Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Hết tiền cho Hà Giang xây trụ sở mới
Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước 2016 - 2020 đã giao cho tỉnh Hà Giang gần 8.900 tỷ. Hiện không còn nguồn bổ sung cho Tỉnh xây trụ sở
Trong văn bản cho ý kiến về đề xuất xây trụ sở cơ quan hành chính tập trung của Hà Giang, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước 2016 - 2020 đã giao cho tỉnh Hà Giang gần 8.900 tỷ đồng.
Hiện nguồn vốn này đã được phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương nên không còn nguồn bổ sung cho tỉnh Hà Giang xây trụ sở.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Hà Giang cần làm rõ sự cần thiết, cấp bách trong thực hiện dự án xây trụ sở này, bởi hiện Hà Giang là tỉnh nghèo, khả năng cân đối nguồn lực hạn chế và đang có nợ đọng xây dựng cơ bản lớn.
Bộ này cũng đề nghị Hà Giang làm rõ cơ cấu vốn thực hiện dự án, mức giá thuê dịch vụ hằng năm cũng như cơ chế chi trả, hoàn vốn cho nhà đầu tư...
"Vốn đầu tư xây dựng cơ bản hằng năm của tỉnh chưa nêu rõ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho tỉnh hay từ nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, thời gian chi trả các nguồn vốn chưa đồng nhất", Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt câu hỏi.
Trước đó, UBND tỉnh Hà Giang có tờ trình Thủ tướng Chính phủ xin tiếp tục được triển khai thủ tục đầu tư và khởi công Dự án hợp đồng khối trụ sở làm việc các cơ quan hành chính tỉnh Hà Giang theo hình thức PPP, hợp đồng BLT (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ).
Theo đề xuất của UBND tỉnh Hà Giang, dự án bao gồm 2 tòa nhà, mỗi tòa 12 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng 29.888 m2, tổng vốn đầu tư dự kiến là 692,9 tỷ đồng. Phương án tài chính được phác thảo ban đầu là thời gian trả gốc và lãi 11 năm; thời gian kinh doanh, thu hồi vốn là 9 năm. Tổng số tiền tỉnh Hà Giang phải thanh toán là 1.021 tỷ đồng.
Ngoài nguồn thu từ đấu giá quỹ đất trụ sở cơ quan cũ, nguồn kinh phí chi thường xuyên của các đơn vị, vẫn cần khoảng 25 tỷ đồng/năm vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm của Tỉnh để thanh toán cho Dự án này trong vòng 11 năm.
Hà Giang vẫn được coi là địa phương có điều kiện đặc biệt khó khăn. Theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 74.313 hộ nghèo, chiếm 43,65%, năm 2016 có 7.016 hộ thoát nghèo, hiện tỷ lệ hộ nghèo còn 38,75% số hộ nghèo…Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 16 (nhiệm kỳ 2015 - 2020), đến năm 2020, Hà Giang mới thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.