21:11 17/03/2017

Bộ Công Thương muốn áp giá linh hoạt, bù chi phí cho thuỷ điện

Bạch Dương

Bộ Công Thương đang tính áp dụng cơ chế giá linh hoạt, có tính đến cơ chế bù đắp chi phí để thủy điện đảm bảo tốt vai trò – điều tiết lũ và cung cấp điện hiệu quả.

Vận hành thuỷ điện thời gian qua gặp nhiều sự cố nghiêm trọng.
Vận hành thuỷ điện thời gian qua gặp nhiều sự cố nghiêm trọng.
Tại Hội nghị vận hành an toàn, hiệu quả hồ chứa thủy điện do Bộ Công Thương tổ chức hôm 17/3, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thời gian qua đã xảy ra một số sự cố trong lĩnh vực thuỷ điện như thuỷ điện Đăk Mek tỉnh Kon Tum, Đakrông 3 tỉnh Quảng Trị, Sông Bung 2 tỉnh Quảng Nam, Ia Krel 2 tỉnh Gia Lai, vận hành hồ chứa thủy điện trong mùa mưa lũ ở Hố Hô tỉnh Hà Tĩnh…

"Các hồ đập thuỷ điện đang tiềm ẩn nguy cơ cho vùng hạ du nếu các thủy điện vận hành không an toàn. Việc thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại để có biện pháp xử lý, khắc phục, nhằm quản lý thủy điện tốt hơn, phát huy những thế mạnh, đồng thời hạn chế thấp nhất những thiệt hại trong tương lai là việc làm cần thiết và cấp bách”, Bộ trưởng nhận định.

Bộ trưởng cũng cho biết, phía Bộ chủ quản đang chủ động xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban ngành, đơn vị liên quan trong việc kiểm tra hoạt động kiểm tra vận hành thủy điện trong phòng chống lũ lụt, thiên tại tại địa phương.

"Trong đó, có tính đến cơ chế giá linh hoạt, có tính đến cơ chế bù đắp chi phí để thủy điện đảm bảo tốt vai trò - điều tiết lũ và cung cấp điện hiệu quả”, văn bản nêu.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ chế cụ thể cho hoạt động quan trắc, bảo vệ môi trường, khắc phục những tồn tại yếu kém trong thời gian qua. Đặc biệt, các hoạt động quan trắc, bảo vệ môi trường cũng sẽ được gắn với vai trò trách nhiệm cụ thể ở từng địa phương.

Bộ trưởng nhấn mạnh việc sẽ có chế tài xử lý mạnh đối với các vi phạm như rút giấy phép đối với các chủ dự án, thủy đập không tuân thủ quy định pháp luât.

Theo thống kê của Bộ Công Thương vừa công bố, tính đến nay cả nước có 330 công trình thủy điện được đưa vào khai thác, sử dụng với tổng công suất lắp đặt 17.615MW, trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc và miền Trung - Tây Nguyên.

Tổng sản lượng điện phát của các công trình thủy điện năm 2016 là 63.730 triệu kWh so với năm 2012 (48421 triệu kWh) phát tăng thêm 15.309 triệu kWh. Bên cạnh đó, Việt Nam có khoảng 193 dự án (tương đương 5.662MW) đang thi công xây dựng; 245 dự án (3.006MW) đang nghiên cứu đầu tư.

Tính đến hết năm 2016, các nhà máy thủy điện đang vận hành chiếm tỷ trọng khoảng 32% về điện năng và 40% về công suất lắp máy. Đây là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, giá thành rẻ hơn các nguồn điện khác.