10:41 28/01/2007

“Bộ Ngoại giao phải giúp doanh nghiệp”

Ý kiến của ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI)

"Các cán bộ ngoại giao của ta thiết lập mối quan hệ với các doanh nghiệp rất lỏng lẻo."
"Các cán bộ ngoại giao của ta thiết lập mối quan hệ với các doanh nghiệp rất lỏng lẻo."
Ý kiến của ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI).

“Nếu so với cách làm ngoại giao kinh tế của các nước khác tại Việt Nam thì ta thấy các cán bộ ngoại giao của ta giúp doanh nghiệp rất ít, có thể nói là một trời một vực.

Hiệp hội của tôi thường xuyên tiếp trưởng văn phòng đại diện kinh tế văn hóa Đài Loan tại Việt Nam. Ngay khi có bất cứ động thái nào liên quan đến các vấn đề doanh nghiệp Đài Loan quan tâm là ông vào cuộc. Ông cho biết đã đi đến hầu như tất cả các địa phương ở Việt Nam vì bất cứ nơi nào có doanh nghiệp mà Đài Loan đầu tư, ông đều ghé xem họ cần gì, phải hỗ trợ gì.

Rồi tham tán các đại sứ quán của Úc, Israel, Tây Ban Nha... đều thường xuyên vận động đến các hiệp hội của Việt Nam, nắm bắt thị trường, tiếp xúc với UBND các tỉnh, các bộ ban ngành để tìm kiếm thông tin, giải quyết khúc mắc, phục vụ doanh nghiệp.

Đại sứ quán các nước thường là “bà đỡ” của các hiệp hội doanh nghiệp nước họ tại nước sở tại nên họ tìm cách duy trì mối quan hệ rất tốt để phục vụ lợi ích đất nước mình, trực tiếp là người dân, doanh nghiệp của mình. Điều đó tôi không thấy ở các cán bộ ngoại giao Việt Nam.

Có lẽ chúng ta mới nhận ra tầm quan trọng của ngoại giao kinh tế. Khi Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm kiêm nhiệm thêm chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, tôi thấy đã có thay đổi bước đầu.

Tuy nhiên thực tế tính phục vụ vẫn chưa được thay đổi bao nhiêu. Các cán bộ ngoại giao của ta thiết lập mối quan hệ với các doanh nghiệp rất lỏng lẻo. Hằng năm có mấy cái hội nghị, các nhà ngoại giao, các đại sứ gặp các doanh nghiệp, nhưng tôi thấy hầu như không có tác dụng gì. Người ta vẫn quen kiểu doanh nghiệp cần thì phải tìm đến nhờ. Và ngay cả khi doanh nghiệp tìm đến nhờ cũng chưa chắc giải quyết được vấn đề gì.

Tôi nghĩ nếu muốn cán bộ ngoại giao phục vụ tốt lên, thì Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phải làm một cuộc cải cách trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế. Phải qui đinh rõ những cán bộ ngoại giao, đặc biệt là các chức danh bí thư thứ nhất, tham tán thương mại phải làm những gì, phải đáp ứng gì khi nhận chức, và sau một thời gian họ phải nắm được thông tin gì từ nước sở tại, cơ chế tiếp nhận yêu cầu và trả lời thông tin cho doanh nghiệp Việt Nam ra sao.

Trong khả năng còn hạn chế hiện tại, cơ quan ngoại giao chú trọng vào tìm thị trường xuất khẩu hàng hóa và xuất khẩu lao động, đồng thời cung cấp thông tin về Việt Nam để thu hút đầu tư là được. Tuy nhiên, những tham tán thương mại của ta thường không hiểu các vấn đề kinh tế vì họ chỉ được đào tạo ở những ngành ngoại giao. Không có chuyên môn thì dù có nhiệt huyết cũng chưa chắc giúp gì được.

Nên theo tôi, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nên có chính sách thu hút những người có chuyên môn kinh tế vào các chức vụ làm ngoại giao kinh tế ở nước ngoài. Có thể mời những cựu giám đốc doanh nghiệp, nhân viên các hiệp hội, hay chính những nhà doanh nghiệp. Tham tán kinh tế các nước thường họ cũng không lấy từ ngành ngoại giao. Khi đã xác định phát triển ngoại giao kinh tế thì Bộ trưởng Bộ Ngoại giao còn rất nhiều việc phải làm."