10:57 05/05/2025

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân

Ngân Hà

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, đặt ra những định hướng chiến lược, mục tiêu cụ thể và các giải pháp đột phá nhằm phát huy tối đa vai trò của khu vực kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất” và là “lực lượng tiên phong” của nền kinh tế…

Khu vực kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất” và là “lực lượng tiên phong” của nền kinh tế. Ảnh minh họa.
Khu vực kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất” và là “lực lượng tiên phong” của nền kinh tế. Ảnh minh họa.

Sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Với khoảng 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, khu vực này đóng góp xấp xỉ 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động.

Tuy nhiên, sự phát triển của khu vực này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa thực sự bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh để trở thành lực lượng nòng cốt của nền kinh tế. Đa số doanh nghiệp tư nhân vẫn ở quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, với tiềm lực tài chính và trình độ quản trị còn hạn chế. Năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo thấp, dẫn đến năng suất lao động, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh chưa cao. Bên cạnh đó, tư duy kinh doanh còn thiếu tầm nhìn chiến lược, và sự kết nối với doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp FDI còn lỏng lẻo.  

Nguyên nhân của những hạn chế này được chỉ ra là do tư duy, nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân chưa đầy đủ và chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Thể chế, pháp luật còn nhiều vướng mắc, bất cập, công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa được quan tâm đúng mức. Quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh chưa được bảo đảm đầy đủ. Doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực quan trọng như vốn, công nghệ, đất đai, tài nguyên và đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả, khó tiếp cận, trong khi chi phí kinh doanh còn cao. Trước bối cảnh đó, việc đổi mới tư duy và có những giải pháp đột phá để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân là yêu cầu cấp bách.  

XÓA BỎ ĐỊNH KIẾN VỀ KINH TẾ TƯ NHÂN, KIẾN TẠO MÔI TRƯỜNG KINH DOANH THUẬN LỢI

Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo cốt lõi, thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân.

Thứ nhất, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới sáng tạo, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cấu trúc nền kinh tế. Cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế hiệu quả.  

Thứ hai, phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả và chất lượng cao là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, cần được cụ thể hóa trong các chiến lược, chính sách phát triển quốc gia nhằm giải phóng mọi tiềm năng, nguồn lực cho phát triển.  

Thứ ba, xóa bỏ triệt để mọi định kiến về kinh tế tư nhân, đánh giá đúng vai trò quan trọng của khu vực này. Đồng thời, nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo, bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, củng cố niềm tin giữa Nhà nước và khu vực tư nhân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, doanh nhân, đảm bảo kinh tế tư nhân cạnh tranh bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực.  

Thứ tư, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế. Hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách đột phá để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển trong các lĩnh vực ưu tiên, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp và làm giàu chính đáng.  

Thứ năm, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; chú trọng đào tạo đội ngũ doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, bản lĩnh, trí tuệ. Tôn vinh, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật và trách nhiệm xã hội.  

Theo đó, Nghị quyết đặt ra những mục tiêu cụ thể và đầy tham vọng cho sự phát triển của kinh tế tư nhân.

Đến năm 2030, phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, đạt tỷ lệ 20 doanh nghiệp/1.000 dân; ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10-12%/năm; đóng góp 55-58% GDP, 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước; giải quyết 84-85% tổng số việc làm…

Đến năm 2045, phấn đấu có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động, đóng góp trên 60% GDP, và có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế.

TÁM NHÓM GIẢI PHÁP THÁO GỠ ĐIỂM NGHẼN

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, bao trùm các khía cạnh từ nhận thức, thể chế, nguồn lực đến khoa học, công nghệ và phát triển đội ngũ doanh nhân. Cụ thể:

Một là, đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động, khởi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân.

Nhất quán nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân… về vị trí, vai trò kinh tế tư nhân trong cả hệ thống chính trị và xã hội. Nhà nước kiến tạo, phục vụ, không can thiệp hành chính trái nguyên tắc thị trường. Xây dựng quan hệ chính quyền - doanh nghiệp cởi mở, thân thiện, đồng hành... Đẩy mạnh truyền thông khơi dậy tinh thần kinh doanh. Nghiêm cấm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu.  

Hai là, cải cách thể chế, bảo vệ quyền tài sản và tự do kinh doanh.

Trong đó, đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế, chính sách. Đổi mới tư duy xây dựng và thực thi pháp luật theo cơ chế thị trường, giảm can thiệp hành chính, cơ chế “xin – cho”. Đảm bảo quyền tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm.

Hoàn thiện pháp luật, xóa bỏ rào cản, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, chi phí thấp. Minh bạch hóa, số hóa, tự động hóa thủ tục hành chính. Đến năm 2025, cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục, 30% chi phí tuân thủ, 30% điều kiện kinh doanh. Phấn đấu đến 2028, môi trường kinh doanh thuộc top 3 ASEAN, top 30 thế giới.

Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, sửa đổi Luật Phá sản, đẩy mạnh tố tụng điện tử. Thiết lập cơ chế phản hồi về vướng mắc. Đảm bảo không phân biệt đối xử trong tiếp cận nguồn lực. Hoàn thiện chính sách thuế, phí công bằng cũng như khung pháp lý cho mô hình kinh tế mới (Fintech, AI, tài sản ảo...), cơ chế thử nghiệm sandbox và pháp luật về dữ liệu…

Có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho DNNVV, bãi bỏ lệ phí môn bài, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 3 năm đầu. Đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, ưu tiên DNNVV tham gia mua sắm công…

Ba là, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn lực (đất đai, vốn, nhân lực).

