15:44 11/11/2021

Blue-chips tiếp tục lao dốc, thanh khoản xấp xỉ mức kỷ lục

Kim Phong

Dòng tiền dường như đang rút ra khỏi blue-chips mạnh hơn. VN30-Index trồi sụt liên tục trong phiên, chiều nay thậm chí còn vượt nhẹ tham chiếu, nhưng cuối cùng vẫn thất bại. Với mức thanh khoản rất lớn, sức ép từ phía bán ra đang áp đảo...

Nỗ lực kéo trụ hôm nay lại thất bại, VN30-Index thậm chí còn không vượt qua được tham chiếu quá 10 phút.
Nỗ lực kéo trụ hôm nay lại thất bại, VN30-Index thậm chí còn không vượt qua được tham chiếu quá 10 phút.

Dòng tiền dường như đang rút ra khỏi blue-chips mạnh hơn. VN30-Index trồi sụt liên tục trong phiên, chiều nay thậm chí còn vượt nhẹ tham chiếu, nhưng cuối cùng vẫn thất bại. Với mức thanh khoản rất lớn, sức ép từ phía bán ra đang áp đảo.

Những nỗ lực nâng trụ chiều nay giúp VN-Index vượt qua tham chiếu trong phần lớn thời gian, nhưng VN30-Index thì không. Trong khi midcap và smallcap đều duy trì đà tăng giá rất tốt thì nhóm blue-chips VN30 lại ngày một suy yếu.

Đóng cửa, chỉ số đại diện nhóm blue-chips sụt giảm 0,62% chỉ với 8 mã tăng/22 mã giảm. Mức giảm này còn yếu hơn cả thời điểm chốt phiên sáng (giảm 0,25%) do sức ép từ nhóm trụ quá mạnh, nhất là các cổ phiếu ngân hàng.

Chỉ số VNFIN giảm 1,1%, FINLEAD giảm 1,41%, FINSELECT giảm 1,12% đều phản ánh một diễn biến như nhau: các cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm và giảm nhiều hơn trong phiên chiều. 4 cổ phiếu ngân hàng duy nhất trên các sàn còn tăng là PGB, EIB, SHB và VCB. Ngược lại, 23 mã khác đồng loạt giảm và VN30-Index bị tác động mạnh từ CTG giảm 1,69%, MBB giảm 1,75%, STB giảm 2,64%, TPB giảm 2,27%, ACB giảm 1,2%...

Thực ra với độ rộng quá hẹp và hầu hết là giảm sâu hơn buổi sáng, VN30-Index suy yếu là điều bình thường. Tuy nhiên điểm nhấn ở nhóm này là mức thanh khoản cực lớn, tới 12.747 tỷ đồng. VN30-Index đã có 3 phiên giảm liên tục và thanh khoản tăng dần, kết hợp với số cổ phiếu giảm nhiều hơn tăng. Điều này phản ánh áp lực bán chủ động cũng đang gia tăng.

Những blue-chips thanh khoản rất cao hôm nay đều xuất hiện nỗ lực phục hồi nhất định. Riêng chiều nay nhóm HPG, TCB, VHM, SSI, STB đều có một nhịp đi lên nhưng rất ngắn và kết thúc bằng nhịp giảm sâu hơn cuối phiên. Tiêu biểu là SSI có một đợt “khởi nghĩa” khá thành công. Từ 1h45 đến hơn 2h chiều, SSI đột ngột tăng vọt từ giá 44.000 đồng lên 45.500 đồng, tức là tăng 3,4% trong thời gian chớp nhoáng. Ở đỉnh, SSI vượt qua tham chiếu 1,79%. Tuy nhiên toàn bộ thời gian còn lại, SSI bị xả lần nữa và giá đóng cửa lại giảm 1,23% so với tham chiếu.

Ngoài cổ phiếu ngân hàng, HPG, VHM và GAS là 3 mã lớn giảm tác động mạnh. HPG đóng cửa giảm 2,35%, VHM giảm 1,33% và GAS giảm 1,16%. Ba mã này lấy đi gần 3,5 điểm khỏi VN-Index. May mắn vẫn còn là GVR tăng 1,95%, VCB tăng 0,72%, MWG tăng 2,66%, NVL tăng 1,44%, PLX tăng 2,57%.

Lác đác vài blue-chips có màu xanh không đủ để thay đổi cục diện!
Lác đác vài blue-chips có màu xanh không đủ để thay đổi cục diện!

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ thì hoàn toàn ngược lại. Độ rộng duy trì cân bằng ở hai nhóm này là lý do giúp độ rộng chung của sàn HoSE không quá chênh lệch (229 mã tăng/238 mã giảm). Midcap đóng cửa vẫn tăng 0,58%, Smallcap tăng 0,93%.

Đặc biệt sàn HoSE vẫn ghi nhận 34 cổ phiếu đóng cửa ở giá kịch trần, HNX có 27 mã và UpCOM là 30 mã. Như vậy tổng số cổ phiếu tăng hết biên độ trên thị trường vẫn loanh quanh 100 mã. Ngoài ra ở HoSE và HNX cũng còn gần 190 mã khác tăng giá trên 2% so với tham chiếu.

Như vậy thị trường vẫn không có sự thay đổi gì lớn: Các mã vừa và nhỏ vẫn đang là tâm điểm chú ý của nhà đầu tư cũng như của dòng tiền. Về thị phần, vẫn có khoảng 64% giá trị khớp lệnh của HoSE nằm ngoài rổ VN30. Hôm nay thanh khoản của nhóm VN30 tăng lên cũng chủ yếu là do hiện tượng xả hàng tăng cường độ.

Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay bán ra lớn không kém phiên sáng, đẩy mức rút vốn ròng cả phiên tới 1.209 tỷ đồng tại HoSE. Như vậy sau 2 phiên đầu tuần được mua ròng bất ngờ, hai phiên trở lại đây khối này đã bán ròng nhiều gấp đôi. Phiên này HPG bị xả tới gần 245 tỷ đồng ròng, VHM trên 151 tỷ, GEX hơn 122 tỷ và VND gần 111 tỷ đồng. Hàng loạt mã khác bị bán ròng rất nhiều. Riêng cổ phiếu trong nhóm VN30 bị rút đi tới 748 tỷ đồng.