14:30 28/12/2007

Bỏ lỡ cơ hội

Các doanh nghiệp Việt Nam đã để vuột mất cơ hội khi quá "gắn bó” với USD, sử dụng đồng tiền này trong hầu hết các hợp đồng xuất khẩu

Do quá "gắn bó" với USD, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bỏ lỡ thời cơ khi đồng tiền này bị suy yếu so với các ngoại tệ khác.
Do quá "gắn bó" với USD, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bỏ lỡ thời cơ khi đồng tiền này bị suy yếu so với các ngoại tệ khác.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã để vuột mất cơ hội khi quá "gắn bó” với đồng USD, sử dụng đồng tiền này trong hầu hết các hợp đồng xuất khẩu.

Quen ỷ lại

Lâu nay, khi xuất hàng sang châu Âu hay các thị trường khác ngoài Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam rất ít khi yêu cầu đối tác thanh toán bằng đồng tiền của nước họ. Trái lại, các doanh nghiệp “thích” được thanh toán bằng USD.

Tiếc thay, trong vòng một năm qua, đồng USD đã rớt giá so với hầu hết các đồng tiền khác như euro (EUR), đô la Úc (AUD), đô la Canada (CAD), bảng Anh (GBP), franc Thụy Sỹ (CFH) và yen Nhật (JPY). Các doanh nghiệp lẽ ra đã được hưởng lợi khi đồng USD yếu đi.

Ví dụ, đầu năm công ty A xuất hàng qua châu Âu mang về 200.000 USD hoặc tương đương 151.550 euro nếu nhận thanh toán bằng đồng tiền của nước nhập khẩu. Với 151.550 euro kia thì giờ đây lẽ ra có thể đổi được hơn 222.126 USD. Như vậy, công ty đã bở lỡ cơ hội kiếm thêm hơn 22.126 USD. Số tiền này có thể làm được nhiều thứ, chẳng hạn như bù trượt giá lương cho công nhân.

Dĩ nhiên còn phải tính đến lãi suất của hai đồng tiền này. Với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của Vietcombank chi nhánh TPHCM là 4,6%/năm đối với USD và 2,5%/năm đối với euro thì khoản chênh lệch kia lúc này còn gần 18.480 USD, cũng không nhỏ chút nào.

Tạo sao doanh nghiệp “thích” USD? Ít nhất có ba lý do. Thứ nhất, tỷ giá USD/đồng Việt Nam dễ theo dõi vì chúng được niêm yết khắp mọi nơi. Không chỉ có ngân hàng mà siêu thị, nhà hàng, tiệm vàng… đâu đâu cũng có thể nhìn thấy tỷ giá này, trong khi tỷ giá các đồng tiền khác thậm chí không phải ngân hàng nào cũng niêm yết.

Thứ hai, nhiều doanh nghiệp chưa có giám đốc tài chính (CFO) để tính toán nên sử dụng các đồng tiền ra sao nhằm không những tránh rủi ro mà còn có thể “kiếm thêm”. Thứ ba, và có lẽ đây là yếu tố quan trọng nhất, đó là các doanh nghiệp được Nhà nước “bảo hộ” nên ỷ lại.

Bảo hộ ở đây có nghĩa là Nhà nước đã cho không doanh nghiệp một quyền chọn bán USD khi mà Ngân hàng Nhà nước hàng năm đề ra chỉ tiêu và cố gắng duy trì tốc độ mất giá 1% của tiền đồng so với USD. Doanh nghiệp thuê CFO làm gì để phải trả lương cao cho phí, cũng chẳng cần mua bảo hiểm chi cho tốn tiền. Nói nghe khó hiểu nhưng ví dụ, một doanh nghiệp xuất hàng sang Úc sẽ mang về 200.000 USD sáu tháng tới.

Doanh nghiệp chẳng cần phải tính xem ngay từ bây giờ nên làm gì với số tiền sắp nhận được mà cứ đợi đến khi có tiền, lúc đó bán đi lấy tiền đồng cũng chưa muộn, vì biết chắc 200.000 USD kia sáu tháng sau sẽ đổi được nhiều tiền đồng hơn bây giờ.

Nếu không có 1% bảo hiểm của Ngân hàng Nhà nước, thì doanh nghiệp sẽ chạy tới ngân hàng mua ngay một hợp đồng quyền chọn bán USD kỳ hạn sáu tháng với tỷ giá là 16.000 đồng/USD chẳng hạn. Nếu không làm thế, tỷ giá sáu tháng sau không phải là 16.000 đồng mà chỉ còn 15.500 đồng thì chết.

