14:17 06/09/2018

Bị tố lừa đảo "công nghệ thử máu", startup 9 tỷ USD chính thức giải thể

Bình Minh

Công ty khởi nghiệp về công nghệ thử máu Theranos bị cho là gây ra vụ lừa đảo lớn nhất ở Thung lũng Silicon

Elizabeth Holmes, nhà sáng lập Theranos - Ảnh: Reuters/WSJ.
Elizabeth Holmes, nhà sáng lập Theranos - Ảnh: Reuters/WSJ.

Theranos, công ty khởi nghiệp (startup) về công nghệ thử máu, chuẩn bị chính thức giải thể, sau khi bị cho là gây ra vụ lừa đảo lớn nhất ở Thung lũng Silicon.

Tờ Wall Street Journal dẫn một lá thư gửi cổ đông Theranos cho biết, sau vụ bê bối gây chấn động, Theranos sẽ chính thức giải tán. Trong thời gian tới, Theranos sẽ thanh lý tài sản và dùng số tiền thu được để thanh toán cho các chủ nợ không được đảm bảo.

Quyết định giải thể Theranos được đưa ra không lâu sau khi cơ quan công tố liên bang Mỹ đưa ra các tội danh hình sự đối với nhà sáng lập Elizabeth Holmes và Ramesh "Sunny" Balwani - nhà điều hành số 2 của công ty này, đồng thời là bạn trai cũ của Holmes. Các nhà điều tra cho rằng hai người này đã lừa các nhà đầu tư hàng trăm triệu USD, đồng thời lừa cả các bác sỹ và bệnh nhân của họ. Cả Holmes và Balwani đều bác bỏ những cáo buộc này và đang chờ ngày ra xét xử.

Trong thư gửi cổ đông, Giám đốc điều hành (CEO) David Taylor của Theranos cho biết khoảng hơn 20 nhân viên còn lại của công ty đã hoàn tất ngày làm việc cuối cùng của họ vào hôm thứ Sáu tuần trước. Hiện chỉ còn ông Taylor và một vài nhân viên hỗ trợ giải quyết các công việc liên quan đến việc giải thể công ty.

Trước đó, Theranos có kế hoạch bán lại toàn bộ công ty nhưng bất thành. Theo dự kiến, các nhà đầu tư lớn rót vốn vào Theranos trước đây đều sẽ mất trắng. Ước tính, các nhà đầu tư của công ty này đã mất tổng cộng khoảng 1 tỷ USD.

Hiện Holmes và Balwani đối mặt 9 tội danh về gian lận điện tín và 2 tội danh về thông đồng gian lận điện tín. Nếu bị kết án, Holmes và Balwani có thể bị lĩnh án tù tối đa 20 năm và nộp phạt 250.000 USD đối với mỗi tội danh mỗi người, đồng thời phải hoàn tiền cho các nạn nhân bị lừa.

Ở thời hoàng kim, Holmes được cho là sẽ tạo ra được một cuộc cách mạng về lĩnh vực thử máu. Cô gái từng bỏ ngang Đại học Stanford này tuyên bố đã tạo ra được một công nghệ mới có thể xét nghiệm nhanh để chẩn bệnh chỉ qua 1-2 giọt máu lấy từ đầu ngón tay của bệnh nhân.

Có thời điểm, Theranos được định giá ở mức 9 tỷ USD, đưa Holmes trở thành một tỷ phú trẻ và một "ngôi sao" được giới truyền thông tung hô. Phong cách nói chuyện quả quyết và trang phục quen thuộc là chiếc áo cổ lọ màu đen khiến Holmes được nhiều người so sánh với huyền thoại công nghệ Steve Jobs.

Mọi chuyện bắt đầu vỡ lở vào tháng 10/2015 khi tờ Wall Street Journal có loạt bài phanh phui hoạt động lừa đảo của Theranos. Nhà báo điều tra của tờ báo này đã phát hiện ra rằng thiết bị thử máu của Theranos là không hề đáng tin cậy và công ty chỉ sử dụng thiết bị đó chi một phần nhỏ trong số 240 xét nghiệm mà họ đề nghị với khách hàng. Những xét nghiệm còn lại đều được thực hiện bởi các thiết bị thử máu mua từ các nhà sản xuất khác.

Theranos đã trở thành biểu tượng của sự thái quá trong cuộc phát triển bùng nổ của công nghệ đang diễn ra. Sự sụp đổ của công ty này diễn ra quá nhanh chóng và gây đau thương cho nhiều người. Một nhà sinh hóa học làm việc cho Theranos trong vòng 8 năm đã tự vẫn vào năm 2013, do quá chán nản với thứ văn hóa doanh nghiệp đầy sự sợ hãi và bí hiểm của công ty này, cũng như việc công nghệ của công ty không có bước tiến.

Trong số các nhà đầu tư vào Theranos, có những nhân vật tiếng tăm như anh em nhà Walton - gia tộc thừa kế hãng bán lẻ Walmart; gia đình Bộ trưởng Bộ Giáo dục Mỹ Betsy DeVos; và cả tỷ phú truyền thông Rupert Murdoch… Mỗi nhà đầu tư này đều rót ít nhất 100 triệu USD vào Theranos, và khoản đầu tư của họ giờ đây không còn giá trị gì.