bệnh và điều kiện của từng địa phương.

Bởi vì sẽ không có một mô hình nào an toàn cho tất cả. Bên cạnh đó, cần giải pháp lấy y tế cơ sở tại doanh nghiệp làm nòng cốt để thiết lập quy trình, tổ chức thực hiện và giám sát quá trình tuân thủ phòng dịch tại nơi làm việc.

Ngoài các giải pháp về y tế để sống chung với dịch, việc chuẩn bị nguồn nhân lực để phục hồi sản xuất cũng được xem là rất quan trọng. Vấn đề này theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Nhà nước cần có thêm các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và người lao động như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm các phí/lệ phí...

Các địa phương, doanh nghiệp không chỉ cần có chính sách hỗ trợ, bảo đảm đời sống an sinh của người lao động để họ vượt qua khó khăn mà cần sẵn sàng chuẩn bị nguồn nhân lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh.