15:41 08/12/2010

Biến động lãi suất: “Chúng tôi cần câu trả lời nhanh để ứng xử”

Minh Đức

Lãnh đạo ngân hàng thương mại đề nghị VnEconomy chuyển câu hỏi đến Ngân hàng Nhà nước trước biến động mới của lãi suất

Mức 18%/năm đã chính thức có ở biểu lãi suất huy động VND của một ngân hàng chiều nay.
Mức 18%/năm đã chính thức có ở biểu lãi suất huy động VND của một ngân hàng chiều nay.
Lãnh đạo ngân hàng thương mại đề nghị VnEconomy chuyển câu hỏi đến Ngân hàng Nhà nước trước biến động mới của lãi suất.

Lãi suất huy động VND bất ngờ biến động mạnh, khoảng cách giữa các biểu lãi suất đã được kéo rộng để kích thích hoạt động rút tiền của một bộ phận khách hàng cá nhân.

Đầu giờ chiều nay, VnEconomy nhận được nhiều cuộc gọi từ lãnh đạo một số ngân hàng lớn, với đề nghị xác định một số điểm trong việc điều hành lãi suất hiện nay để chủ động ứng phó với diễn biến mới.

“Chúng tôi không tiện đặt vấn đề trực tiếp với Ngân hàng Nhà nước, nhưng qua VnEconomy, tôi đề nghị được đặt ra một số câu hỏi. Nếu báo ngại xin cứ trích nguyên văn yêu cầu như thế, bởi tình thế không thể chờ đợi thêm và cần một sự rõ ràng. Tôi tin rằng rất nhiều tổng giám đốc khác cũng đang cần đặt ra những câu hỏi này”, tổng giám đốc một ngân hàng nói thẳng.

Câu hỏi mà tổng giám đốc này nêu ra là:

1. Liệu những ngân hàng vừa nâng lãi suất huy động lên 17%/năm, 18%/năm như vậy có đúng với việc điều hành và quản lý thị trường hiện nay hay không?

2. Lãi suất huy động VND của các ngân hàng hiện nay là thả nổi hay tuân thủ theo những quy định nào? Đồng thuận hiện nay có tiếp tục thực hiện?

3. Lợi ích của các ngân hàng bình ổn lãi suất sẽ được bảo vệ như thế nào?

“Chúng tôi cần câu trả lời thật nhanh để ứng xử. Không phải chúng tôi không tăng được lãi suất. Họ tăng lãi suất cao, vừa kéo được vốn lại vừa “cười” chúng tôi “kém”. Người gửi tiền thắc mắc biết nói sao đây?”, đại diện trên trần tình.

Cùng với những vướng mắc trên, tổng giám đốc một ngân hàng lớn cho biết sáng nay ban lãnh đạo đã có cuộc họp khẩn để tìm giải pháp đối phó với hiện tượng người dân đến rút tiền trước hạn và chuyển sang ngân hàng khác.

“Tôi chưa biết Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý như thế nào về những diễn biến này. Nếu bạn (phóng viên) có thông tin mới thì xin đưa sớm. Không rõ sẽ có chính sách hay điều hành cụ thể như thế nào đây”, lãnh đạo này nói khi trao đổi với phóng viên.

Ông cũng cho biết, từ sáng đến giờ ông chưa thể dứt khoát trong quyết định tăng lãi suất theo hay không, bởi một mặt là áp lực các cuộc gọi liên tục từ các chi nhánh phía Nam yêu cầu tiếp viện để dự phòng thanh khoản, một mặt là ngân hàng lớn cần giữ vai trò ổn định chung.

Yêu cầu mà ông đặt ra, cùng nội dung như những câu hỏi trên là cần có một câu trả lời nhanh từ Ngân hàng Nhà nước: “Việc các ngân hàng áp lãi suất huy động vượt trội như vậy có đúng không?”.

Yêu cầu trả lời nhanh được ông giải thích là vì chỉ chậm một vài ngày thì ngân hàng mình khó bảo toàn được lượng tiền gửi hiện nay, chứ chưa nói đến việc gọi được thêm.

Hy vọng mà ông đưa ra là có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ vào cuộc kiểm tra những thành viên áp lãi suất quá cao, lập lại một trật tự và giảm thiểu những xáo trộn trên thị trường. “Giả thiết là sẽ có kiểm tra, nhưng về việc tăng lãi suất hay về tình hình hoạt động? Cần phải tách cụ thể giữa hai chuyện này, bởi yêu cầu đang đặt ra là nên hiểu như thế nào về những mức lãi suất cao đó với việc thực hiện các quy định lúc này”, ông nêu giả thiết.

“Ở góc độ kinh doanh, tôi rất bức xúc khi cuộc chơi không công bằng. Nếu đây là một cuộc đua, mọi người cần phải ở cùng vạch xuất phát. Nhưng khi chưa có cờ hiệu của trọng tài anh đã bật trước rồi. Vậy thì có nên loại anh ra cuộc chơi không, hay những anh còn lại vừa nhìn về trọng tài vừa chứng kiến vốn của mình hụt theo bước tiến của anh bật trước đó?”, đại diện này nói thêm.