17:40 30/12/2022

Blog chứng khoán: Kết năm 2022 buồn, VN-Index giảm mạnh Top 5 toàn cầu

iTrader

Cú đánh sập cuối phiên lặp lại lần thứ 3 liên tục trong 3 ngày cuối năm khiến VN-Index kết thúc trong sắc đỏ và chỉ số giảm cho cả năm 2022 tới 32,78%. 4 thị trường tệ hơn VN-Index là Croatia giảm 87,36%, Nga giảm 43,31%, Nasdaq giảm 33,03% (tính đến 29/12/2022)...

VN30-Index bị ép mạnh trong khoảng 30 phút cuối phiên hôm nay.
VN30-Index bị ép mạnh trong khoảng 30 phút cuối phiên hôm nay.

Cú đánh sập cuối phiên lặp lại lần thứ 3 liên tục trong 3 ngày cuối năm khiến VN-Index kết thúc trong sắc đỏ và chỉ số giảm cho cả năm 2022 tới 32,78%. 4 thị trường tệ hơn VN-Index là Croatia giảm 87,36%, Nga giảm 43,31%, Nasdaq giảm 33,03% (tính đến 29/12/2022).

Thị trường hôm nay thực ra không quá xấu, chủ đạo là cổ phiếu dao động đi ngang hẹp. VNI và VN30 giảm là do sức ép từ các cổ phiếu lớn. Điều này tuy không gây nhiều ảnh hưởng tới các cổ phiếu khác, nhưng tạo cảm giác chán nản và thất vọng.

Dòng tiền co hẹp đáng kể trong tuần qua và đó là hiệu ứng của tâm lý nghỉ ngơi, không hẳn là sự lo lắng về xu hướng. Giá trị khớp trung bình trên HSX tuần này là 6.791 tỷ đồng/ngày. Một so sánh đáng kể quan tâm: Tuần cuối tháng 12/2021 giao dịch trung bình 23.187 tỷ đồng/ngày; Tuần cuối tháng 12/2020 là 11.883 tỷ đồng/ngày.

Dĩ nhiên không khó để cảm nhận dòng tiền teo tóp lại nhiều, nhưng đó cũng chưa phải là câu chuyện chính. Thuần túy con số, so với giai đoạn trước 2020 thì mức giao dịch hiện tại còn cao: Tuần cuối tháng 12/2019 trung bình là 2.645 tỷ đồng/ngày; 2018 là 2.389 tỷ đồng/ngày; 2017 là 4.890 tỷ đồng/ngày; 2016 là 1.815 tỷ đồng/ngày. Nói cách khác, tiền có thể rút ra phần nào đó, nhưng sự quan tâm hay “nhúng chân” vào thị trường chứng khoán vẫn đã gia tăng.

Điều quan trọng là quy mô thị trường, hay đúng hơn là lượng cổ phiếu mới, đã tăng rất nhiều lần so với giai đoạn trước. Điều này đồng nghĩa với để thị trường tăng cần một lượng tiền lớn hơn nhiều. Nếu không thu hút được dòng tiền quay lại thì cơ hội tăng rất khó. Thị trường hiện tại phản ánh những lo ngại trong tương lai và các yếu tố vĩ mô thay đổi mới có thể thay đổi được một xu hướng lớn – đang là giảm (bear-market).

Trước mắt kết quả kinh doanh quý 4/2022 hay quý 1/2023 vẫn có thể còn nhiều rắc rối, ví dụ câu chuyện trích lập dự phòng, nợ xấu, sụt giảm doanh thu. Xu hướng tăng lãi suất toàn cầu có thể chậm lại, nhưng vẫn là tăng và neo ở mức cao. Rủi ro suy thoái kinh tế ở các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam đang thể hiện lên hoạt động kinh doanh cuối năm và có thể còn tiếp tục. Câu chuyện trái phiếu đáo hạn năm 2023 vẫn còn tiềm ẩn rủi ro...

Điều thị trường chờ đợi có lẽ là một bức tranh đầy đủ, xấu cũng được, nhưng đừng mù mờ. Điểm hay là khi những gì xấu nhất đã bộc lộ thì thị trường lại phản ánh kỳ vọng thay đổi tích cực.

Trong ngắn hạn, thị trường dao động tăng giảm vài ngày, vài tuần do cung cầu từng thời điểm nhưng một xu hướng lớn thì khó hơn. Câu chuyện đầu cơ ngắn hạn là tranh thủ những phản ứng nhỏ trên thị trường và điều quan trọng nhất là tính kỷ luật, chấp nhận mức độ kỳ vọng thấp và tập trung vào cung cầu thay vì diễn giải chủ quan các thông tin.

VN30 hôm nay chốt tại 1005.19, ngay tại một mốc. Cản kế tiếp phiên tới là 1011; 1017; 1029; 1035; 1042; 1050. Hỗ trợ 997; 991; 982; 977; 968; 960.

F1 thu hẹp basis cuối phiên, liệu có phải tín hiệu tốt cho tuần tới?
F1 thu hẹp basis cuối phiên, liệu có phải tín hiệu tốt cho tuần tới?

“Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.