Nhiều ngân hàng đã được thực hiện quyền chọn tiền đồng-ngoại tệ, ngoại tệ-ngoại tệ nhưng có ngân hàng cho biết rất ít khách hàng sử dụng công cụ phái sinh này. Doanh nghiệp đã được Nhà nước bảo hiểm tỷ giá rồi thì mua thêm bảo hiểm của ngân hàng chi nữa!

Còn đối với ngân hàng, việc đưa ra các sản phẩm phái sinh đôi khi cũng chỉ để cho có với người ta. Dealer (nhân viên giao dịch tiền tệ) của các ngân hàng rất rành các nghiệp vụ kinh doanh này nhưng đôi khi hội đồng quản trị nghe trình bày thấy phức tạp quá nên thôi, cái gì đơn giản thì làm.

Ví dụ, ngân hàng bán một quyền chọn bán 300.000 USD kỳ hạn sáu tháng cho một doanh nghiệp và một quyền chọn mua 200.000 USD kỳ hạn ba tháng cho một doanh nghiệp khác. Để đơn giản, hiện nay, các ngân hàng mang các hợp đồng này tái ký hết cho nước ngoài để hưởng chênh lệch. Nếu làm bài bản, ngân hàng sẽ tìm cách khớp 200.000 USD của hai hợp đồng kia với nhau, còn lại bao nhiêu mới tái ký. Phí của một hợp đồng quyền chọn giả sử là 0,05% trên giá trị hợp đồng thì các ngân hàng chỉ hưởng được chừng 0,025%, tức một nửa, nếu tái ký hết.

Đến lúc phải tự thân vận động

Ngân hàng Nhà nước, có thể nói, không thể tiếp tục cho không doanh nghiệp hợp đồng bảo hiểm như trước nay nữa. Bằng chứng là tiền đồng trong năm qua hầu như giữ nguyên so với USD. Tiền đồng giảm mạnh trong quí 3 nhưng sau đó tăng trở lại và hiện nay đang dao động ở vị trí hồi đầu năm. Các doanh nghiệp nên chuẩn bị tinh thần.

Vốn nước ngoài đổ vào nhiều, Ngân hàng Nhà nước phải dùng tiền đồng mua USD để giữ tỷ giá ổn định, tức mất giá 1%/năm so với USD. Mua nhiều làm tăng cung tiền đồng, gây ra lạm phát cao. Sức ép lạm phát khiến Ngân hàng Nhà nước hạn chế mua USD, thế là USD giảm giá so với tiền đồng.

Nhận thấy chỉ tiêu mất giá 1% không còn đạt được nữa, gần đây, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chỉ tiêu này xuống một nửa, tức còn 0,5%. Cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước “mất cả chì lẫn chài”: tiền đồng tăng giá và lạm phát vượt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế.

Sắp tới sẽ ra sao? Các chuyên gia dự đoán lạm phát cao sẽ tiếp tục là một thách thức trong năm tới khi mà Việt Nam muốn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (8,5%). Trong số các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như lạm phát, lãi suất và tỷ giá thì Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên kiểm soát lạm phát. Dẫu sao đây cũng là chỉ tiêu được Quốc hội giao, các chỉ tiêu kia thì không.

Việc Ngân hàng Nhà nước để cho tiền đồng tăng giá dần dần thời gian gần đây cho thấy rằng cơ quan này đã “nhượng bộ” chỉ tiêu tỷ giá để kiểm soát lạm phát. Điều này cũng dự báo xu hướng tăng giá của tiền đồng trong năm mới này. ANZ dự báo tiền đồng sẽ tăng giá 0,2% so với USD trong năm 2008, trong khi HSBC cho rằng tỷ lệ này sẽ là 1%.

Các doanh nghiệp cần làm quen với môi trường đầy biến động này khi đất nước mở cửa. Không hiểu sao gần đầy HSBC ở Việt Nam đưa ra lãi suất khá cao đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp, đặc biệt là EUR, CAD và AUD.

Cao ở đây là so với lãi suất của các ngân hàng trong nước chứ so với nước ngoài có khi còn thấp hơn. Có lẽ họ dự báo các doanh nghiệp sẽ chú ý đến các đồng tiền khác ngoài USD nên huy động vốn để đón đầu? Dẫu sao các doanh nghiệp cũng nên chú ý những động thái này để đừng bỏ lỡ cơ hội như năm qua.

Việc Ngân hàng Nhà nước để cho tiền đồng tăng giá dần dần thời gian gần đây cho thấy rằng cơ quan này đã "nhượng bộ" chỉ tiêu tỷ giá để kiểm soát lạm phát. Ðiều này cũng dự báo xu hướng tăng giá của tiền đồng trong năm mới này.