08:41 02/06/2008

Biến động giá gạo, Bộ trưởng nhận trách nhiệm

Lê Tuấn

Những điểm chính trong phần trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn.
Trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Hữu Lâm về trách nhiệm của Bộ trong việc để xảy ra biến động giá gạo trên diễn đàn Quốc hội cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã nhận trách nhiệm về việc dự báo tình hình, nhất là việc xây dựng hệ thống phân phối, bán lẻ.

Theo ông, trước đây, ngành lương thực do quốc doanh quản lý và có hệ thống các cửa hàng lương thực đến từng quận, từng phường, từng tổ dân phố..., nhưng sau khi chuyển đổi cơ cấu kinh tế thì hệ thống này chuyển sang cổ phần hóa, thậm chí nhiều nơi không còn duy trì các cửa hàng lương thực.

“Đây là một bài học chúng tôi thấy rằng cần phải xem xét để chấn chỉnh hệ thống phân phối bán lẻ nói chung, trong đó có phân phối bán lẻ lương thực nói riêng”, ông Hoàng nói.

Tương tự, khi đại biểu Phương Thị Thanh chỉ ra tình trạng một số công ty dược nhập khẩu thuốc chữa bệnh đẩy giá thuốc lên cao để thu lợi bất chính 5-7 lần, thậm chí trên 10 lần, còn các cơ sở y tế, bệnh viện hợp đồng mua thuốc với công ty dược trong nước, với tỉ lệ hoa hồng từ 40-50% khiến giá thuốc tại thị trường rất cao, Bộ trưởng Hoàng cũng thừa nhận thực trạng này.

Tuy nhiên, ông Hoàng lại “đổ” cho việc trong nước mới sản xuất được khoảng 50% số thuốc mà lại phải nhập khẩu đến 90% nguyên vật liệu nên giá thuốc sản xuất trong nước và giá mua ngoài biến động theo giá thị trường, một số cửa hàng tư nhân lợi dụng tình trạng này để tăng giá.

Về vấn đề điện, Bộ trưởng cho biết, tình hình cung cấp điện cho một số khu vực có những hạn chế, đồng thời cam kết tiếp thu ý kiến của đại biểu và sẽ bàn kỹ với ngành điện để tăng tốc độ đầu tư cải tạo, xây dựng các trạm biến thế và đường dây ở các khu vực này.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu đã tỏ ra không hài lòng, tiếp tục chất vấn tình trạng thiếu điện ở các vùng nông thôn và được Bộ trưởng trả lời là mặc dù thường xuyên đôn đốc ngành điện khắc phục việc sửa chữa các nhà máy điện bị hư hỏng, phải cố gắng điều độ bảo đảm sinh hoạt thiết yếu, bệnh viện, trường học. Chỉ đạo thì vậy nhưng thực tế có những lúc không thực hiện được.

Bộ trưởng cũng giải trình khá rõ về nhu cầu của toàn bộ nền kinh tế về các mặt hàng thiết yếu năm 2008, bao gồm 11 mặt hàng, đó là: điện, lúa gạo, thực phẩm, đường, muối, phân bón, thép, xi măng, xăng, dầu và giấy. So với năm 2007, nhu cầu các mặt hàng này tăng khoảng 14% và ông Hoàng khẳng định, với nguồn hàng sản xuất trong nước, cộng với được bù đắp một phần còn thiếu bằng nhập khẩu thì dự kiến kế hoạch hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu trong nước.

“Tuy nhiên, trong điều kiện giá thị trường thế giới tăng cao, chi phí đầu vào của không ít sản phẩm trong nước cũng sẽ buộc phải tăng theo”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói thêm.