18:56 21/07/2025

Biến đổi khí hậu khiến giá thực phẩm toàn cầu tăng mạnh

Bình Minh

Nhiều loại thực phẩm đã trải qua những đợt tăng giá chóng mặt chỉ trong thời gian ngắn, do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, các hiện tượng thời tiết cực đoan đang trở thành mối đe dọa lớn đối với hệ thống thực phẩm toàn cầu.

Một nghiên cứu mới từ tổ chức nghiên cứu Barcelona Supercomputing Center cho thấy những biến đổi thời tiết này không chỉ ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp mà còn dẫn đến sự gia tăng đột biến giá thực phẩm, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho nền kinh tế và đời sống người dân ở nhiều quốc gia.

Theo nghiên cứu trên, trong những năm gần đây, nhiều loại thực phẩm đã trải qua những đợt tăng giá chóng mặt chỉ trong thời gian ngắn, do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan. Ví dụ, giá dầu olive ở châu Âu đã tăng 50% trong năm qua do hạn hán kéo dài ở miền Nam Tây Ban Nha. Tương tự, tại Ấn Độ, giá hành củ đã tăng 89% trong tháng 5/2024 do đợt nắng nóng khắc nghiệt.

Tại Nhật Bản, giá gạo đã tăng 48% vào tháng 9/2024 sau đợt nắng nóng vào tháng 8. Ở hai bang California và Arizona của Mỹ, giá rau củ đã tăng 80% vào tháng 11/2022 do hạn hán. Những biến động này không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn làm gia tăng áp lực lạm phát tại các nền kinh tế, đặc biệt là ở những nước có mức độ phụ thuộc lớn vào nhập khẩu thực phẩm.

Theo chuyên gia Maximilian Kotz của Barcelona Supercomputing Center, trưởng nhóm tác giả của nghiên cứu trên, nhiều hiện tượng thời tiết bất lợi dẫn tới những đợt tăng giá thực phẩm này là “hoàn toàn chưa từng có tiền lệ từ góc độ lịch sử”. Nhiệt độ đã “vượt xa khỏi phạm vi mà chúng ta có thể kỳ vọng trong hình thái khí hậu ổn định không có các hành vi gây ô nhiễm của con người”, ông Kotz nhấn mạnh.

“Chúng ta biết rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan đang trở nên dữ dội và thường xuyên hơn so với 30-40 năm trước. Chúng tôi dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục chừng nào lượng khí thải nhà kính còn tiếp tục tăng”, ông Kotz cho biết. Nếu hệ thống thực phẩm toàn cầu “tiếp tục phản ứng theo cách mà chúng ta đã thấy gần đây, thì điều tương tự sẽ còn xảy ra với giá thực phẩm, thậm chí có thể theo những cách cực đoan hơn và khó lường hơn”, ông Kotz nhận định với tờ báo Financial Times.

Nghiên cứu kết luận rằng sự leo thang của giá thực phẩm có thể lan tỏa từ các khu vực riêng lẻ ra phạm vi toàn cầu thông qua thương mại. Ví dụ, giá chocolate đã tăng vọt ở Anh sau khi giá cacao tăng gấp ba lần do hạn hán và nắng nóng khắc nghiệt ở Ghana và Bờ Biển Ngà.

Hoạt động đầu cơ thị trường và “chính sách sai lầm” thường cũng làm trầm trọng thêm tác động của việc tăng giá thực phẩm liên quan đến biến đổi khí hậu - theo chuyên gia Raj Patel thuộc Đại học Texas trong một cuộc trao đổi với Financial Times.

Chẳng hạn, khi thời tiết nóng bức ở Nga gây ra các vụ cháy rừng khiến giá lúa mì tăng vọt vào năm 2010, Moscow đã áp đặt lệnh cấm vận xuất khẩu lúa mì, “đẩy giá lúa mì toàn cầu lên cao ngất ngưởng” - ông Patel lưu ý. Thực tế này góp phần gây ra các cuộc bạo loạn bánh mì ở những nơi xa xôi như Mozambique.

Đồng tác giả báo cáo tren, bà Anne Taylor, Giám đốc điều hành của tổ chức Food Foundation trụ sở tại Anh, cho rằng các quốc gia như Anh, vốn phụ thuộc nhiều vào hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt dễ bị tổn thương trước các cú sốc khí hậu ở nước ngoài.

Nghiên cứu cũng đặt ra một số câu hỏi cho các ngân hàng trung ương, khi giá thực phẩm tăng cao đe dọa nỗ lực kiểm soát lạm phát chung, nhất là ở các nền kinh tế mới nổi - nơi thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn hơn trong rổ hàng hóa tiêu dùng.

“Nhiệt độ cao bất thường ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ lạm phát nói chung và động lực chính là sự tăng giá thực phẩm”, ông Kotz nói.

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cho biết tốc độ lạm phát ở nước này trong tháng 6 là 3,6%, cao nhất 18 tháng, một phần do giá lương thực tăng.