Trong đó, có cơ chế, chính sách phù hợp kiểm soát biến động giá đất, hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai trong năm 2025. Thực hiện giao dịch điện tử, công khai thông tin, giảm thời gian thủ tục.

Cho phép địa phương dùng ngân sách hỗ trợ hạ tầng KCN, CCN để dành quỹ đất (tối thiểu 20ha/khu hoặc 5% quỹ đất) cho doanh nghiệp công nghệ cao, DNNVV, khởi nghiệp sáng tạo thuê, giảm 30% tiền thuê đất 5 năm đầu.

Khuyến khích cho vay dựa trên dòng tiền, chuỗi giá trị, tài sản vô hình. Phát triển tín dụng xanh, hỗ trợ lãi suất cho dự án xanh, ESG. Hoàn thiện mô hình quỹ bảo lãnh tín dụng, khuyến khích doanh nghiệp lớn bảo lãnh cho DNNVV. Hoàn thiện hoạt động Quỹ Phát triển DNNVV, bổ sung chức năng đầu tư vào quỹ đầu tư tư nhân, tài trợ vốn mồi khởi nghiệp. Sửa đổi quy định về công ty cho thuê tài chính. Ban hành khung pháp lý thử nghiệm cho vay ngang hàng, sàn gọi vốn cộng đồng.

Kết nối, chia sẻ dữ liệu ngân hàng - thuế để đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao quản trị tài chính. Tăng cường giám sát hoạt động tín dụng. Hoàn thiện chính sách thuế tạo thuận lợi cho quỹ đầu tư góp vốn. Nghiên cứu cho phép định chế tài chính huy động vốn từ quỹ BHXH, hưu trí. Nâng hạng thị trường chứng khoán, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp chất lượng cao. Khuyến khích liên kết đào tạo quốc tế. Triển khai chương trình đào tạo 10.000 giám đốc điều hành, huy động doanh nhân thành đạt tham gia đào tạo. Thúc đẩy đào tạo kỹ năng sáng tạo, STEM, ngoại ngữ, kỹ năng số.  

Bốn là, thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Triển khai quyết liệt Nghị quyết 57-NQ/TW. Ban hành khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) cho công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Cho phép tính chi phí R&D vào chi phí được trừ thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 200% chi phí thực tế.

Hỗ trợ chi phí đầu tư công nghệ, chuyển đổi số, xanh qua khấu trừ thuế hoặc tài trợ. Cho phép doanh nghiệp trích tối đa 20% thu nhập tính thuế lập quỹ KHCN, đổi mới sáng tạo. Cho phép doanh nghiệp sử dụng phòng thí nghiệm, thiết bị nghiên cứu của Nhà nước với phí hợp lý.

 Miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia làm việc tại doanh nghiệp, trung tâm đổi mới sáng tạo.

Năm là, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp.

Xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp theo cụm ngành, chuỗi giá trị. Khuyến khích doanh nghiệp lớn dẫn dắt chuỗi cung ứng nội địa. Hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành. Việc doanh nghiệp lớn chuyển giao công nghệ, hỗ trợ DNNVV là tiêu chí hưởng ưu đãi.

Chi phí đào tạo của doanh nghiệp lớn cho DNNVV được trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. Khuyến khích tổ chức tín dụng tài trợ vốn theo chuỗi. Hỗ trợ doanh nghiệp đạt chứng chỉ quốc tế. Hỗ trợ kết nối doanh nghiệp FDI và nội địa. Áp dụng tỷ lệ nội địa hóa phù hợp, yêu cầu dự án FDI lớn có kế hoạch sử dụng chuỗi cung ứng nội địa. Hỗ trợ khởi nghiệp cho cán bộ từng làm việc tại FDI.  

Sáu là, hình thành và phát triển doanh nghiệp lớn, tập đoàn tư nhân tầm cỡ.

Mở rộng sự tham gia của tư nhân vào dự án quan trọng quốc gia. Nhà nước chủ động đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu hoặc ưu đãi cho tư nhân tham gia lĩnh vực chiến lược (đường sắt tốc độ cao, năng lượng, hạ tầng số, quốc phòng...).

Thúc đẩy tư nhân đầu tư vào y tế, giáo dục chất lượng cao, công nghiệp văn hóa. Đa dạng hóa mô hình hợp tác công tư (PPP). Triển khai Chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiên phong về KHCN, đổi mới sáng tạo. Triển khai Chương trình “Go Global” hỗ trợ doanh nghiệp vươn ra quốc tế.  

Bảy là, hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh.

Hoàn thiện pháp lý về kinh doanh cá thể, khuyến khích chuyển đổi thành doanh nghiệp. Đơn giản hóa chế độ kế toán, thuế, bảo hiểm. Xóa bỏ thuế khoán chậm nhất năm 2026. Cung cấp miễn phí nền tảng số, phần mềm kế toán, tư vấn pháp lý, đào tạo. Thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện, thúc đẩy tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, ưu tiên nhóm yếu thế.  

Tám là, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần doanh nhân.

Xây dựng đội ngũ doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, khát vọng cống hiến. Đánh giá doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế dựa trên tuân thủ pháp luật, tạo việc làm, đóng góp ngân sách, an sinh xã hội.

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đưa đào tạo khởi nghiệp vào giáo dục. Huy động doanh nhân tham gia quản trị đất nước. Thiết lập quan hệ chặt chẽ, thực chất giữa chính quyền và doanh nghiệp.

Phát huy vai trò phản biện chính sách của doanh nghiệp, hiệp hội, nghiêm cấm trục lợi chính sách.