19:21 05/11/2021

Bịt kẽ hở trục lợi hoạt động từ thiện

Ánh Tuyết

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 93 với hàng loạt điểm mới, sẽ có hiệu lực từ ngày 11/12 tới đây, sẽ vá “lỗ hổng” pháp lý, xoá bỏ nghi ngại khi quyên góp từ thiện và tạo hành lang pháp lý mới cho hoạt động đóng góp tự nguyện...

Cá nhân được vận động, tiếp nhận tiền từ thiện chính thức từ ngày 11/12 tới đây.
Cá nhân được vận động, tiếp nhận tiền từ thiện chính thức từ ngày 11/12 tới đây.

Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước chi cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, ông Vũ Đức Hội, Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho hay, nguồn đóng góp tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước vừa giảm bớt khó khăn do thiên tai, sự cố, vừa thể hiện tình đoàn kết và chia sẻ khó khăn của người dân.  

Dù vậy, thời gian qua, câu chuyện nhiều nghệ sĩ như Thủy Tiên, Hoài Linh… “để quên” số tiền quyên góp trong tài khoản, hay liên tục bị “réo tên” yêu cầu sao kê tài khoản làm từ thiện khiến dư luận và các nhà hảo tâm có nhiều bức xúc.

CÁ NHÂN CHÍNH THỨC ĐƯỢC KÊU GỌI TỪ THIỆN

Theo ông Hội, từ năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Nhưng do ban hành cách đây hơn 13 năm, Nghị định số 64 cần sửa đổi, bổ sung phù hợp một số luật có liên quan đến hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả do thiên tai, dịch bệnh được ban hành như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật phòng, chống thiên tai, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Thú y...

Ngoài ra, việc triển khai Nghị định 64/2008/NĐ-CP phát sinh một số bất cập. Thứ nhất, phạm vi điều chỉnh Nghị định số 64 chưa bao quát hết các đối tượng, chưa điều chỉnh đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện.

Thứ hai, nội dung chi hỗ trợ còn chưa rõ ràng, cụ thể, chưa bao quát hết nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố.

Thứ ba, thời gian để tổ chức tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện sau mỗi đợt thiên tai, sự cố còn ngắn, chưa phù hợp.

Do đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.

Bộ Tài chính cho biết, mục tiêu đặt ra khi xây dựng Nghị định số 93 để quy định thống nhất việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trên phạm vi cả nước.

Bên cạnh đó, quy định cụ thể các nội dung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, cơ quan kêu gọi vận động, thời gian vận động, tiếp nhận, các nội dung chi từ nguồn đóng góp tự nguyện; tránh chồng chéo trong việc triển khai thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối.

Ngoài ra, để đảm bảo công tác vận động, tiếp nhận, phân phối các nguồn đóng góp tự nguyện hiệu quả, kịp thời, khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đồng thời, việc vận động, tiếp nhận và phân phối đảm bảo công khai, minh bạch.

Đáng chú ý, hàng loạt điểm mới tại Nghị định số 93 so với Nghị định cũ nhằm vận động tối đa nguồn lực từ xã hội để hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.

Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, Nghị định số 93 bổ sung thêm quy định về khắc phục khó khăn do dịch bệnh từ nguồn đóng góp tự nguyện, bao gồm các bệnh truyền nhiễm ở người quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh động vật quy định tại Luật Thú y, dịch hại thực vật quy định tại Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Về đối tượng áp dụng, bên cạnh các nhóm đối tượng được tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh sự cố đã được quy định trước đây như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các quỹ từ thiện, Nghị định số 93 bổ sung thêm một số đơn vị.

Cụ thể, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai trong tình huống khẩn cấp về thiên tai có thể kêu gọi đóng góp tự nguyện từ quốc tế; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND cấp tỉnh, cấp huyện; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khác có tư cách pháp nhân và cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự. 

MỞ TÀI KHOẢN RIÊNG THEO TỪNG CUỘC VẬN ĐỘNG

Để đảm bảo tính công khai, minh bạch khi cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện, ông Vũ Đức Hội cho biết, Nghị định số 93 quy định thứ nhất, khi vận động, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên phương tiện truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận với tiền, địa điểm tiếp nhận với hiện vật, thời gian cam kết phân phối.

Đồng thời, người vận động gửi văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú thông báo về nội dung này. Chính quyền xã sẽ lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

 
Ông Vũ Đức Hội, Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính).
Ông Vũ Đức Hội, Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính).

"Cá nhân tham gia vận động phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng theo từng cuộc vận động, để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp. Bố trí địa điểm tiếp nhận, bảo quản hiện vật đóng góp. Cá nhân có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện".

 

Thứ hai, cá nhân tham gia vận động phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng theo từng cuộc vận động, để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp. Bố trí địa điểm tiếp nhận, bảo quản hiện vật đóng góp.

Đồng thời, có biên nhận các khoản đóng góp bằng tiền hoặc hiện vật tiếp nhận được nếu người đóng góp yêu cầu và không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết. Cá nhân có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.

Thứ ba, cá nhân vận động quyên góp thông báo đến địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ để phối hợp xác định phạm vi, nhóm người cần hỗ trợ, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ.

“Chậm nhất 3 ngày làm việc, chính quyền địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ phải hướng dẫn các nội dung trên và cử lực lượng tham gia phân phối cùng người vận động khi cần thiết hoặc theo đề nghị của người đó”, ông Hội cho hay.

Nếu số tiền đóng góp tự nguyện còn dư thì người đứng ra vận động thống nhất với những người đóng góp để có phương án sử dụng hoặc chuyển cho Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện chính sách an sinh xã hội đảm bảo phù hợp với mục tiêu đã cam kết.

Thứ tư, cá nhân đứng ra vận động cứu trợ phải tự chi trả toàn bộ các chi phí liên quan, như chi phí tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp... Trường hợp tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì cá nhân vận động được trích kinh phí từ nguồn vận động được nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này.

Thứ năm, để đảm bảo tính công khai, minh bạch các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, phân phối để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước nhấn mạnh: “Người vận động cần mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về quá trình này, từ khâu tiếp nhận đến khi phân phối xong, công khai trên truyền thông và gửi kết quả đến UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết tại trụ sở trong 30 ngày”.

Các nội dung công khai gồm văn bản vận động cứu trợ, kết quả tiếp nhận về tổng số tiền, hiện vật tiếp nhận, kết quả phân phối... Trường hợp cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu, người vận động cứu trợ có trách nhiệm cung cấp thông tin.

KÉO DÀI THỜI GIAN VẬN ĐỘNG, LÀM RÕ KHOẢN CHI

Để đảm bảo nguồn đóng góp tự nguyện được sử dụng kịp thời, hiệu quả, Nghị định số 93 cũng kéo dài thời gian vận động, tiếp nhận, phân phố tại Điều 8.

Theo đó, cuộc vận động được phát động ngay sau khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra. Thời gian tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố không quá 90 ngày kể từ ngày bắt đầu phát động cuộc vận động, trừ trường hợp thực hiện theo cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp. Như vậy, so với quy định cũ, Nghị định 93 nới rộng thời gian tiếp nhận các khoản đóng góp dài hơn 60 ngày.

Bên cạnh đó, thời gian phân phối được thực hiện ngay trong quá trình vận động, tiếp nhận và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian tiếp nhận.

Một điểm nổi bật tại Nghị định số 93, nhằm khắc phục hạn chế về nội dung chi hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện, Nghị định mới cũng quy định cụ thể nội dung chi từ nguồn vận động, tiếp nhận với các nguồn đóng góp tự nguyện không có điều kiện, địa chỉ cụ thể tại Điều 11.