Biến đổi khí hậu và Covid đe doạ "công xưởng" chip của thế giới
Ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan, nơi được coi là "công xưởng" chip của thế giới đang bị đe doạ cùng lúc bởi biến đổi khí hậu và Covid bùng phát
Biến đổi khí hậu đang có nguy cơ làm suy giảm vai trò quan trọng của Đài Loan trong chuỗi cung ứng linh kiện bán dẫn toàn cầu. Ngoài ra, ngành công nghiệp chip của vùng lãnh thổ này còn phải đương đầu với sự bùng phát của Covid-19.
Đài Loan vốn được biết đến là một “công xưởng” chip, chiếm hơn một nửa sản lượng con chip toàn thế giới. Do khủng hoảng nguồn cung chip hiện nay, các công ty sản xuất nhiều mặt hàng - từ máy giặt, điện thoại thông minh (smartphone) cho tới ô tô – ở khắp mọi quốc gia đang phải xoay sở mọi cách để đảm bảo có đủ linh kiện bán dẫn. Trong bối cảnh như vậy, việc các nhà máy sản xuất chip ở Đài Loan gặp khó có thể khiến sự khan hiếm này thêm phần trầm trọng.
“Đang có một sức ép rất rõ ràng trong ngành công nghiệp bán dẫn”, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của Capital Economics, ông Mark Williams, nhận định trong một báo cáo tuần trước về tình trạng thiếu điện, thiếu nước, và số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh ở Đài Loan.
HẠN HÁN ĐE DOẠ CÁC NHÀ MÁY CHIP
Suốt mấy tháng nay, Đài Loan rơi vào đợt hạn hán tồi tệ nhất 50 năm, khiến nguồn cung nước bị hạn chế. Tình trạng này đặt các nhà máy chip ở Đài Loan vào tình trạng căng thẳng, bởi sản xuất chip là một lĩnh vực tiêu thụ nhiều nước. Công ty chip lớn nhất Đài Loan là Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) cho biết sử dụng 156.000 tấn nước mỗi ngày, tức tương đương lượng nước của 60 bể bơi Olympics cho hoạt động sản xuất.
Thiếu chip có thể gây suy giảm sản lượng nhiều mặt hàng công nghệ, đẩy giá những sản phẩm này lên cao hơn khi đến tay người tiêu dùng, theo đó làm gia tăng sức ép lạm phát vốn dĩ đã “nóng” trên toàn cầu.
Do nguồn cung từ hệ thống cung cấp nước bị hạn chế, TSMC phải dùng xe tải chở nước đến các nhà máy và tăng cường sử dụng nước tái chế. Cho đến thời điểm hiện tại, hoạt động sản xuất của TSMC vẫn đảm bảo - công ty cho hay. Tuy nhiên, nếu tình trạng thiếu nước tiếp tục kéo dài, TSMC và các nhà sản xuất chip khác ở Đài Loan khó tránh khỏi nguy cơ phải cắt giảm sản xuất.
Một vấn đề đáng ngại khác là các loại chip tiên tiến chỉ tập trung vào một số nhà cung cấp nhất định, do chi phí tốn kém cho việc chế tạo và sản xuất. Bởi vậy, gián đoạn sản xuất ở những nhà máy như vậy sẽ có ảnh hưởng lan rộng toàn cầu. TSMC là nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp cho nhiều đối tác như Apple, Qualcomm, và Nvidia – những công ty có thể tự thiết kế con chip, nhưng không có nguồn lực để sản xuất chip.
“TSMC là nhà cung cấp chip chủ chốt cho nhiều công ty”, ông Alan Priestley – Phó chủ tịch phụ trách phân tích của Công ty phân tích thị trường công nghệ Gartner – nói với trang CNN Business. “Hầu hết các thiết bị điện tử hiệu năng cao hiện nay, như điện thoại di động và máy tính bảng, đều dùng chip do TSMC sản xuất”.
Sự khan hiếm chip toàn cầu hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm biến động nhu cầu do đại dịch Covid-19 gây ra, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các công ty công nghệ Trung Quốc và thời tiết cực đoan. Ngày càng nhiều hãng công nghệ cho biết gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung linh kiện bán dẫn. Thiếu chip có thể gây suy giảm sản lượng nhiều mặt hàng công nghệ, đẩy giá những sản phẩm này lên cao hơn khi đến tay người tiêu dùng, theo đó làm gia tăng sức ép lạm phát vốn dĩ đã “nóng” trên toàn cầu.
ĐƠN HÀNG Ồ ẠT GIỮ LÚC COVID BÙNG PHÁT
Ngoài hạn hán, ngành công nghiệp con chip Đài Loan còn đang bị đe doạ bởi Covid-19 bùng phát. Bắt đầu từ tháng 5, đây là đợt bùng dịch Covid tồi tệ nhất từ trước tới nay ở Đài Loan. Hồi đầu tháng trước, Đài Loan không có ca nhiễm Covid-19 nào trong cộng đồng, nhưng từ trung tuần tháng 5 trở đi, số ca nhiễm mới bất ngờ tăng vọt và đến cuối tháng đã lên ngưỡng khoảng 600 ca mỗi ngày. Gần đây, số ca nhiễm mới đã giảm xuống dưới 300/ngày nhưng nhà chức trách và doanh nghiệp vẫn cẩn trọng với nguy cơ xuất hiện ổ dịch trong các nhà máy.
