07:00 20/09/2023

Bộ Giao thông vận tải trước áp lực giải ngân vốn đầu tư công

Anh Khuê

Tính đến hết tháng 8/2023, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục duy trì tỷ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân chung của cả nước khi tổng giá trị giải ngân đạt gần 50.000 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch năm. Tuy nhiên làm thế nào để giải ngân số vốn khoảng 45.000 tỷ đồng còn lại từ nay đến cuối năm?...

Nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023 đặt ra nhiêu thách thức đối với ngành GTVT, các chủ đầu tư dự án...
Nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023 đặt ra nhiêu thách thức đối với ngành GTVT, các chủ đầu tư dự án...

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Giao thông vận tải là 95.200 tỷ đồng; trong đó, vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội là 54.549 tỷ đồng, vốn trung hạn là 40.673 tỷ đồng.

GIÁ TRỊ GIẢI NGÂN TẬP TRUNG Ở DỰ ÁN CAO TỐC BẮC NAM

Vụ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, cho biết trong 8 tháng đầu năm 2023, ngành giao thông tập trung giải ngân ở các dự án cao tốc Bắc Nam và đạt trên 36.200 tỷ đồng, chiếm khoảng 74% tỷ trọng giá trị giải ngân của Bộ Giao thông vận tải.

Tính đến hết tháng 8/2023, toàn ngành đã giải ngân được hơn 49.700 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch giao và đạt 95% kế hoạch chủ đầu tư đăng ký. Chia ra: Giá trị giải ngân nguồn vốn phục hồi đạt hơn 27.000 tỷ đồng; vốn trung hạn giải ngân 22.630 tỷ đồng.

Kết quả giải ngân này cao hơn 2 lần về giá trị và cao hơn 12% về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, đến hết tháng 8/2022, Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân ước 22.263 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch.

Cụ thể: Các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 giải ngân gần 9.500 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch năm và 98% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký. Các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 giải ngân khoảng 26.800 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch năm và 93% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký.

Các dự án quan trọng, cấp bách khác giải ngân 547 tỷ đồng, đạt trên 34% kế hoạch năm và 60% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký. Các dự án ODA giải ngân hơn 5.000 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch năm và 99% kế hoạch giải ngân các chủ đầu tư đăng ký. Các dự án trong nước khác, giải ngân 7.870 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch năm và đạt 96% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký.

Nếu xét theo nhóm chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư thuộc Bộ Giao thông vận tải thì công tác giải ngân đạt gần 46.900 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 95% giá trị đã giải ngân của Bộ Giao thông vận tải, đạt gần 52% kế hoạch năm và 95% kế hoạch do các chủ đầu tư đăng ký. Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đạt tỷ lệ giải ngân cao, như: Ban quản lý Dự án 2, Ban quản lý Dự án Thăng Long, Ban quản lý Dự án 6, Ban Quản lý Dự án 7, Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận, Cục Đường bộ Việt Nam, Ban quản lý Dự án Đường sắt,…

Tuy nhiên, theo Vụ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải không khỏi lo lắng khi nguồn vốn đầu tư công còn lại từ nay đến cuối năm, khoảng 45.000 tỷ đồng, trong đó vốn của Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế xã hội còn nút thắt cần hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng. Trong đó tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án còn bị chậm so với kế hoạch, lượng vốn từ nguồn vốn phục hồi bố trí giải phóng mặt bằng cho các địa phương, dự báo không đạt như yêu cầu.

THÁCH THỨC GIẢI NGÂN NHỮNG THÁNG CÒN LẠI

Phấn đấu đạt 95% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao và 100% kế hoạch vốn đăng ký, là mục tiêu Bộ Giao thông vận tải đặt ra từ nay đến cuối năm 2023.

Muốn làm được điều này cần sự nỗ lực cùng quyết tâm, đổi mới trong triển khai thực hiện của các chủ đầu tư dự án, sự đôn đốc, giám sát chặt chẽ của các cơ quan tham mưu.

Bộ Giao thông vận tải phấn đấu giải ngân đạt 95% vốn kế hoạch giao từ nay đến cuối năm. Ảnh: Đăng Trung.
Bộ Giao thông vận tải phấn đấu giải ngân đạt 95% vốn kế hoạch giao từ nay đến cuối năm. Ảnh: Đăng Trung.

Vụ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết, kế hoạch từ nay đến cuối năm là nặng nề khi nguồn vốn chưa được giải ngân còn khá cao. Kế hoạch giải ngân theo từng tháng cũng được đặt ra cụ thể; trong đó, kế hoạch tháng 9/2023 các chủ đầu tư đề ra là giải ngân khoảng 7.400 tỷ đồng.

Bộ Giao thông vận tải đang tập trung chỉ đạo triển khai, tăng tốc tiến độ các dự án đang thi công, chuẩn bị thi công gôm các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 và 2, các dự án quốc lộ, đường Hồ Chí Minh,…

Cụ thể, dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 (2017 – 2020) gồm các dự án thành phần: Cầu Mỹ Thuận 2, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, tăng mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ; rà soát quy định hợp đồng để đề xuất xử lý theo quy định trong trường hợp các nhà đầu tư không đáp ứng năng lực theo yêu cầu.

Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 (2021 – 2025), Bộ Giao thông vận tải yêu cầu xác định tiến độ giải ngân vốn cho công tác giải phóng mặt bằng chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, các chủ đầu tư cần phối hợp với địa phương tập trung xử lý dứt điểm vướng mắc, hoàn thiện thủ tục để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Cần rà soát để điều hòa nguồn vốn gải phóng mặt bằng dự kiến không giải ngân hết cho công tác xây dựng, phấn đấu giải ngân hết số vốn được giao.

Các dự án chuẩn bị đầu tư, như: Quốc lộ 8C qua Hà Tĩnh; quốc lộ 4B qua Lạng Sơn; đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn, đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, đoạn Gò Quao - Vĩnh Thuận của Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh,… các chủ đầu tư được yêu cầu đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, khởi công các dự án đúng kế hoạch để giải ngân nguồn vốn đã bố trí.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 06/9/2023, số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 52.145,171 tỷ đồng. Nguyên nhân các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết 100% cho các nhiệm vụ, dự án chủ yếu là của các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.