Tháng trước, TSMC cho biết hai nhân viên của công ty này được chẩn đoán mắc Covid-19, nhưng hoạt động sản xuất vẫn duy trì bình thường. Giới chuyên gia cho rằng các nhà máy chip ở Đài Loan có thể kiểm soát rủi ro từ Covid vì quy trình sản xuất chip có mức độ tự động hoá cao và các nhà máy đã chia công nhân thành các nhóm để hạn chế sự lây lan của virus trên diện rộng.
Dù vậy, đã có ít nhất năm nhà máy chip ở phía Tây Nam của Đài Bắc đã buộc phải dừng một phần hoạt động sản xuất do có công nhân mắc Covid. King Yuan Electronics, một nhà cung cấp hàng đầu về dịch vụ đóng gói và kiểm thử chip, đã phải ngừng hoạt động hai ngày sau khi hơn 200 công nhân cho kết quả dương tính với Covid. Toàn bộ công nhân nhập cư làm việc cho King Yuang, chiếm khoảng 30% trong tổng số 7.000 công nhân của công ty, phải cách ly 2 tuần sau khi một ổ dịch được phát hiện ở khu nhà ở công nhân.
Theo một báo cáo tháng 5 của Capital Economics, dữ liệu tháng 4 về lượng đơn đặt hàng chip trên toàn cầu cho thấy các nhà máy chip ở Đài Loan sẽ tiếp tục phải hoạt động tối đa công suất. Cũng theo báo cáo này, lượng đơn hàng đổ về sẽ tiếp tục lớn hơn lượng chip xuất khẩu của Đài Loan và sự dồn ứ đơn hàng sẽ phải mất một thời gian mới có thể giải quyết.
Số liệu do chính quyền Đài Loan công bố tuần trước cho biết kim ngạch xuất khẩu tháng 5 của vùng lãnh thổ tăng 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt kỷ lục 37,4 tỷ USD. Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu bùng nổ đối với con chip máy tính và các hàng hoá xuất khẩu khác của Đài Loan sẽ không sớm “hạ nhiệt”.
GIẢI PHÁP NĂNG LƯỢNG TÁI SINH
Giới chuyên gia lo ngại rằng tình trạng thiếu nước ở Đài Loan có thể trở nên tồi tệ hơn trong tương lai. Biến đổi khí hậu có thể khiến lượng mưa ở vùng lãnh thổ này suy giảm trong những thập kỷ sắp tới, dẫn tới những đợt hạn hán liên tục hơn - theo nhà nghiên cứu khí hậu Hsu Huang-hsiung thuộc Viện Hàn lâm khoa học Đài Loan (Academia Sinica).
“Dự báo của chúng tôi cho thấy hạn hán sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong tương lai. Bởi vậy, năm nay là một cơ hội tốt để kiểm tra độ bền vững của ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan”, ông Hsu nói với CNN Business.s.
Kỹ sư điện Jefferey Chiu thuộc Đại học Đài Loan cho rằng tình trạng như vậy có thể hạn chế khả năng của vùng lãnh thổ trong việc phát triển các loại chip tiên tiến. Đó là bởi công nghệ chip ngày càng trở nên tinh vi, khiến các nhà sản xuất phải dùng nhiều nước hơn trong các quy trình hoá học cần thiết để sản xuất chip.
Thiếu điện cũng là một mối lo khác của Đài Loan hiện nay. Mức tiêu thụ điện năng cao hơn của các nhà máy, thời tiết nóng hơn mọi năm, và mực nước tại các hồ thuỷ điện xuống thấp đã dẫn tới tình trạng cúp điện liên miên, ảnh hưởng hơn 4 triệu hộ gia đình và gần một nửa trong số 62 khu công nghiệp của Đài Loan. TSMC cho biết mất điện đã ảnh hưởng tới một số nhà máy của công ty.
“Cần phải cắt giảm phát thải carbon, nhưng mặt khác cũng cần tạo ra nhiều điện hơn”, ông Hsu nói, cho rằng các công ty sản xuất chip của Đài Loan cần đầu tư nhiều hơn vào các nguồn năng lượng tái sinh để đảm bảo một tương lai bền vững.
TSMC cho biết đang nỗ lực củng cố nguồn cung cấp điện bằng cách hợp tác với các nhà máy điện mặt trời và trang trại điện gió. Năm ngoái, TSMC tuyên bố chiến lược đến năm 2050 dùng toàn bộ năng lượng tái sinh cho hoạt động sản xuất.